Phần đóng góp của NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN trong tuyển "Thơ Việt Đầu Thế Kỷ 21" do LUÂN HOÁN, KHÁNH TRƯỜNG, LÊ HÂN thực hiện (gửi 6 bài thơ theo yêu cầu, trích từ bản thảo TÁNG THÂN (2000 - 2018)
1/ NHỚ EM TÔI ĐANG BÁN THÂN Ở XỨ NGƯỜI
bước đi một bước qua cầu
tội em biệt xứ dãi dầu căm căm
giang sơn chừ đã mê lầm
ruộng đồng biển núi tím bầm thảm thương
xa ân nghĩa mờ cố hương
tay bưng dĩa muối đoạn trường mốt mai
gừng cay xót lưỡi ai hoài
nổi trôi nghìn dặm trang đài còn đâu
-----------------
2/ TÌNH THÂN
khi đến với facebook
tôi chỉ mong tìm thân tình xưa
đã chìm lấp
đã bặt tin
và may mắn tôi đã gặp lại ít nhiều
chúng tôi đã chào đón nhau
đã mừng rỡ nhau
đã với nhau nhắc nhở kỷ niệm
của một thời đã khuất
bằng hữu cũ của tôi ơi
làm sao mà quên được
thời tự do
thời vàng son
thời chất ngất
thời chuyên chính hung bạo
thời gian truân bất hạnh
thời nội chiến nam bắc
thời cào cấu
thời nồi da xáo thịt
anh em
một thời mà chúng ta
đã với nhau
tận cùng
tận cùng thương yêu
tận cùng thù hận
rồi lịch sử bất nhân
đã phận xé
đạp đẩy
chúng ta thất tán khắp địa cầu
kẻ bỏ đi oan khiên
người ở lại uất ức
mới đó mà đã sâu hơn 40 năm
bây giờ gặp nhau
rộn mừng
như tái sinh
và bỗng nhìn ra
quá vãng nặng nề hôn ám
cũng nhẹ tênh
như mây
khói
rất vui
tôi có thêm bằng hữu mới
dù mới nhưng tôi vẫn cứ ngỡ các bạn
là thân thuộc cũ quay về
xin tri ân những cảm thông
trong thời gian qua
xin nối vòng tay tất cả
tình thân cũ
tình thân mới
với tôi
những giao tình của chúng ta vô cùng tuyệt đẹp
không những chỉ đẹp bây giờ
không chỉ đẹp một thời
mà sẽ còn đẹp mãi
ngay cả sau khi chúng ta
chào biệt
thế
gian
----------------
3/ BỜ VAI
bờ vai nào là bờ vai mộng
bờ vai nào chở gió trăng thanh
bờ vai nào che em cởi áo
bờ vai nào rưng rức cho anh
em xao xác suốt mùa tuổi trẻ
tiếng ve ran nghẹn nấc vỗ về
câu hát dội tự nghìn trùng đẫm lệ
chảy trôi rồi chôn lấp si mê
vẫn bờ vai bờ vai yêu rách dấu
anh cõng em qua hết cánh đồng trần
tình lãng đãng như phường hát dạo
bờ vai nào còn gánh vác tình nhân
sợi tóc lóe bên bóng đèn khuya khoắt
em hẹn mai sau
anh bảo đừng chờ
thương nước chọng lút đầm lầy xăm xắp
rát vai trầy ươn ướt cả cơn mơ
-------------------
4/ CHIẾN TRƯỜNG
Việt Nam 40 năm
nửa thắng vênh vang
nửa bại bi hùng
quê hương khốn khó
vẫn là chiến trường
ngút mùa
tận mạng
chiến trường giai cấp
kiêu binh
gian trá
chiến trường tay sai
phá sản
vong thân
chiến trường chuyên chính
ngục tù
nô lệ
chiến trường nhân văn
u tối
điếc câm
Viêt Nam Việt Nam
Việt Nam
Việt
Nam
------------------
5/ BÌNH AN NHA, TÌNH THƠ
"anh ơi, anh đang làm gì"
thì anh đang thong dong
đồng hành với hơi thở em
dù chúng ta
đang là nam bắc đông tây
dạt mù xa thẳm
"anh ơi, anh khỏe không"
thì anh đang vui nè
mướt theo
môi cười em
phong kín thời không gian
ôm ấp địa cầu choàng vai sông núi
ta còn ta trong nhau
với tay che mưa
với chân dẫm nắng
thênh thang mênh mang
chào sáng tối thấp cao
manh áo miếng cơm
lầy lội
dẫu áo não
vẫn trải lòng phơi phới
chúng ta đi ra trần truồng
trở về trần trụi
chẳng có gì mang theo
ngoài tiếc nuối
bởi đến lúc phải giã từ
đã không kịp uống hết phù du
dịu dàng nha em
dù thế nào
cũng chớ nghĩ sự chết là cùng đường tuyệt vọng
mà hãy hướng về đó
như cội nguồn êm ấm
thắm đẫm huê tình
rực rỡ
hào quang
--------------------------
6/ CHUYẾN ĐI KHÔNG THỂ KHÔNG ĐI
anh tìm về nơi chốn anh sinh ra
ngồi trên nền nhà cũ
đứng bên dòng Ô Lâu
dãi dầu với Huế
chuyến đi không thể không đi
anh đã hòa tan với nóng
với khói
với bụi
với mưa
với người
với việtnam
nhiệt đới
sau ngót 30 năm anh trở về
nhìn đất
nhìn trời
nhìn nơi anh đã sống
đã bám
đã bỏ
đã yêu
đã thù
đã chết
đã thăng hoa
đã cùng tận
anh bắt gặp chính mình
chúng ta sinh ra vì không thể không sinh ra
làm người
trên mặt đất
bên này bên kia
giới tuyến không từ không gian
giới tuyến không từ thời gian
mà chính chúng ta đã là
lằn ranh
chối bỏ nhau
nô lệ nhau
đọa đày nhau
cùng khổ nhau
tươm máu
chuyến đi không thể không đi
như vòng tròn thoát thai
như bình minh hoàng hôn
như áp bức cường quyền
như anh nắm tay em
hành trình
vô định
chuyến đi không thể không đi
như việtnam
như nhân loại
anh đã bắt tay anh
chào biệt thiếu thời
ai ngờ tuổi già anh
thấy mình nhỏ dại
với nắng
với đất
với sông
với núi
với bão lũ
như khi anh ngồi bên mộ ba mạ anh
trường sơn biển đông
chụm đầu
dấy lên
oan khốc
chuyến đi không thể không đi
bởi vì
anh chưa bao giờ ra đi
nên anh chẳng bao giờ trở về
anh chỉ là anh
vô tăm
vô tích
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
trời viễn xứ cũng tròn hương mật
Thursday, July 25, 2019
Tuesday, July 9, 2019
LỬA NGHẸN HỒNG NHAN
"anh ơi
em trong phòng tập bắn
đang bắn xuyên tim anh đó..."
em nè
anh rất sảng khoái
khi em "đang bắn xuyên tim anh"
là hành động tự sát thơ mộng nhất.
bởi vì tim anh đang là nơi chốn em trú ẩn
trái tim của anh
tự bao giờ
đã là tâm không
bất hoại
cho dù em có hung hãn như thế nào
thì luôn vẫn sẽ bình an.
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
em trong phòng tập bắn
đang bắn xuyên tim anh đó..."
em nè
anh rất sảng khoái
khi em "đang bắn xuyên tim anh"
là hành động tự sát thơ mộng nhất.
bởi vì tim anh đang là nơi chốn em trú ẩn
trái tim của anh
tự bao giờ
đã là tâm không
bất hoại
cho dù em có hung hãn như thế nào
thì luôn vẫn sẽ bình an.
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
Saturday, June 29, 2019
1963
Biến cố 1963. Chính quyền miền Nam của tổng thống Ngô Đình Diệm bị cánh quân nhân thuộc hạ lật đổ. Qua cái radio của gia đình, mỗi buổi tối cả nhà theo dõi đài BBC, đài VOA. Bằng phương tiện đó, tôi cũng hiểu biết một phần diễn tiến thời cuộc. Như cuộc tranh đấu của Phật Giáo là chống độc tài gia đình trị, chống kỳ thị tôn giáo. Huế, Sàigòn đã có những ni, sư tự thiêu. Những chuyện này hầu như đã chẳng có âm vang gì với dân làng tôi. Ngày ngày quằn lưng trên cánh đồng. Đêm đêm thắc thỏm theo tiếng chó sủa. Chẳng ai còn hơi sức mà nghĩ đến những chuyện xa xôi. Chỉ có một dấu hiệu duy nhất, là tấm biểu ngữ căng dài ở trên nóc cửa ngôi chùa làng tôi, với giòng chữ “chúng tôi đòi bình đẳng tôn giáo”. Do thanh niên phật tử treo lên.
Khung hình của tổng thống Diệm treo trên vách, trước khi nhập ngũ, anh Cung đã hạ xuống dấu đi. Khi nghe tin ông Diệm bị lật đổ và bị giết chết. Cha đã làm một chuyện khác thường. Ông mang bức chân dung ông Diệm ra lau sạch sẽ rồi treo vào chỗ cũ ngay trên đầu bàn học của chúng tôi. Cha nói nghĩa tử nghĩa tận. Vài hôm sau thì mẹ hạ xuống. Mẹ bảo cha hãy đem cất đi, đừng treo lên nữa mà mang họa.
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
Trích Tự Truyện THẦM LẶNG TRỜI, THẦM LẶNG ĐẤT, 1994
Khung hình của tổng thống Diệm treo trên vách, trước khi nhập ngũ, anh Cung đã hạ xuống dấu đi. Khi nghe tin ông Diệm bị lật đổ và bị giết chết. Cha đã làm một chuyện khác thường. Ông mang bức chân dung ông Diệm ra lau sạch sẽ rồi treo vào chỗ cũ ngay trên đầu bàn học của chúng tôi. Cha nói nghĩa tử nghĩa tận. Vài hôm sau thì mẹ hạ xuống. Mẹ bảo cha hãy đem cất đi, đừng treo lên nữa mà mang họa.
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
Trích Tự Truyện THẦM LẶNG TRỜI, THẦM LẶNG ĐẤT, 1994
Thursday, June 20, 2019
TỰ PHÁC HỌA
từ cuối tháng ba năm ngoái (2018)
tôi đã cùng bệnh tật đấu đá lẫn nhau
hiện tại tuy đang thủ huề
nhưng biết đâu
không chừng tôi sa cơ
sẽ hóa không
bất chợt hào hứng
nên tạm phác họa dăm chút đời mình
(cho mai sau nhìn lại)
về bản thân:
sinh ra từ một làng quê
mẫn cảm
vướng nợ chữ nghĩa
từ niên thiếu cho đến tận bây giờ
tâm tư phóng túng hồn nhiên
yêu tự do khai phá
đời thơ hư ảo mông lung
đời thường tỉnh táo
về ứng xử:
bình đẳng
tôn trọng chúng sinh
không phân biệt lớn nhỏ sang hèn thông minh ngu dốt
trí tuệ tài năng
bởi vì vận hành nhân giới cũng như cây lá
bộ phận nào cũng quan trọng
thiết yếu như nhau
về sáng tác:
thơ đến với tôi như ám chướng
viết vì không thể không viết
về thưởng ngoạn:
không có tác giả lớn cũng không có tác giả nhỏ
không có tác phẩm hay hoặc tác phẩm dở
tất cả đều được tôi học tập nâng niu
chiêm nghiệm để bồi bổ cho vốn “sống-viết” của mình
về bằng hữu:
đời thường có nhiều bạn thân
tri kỷ của đời thơ rất hiếm
về tình nhân:
cám ơn em hương sắc
hồng hào chất ngất
về đại gia đình:
thời thơ ấu ấm áp
trưởng thành thì xa cách cha mẹ anh em
về đời riêng:
làm chồng làm cha bất xứng
rất may là được cô vợ khoan hòa thực tế đại lượng tri
kỷ chí tình
về tác phẩm:
hầu hết được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Gia Canada
(Library and Archives Canada)
đã đăng ký bản quyền (certificate of registration of
copyright) tại Canadian Intellectual Property Office
di ngôn:
tri ân sự sống có tôi
dự phần
cám ơn sự chết đang thân ái chờ tôi
họp mặt
tôi vô cùng thênh thang
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
Apri 13th, 2019
Edmonton Canada
---
GHI CHÚ: trang blog này, từ nay sẽ do thân nhân của tôi (NĐBN) cập nhật cùng với những trang sau:
https://www.facebook.com/ngducbatngan/
https://www.facebook.com/blogNDBN/
https://www.facebook.com/ndbatngan
GHI CHÚ: trang blog này, từ nay sẽ do thân nhân của tôi (NĐBN) cập nhật cùng với những trang sau:
https://www.facebook.com/ngducbatngan/
https://www.facebook.com/blogNDBN/
https://www.facebook.com/ndbatngan
Monday, June 10, 2019
Saturday, June 1, 2019
BÓNG ĐỘNG
(tiểu dẫn:
vào cuối thập niên 1960
cô bạn tôi
trên chuyến xe đò về thăm nhà
không may bị trúng mìn việt cọng
tử vong
tôi dự tang lễ
ra tận nghĩa địa
khi quan tài hạ huyệt
tôi thấy bạn đang hiền từ hợp hóa với đất
bỗng cảm xúc có bài thơ này)
---
BÓNG ĐỘNG
em về dưới đó
gửi tình cho cây
em về dưới đó
sầu thương đêm ngày
em về dưới đó
ôm tình trôi xuôi
căng tròn tuổi mật
cho nhau u hoài
em về dưới đó
hát giữa đời mình
còn nghe ước vọng
như loài chim bay
theo anh về ngủ
bắt đầu từ đây
em về dưới đó
một khúc ân từ
ngậm ngùi hoang vắng
tình hoài mây xa
em về dưới đó
ca hát lạc loài
còn anh rủ liệt
một đời gian nan
em về dưới đó
tình buồn mai sau
em về dưới đó
biết còn nhớ nhau
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
(Còn Ưu Ái Còn, 1964 - 1970)
vào cuối thập niên 1960
cô bạn tôi
trên chuyến xe đò về thăm nhà
không may bị trúng mìn việt cọng
tử vong
tôi dự tang lễ
ra tận nghĩa địa
khi quan tài hạ huyệt
tôi thấy bạn đang hiền từ hợp hóa với đất
bỗng cảm xúc có bài thơ này)
---
BÓNG ĐỘNG
em về dưới đó
gửi tình cho cây
em về dưới đó
sầu thương đêm ngày
em về dưới đó
ôm tình trôi xuôi
căng tròn tuổi mật
cho nhau u hoài
em về dưới đó
hát giữa đời mình
còn nghe ước vọng
như loài chim bay
theo anh về ngủ
bắt đầu từ đây
em về dưới đó
một khúc ân từ
ngậm ngùi hoang vắng
tình hoài mây xa
em về dưới đó
ca hát lạc loài
còn anh rủ liệt
một đời gian nan
em về dưới đó
tình buồn mai sau
em về dưới đó
biết còn nhớ nhau
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
(Còn Ưu Ái Còn, 1964 - 1970)
Monday, May 20, 2019
CỐ HƯƠNG
Tôi về Huế hớn hở tươi vui. Ðèo Hải Vân ngăn ngắt rực nắng. Ngoài
kia biển xanh loang xa vô tận đắp lên chân trời thẳm. Nhớ thuở nào tiền nhân đã
qua đây. Mỗi người mỗi suy cảm. Kẻ náo nức tâm động theo triền núi dựng. Kẻ
thất bại cuồng nộ, xung khí trào lên đôi mắt vọng cùng bốn hướng. Cũng đỉnh đèo
này, cũng lòng đường uốn khúc chật hẹp hiểm trở kia. Trong tôi, mỗi lần đi qua
là mỗi lần thấy khác. Như hôm nay trước tầm mắt, thiên nhiên như người mẹ hiền
chan chứa đưa vòng tay lớn chào đón. Vài bóng chim thấp thoáng. Dưới kia, những
ghềnh đá lởm chởm trườn ra biển nô nức theo từng đọt sóng trắng xóa vỗ tung lên
lao xao. Một thuở nào như bóng dáng sương phụ mỏi mắt ngóng chồng ngẫm thân
mình côi cút, còn tiếng hoang liêu bầu bạn. Tôi quanh co theo đường đèo quanh
co.
Tôi gặp cha mẹ. Nét mặt cha nghiêm nghị thanh thản. Con thi đậu, ba
khỏe khoắn một chút. Tôi biết người hài lòng nhưng không tỏ lộ.
Kim Long khoái chí. Anh chị Cung và bầy cháu thân thiện. Hàng xóm hỏi han chia
sẻ mừng vui.
Những ngày thong thả. Tôi không biết làm gì. Bằng hữu tôi ở đây hình như không
còn ai. Tôi về Vĩ Dạ, tấp vô quán bánh bèo gặm nhấm một mình. Ðường về Thuận An
tấp nập. Vườn lá hai bên đường ngan ngát tơ nắng. Tôi xuống chợ Mai với tô cháo
lòng thơm đậm hương tiêu. Chung quanh là những hàng cau cao ngất đâm chỉa lên bầu trời. Tôi qua bên Cồn Hến ghé vào quán chè giải khát. Ly chè thơm ngọt mùi
bắp non. Ðâu đâu cũng dẫy tràn màu xanh. Tôi quên bẳng những tàng phượng bông
sắp úa trên đầu. Tôi quên tôi với tình yêu khuất lấp cay nghiệt.
Thoải mái không tạo ra thơ. Tôi quên luôn chữ nghĩa, không còn thói quen ngồi
với tập nhật ký mỗi ngày.
Tôi vòng lên Ngự Bình, triền núi lở cằn khô khốc, dưới chân chen đầy mộ chí.
Tôi băng vào đồi Thiên An. Thông hàng hàng lớp lớp vi vút. Có lúc tôi dừng lại
bên đường, những lùm sim nở bông tím biếc tung hê theo đàn bướm dại. Chiều dần
tàn, không gian vàng thẩm cúi xuống trên tàng lá thông. Tôi muốn nối mọi mùa
trở về chung một tâm tình tận hiến. Ðất trời tôi đang lên. Những con đường núi
quanh co nối liền những lăng mộ của vua chúa triều Nguyễn. Ðường vắng, tôi như
tha ma.
Từ ngả rẽ vào lăng Tự Ðức, tôi leo lên đồi Vọng Cảnh ngó mông. Dưới kia, giòng
Hương mịn màng óng ả khuất sau núi đồi. Bên kia là điện Hòn Chén, tôi chưa một
lần bước qua. Tôi ngồi bệt xuống bên đám cỏ. Những bông cỏ may phất phơ trải
dài. Tôi lười lĩnh nằm chuồi ra, đưa tay vòng quanh sau cần cổ làm gối tựa. Mắt
tôi ôm trọn cả bầu trời ngút xanh. Tôi nghe hương của nước của đất trùm lên
thân thể. Những cụm gió chướng thổi lùa qua, len vào áo thấm vào da thịt đê mê.
Núi sông đè lên tôi như một cấu hợp nồng nàn hạnh phúc.
Quẩn quanh với Huế chán chê, một sáng sớm tôi chạy xe về làng. Quốc lộ 1 xuôi
bắc quen thuộc đã được trùng tu vì mục đích quân sự. Những đoàn xe nhà binh rầm
rập ngược xuôi. Rải rác hai bên đường là những xóm nhà xơ xác, tiêu điều. Tiếp
liền theo thảo nguyên hoang dã. Xa hơn về hướng Trường Sơn, dăm đám rừng già lá
vàng rủ vì thuốc khai quang. Cùng những đám khói trơ trọi quạnh quẽ. Qua dốc
Ðồng Lâm, tôi nhìn vào lũng nhỏ nơi an nghỉ của Chánh, người bạn học cũ. Tôi
không thể định rõ vị thế của bạn nằm. Những ngôi mộ bạt nấm vì gió sương. Những
lùm cây dại vẫn trổ hoa bình yên.
Tôi rú ga, xe lao nhanh trong gió. Thị trấn Phong Ðiền hiện rõ dần phía trước.
Tôi rú ga, xe lao nhanh trong gió. Thị trấn Phong Ðiền hiện rõ dần phía trước.
Thị trấn vẫn thế, hàng quán đầy đặc lính tráng. Ngôi trường trung học cũ nhỏ bé
của tôi đóng cửa im ỉm. Ðâu rồi một thuở tôi nhận được lá thư tình đầu tiên
trong đời. Ðâu rồi những bằng hữu tôi. Ðâu rồi Băng Tâm với thương nhớ hoang
mang của tuổi tôi dậy thì. Tôi ghé nhà bác Phụng. Mùa hè trống
trải. Bác trai già nua còm cõi hơn xưa. Bác gái đã mất trong tai nạn vì dầu
lửa. Anh Hàng đã lập gia đình, dọn đi xa. Cô gái út Thu Mai cũng đã lấy
chồng. Bác bầu bạn cùng men rượu. Bác mừng rỡ khi gặp tôi, cười hềnh hệch nhắc
về kỷ niệm. Chuyện những ngày mưa ám thiếu củi đun, bác phải đành chặt một vài
nhánh cây dương liễu bên hông nhà. Chuyện đêm bác vùng dậy kêu cả bọn xuống hầm
tránh pháo kích, khi bác nghe được tiếng đề pa đầu tiên. Chuyện thằng Cẩm nhác
nhớm mấy ngày chưa chịu ra giếng tắm... Tôi cười vui, thầm phục bác còn nhiều
nghị lực. Bác nói. Tau còn sống đến hôm nay là trời cho, tau không ham
không tiếc chi nữa hết.
Tôi ghé nhà Chánh, bà mẹ không nhận ra tôi. Tôi xin phép vào trong bàn thờ bạn
thắp nén nhang hồi tưởng. Bàn thờ lạnh tanh. Di ảnh bạn buồn bã. Ánh mắt hơi lé
như còn phẫn uất. Khi chào từ giã mẹ của Chánh, nhìn ánh mắt vô cảm thất thần
của bà, bỗng dưng tôi hoảng sợ. Kiếp người quay quắt khốn đốn như thế ư. Sống
vì bắt buộc phải sống. Sống không còn là ước mơ tin cậy. Sống vì không thể
chết.
Tôi băng qua bãi đất trống ngay trước mặt chạy vào ngôi chùa. Nơi chốn đầu đời
mà tôi hò hẹn. Em không còn nữa nhưng có tôi trở về đây. Trong thần trí tôi
bừng tiếng chuông ngân vọng xót xa. Tôi dựng xe, bước lên ngồi trên tam cấp.
Trước mắt qua bãi tha ma nhỏ phủ đầy cỏ úa, vẫn còn đó cái hồ nước đã gần cạn
khô. Hai con đường vòng hai bên vẫn hàng cây bạc hà ung dung bất cần nhân sự. Tôi
nhớ về Băng Tâm, như nhớ đầu nguồn nước thơ dại. Như mùi hương trầm tích. Có em
có tôi thơm giấy mực học trò.
Quá trưa tôi mới đến Mỹ Chánh. Hương lộ chạy cặp sông Ô Lâu dẫn về làng tôi đã
sửa chữa. Có đoạn được nới rộng ra. Thời kỳ này chính quyền miền Nam đang lấn
đất giành dân qua chương trình bình định nông thôn. Có một số dân chúng trở về
sống với ruộng nương. Làng tôi cũng thế. Chính quyền cơ sở hành chánh xã ấp
cũng được xây dựng lại. Từ đầu làng, cầu Mụ Tú sập gãy trước đây đã được sửa chữa
vững chắc. Trước mắt tôi, quang cảnh tiêu điều xác xơ. Cái quán tạp hóa nhỏ cặp
bến sông của bác Ðiền chỉ còn trơ miếng đất trống. Lũy tre dọc hai bên đường
thưa thớt cành ngọn. Làng đang giữa ngày mùa, đường làng phơi đầy rơm rạ. Tôi
thả lỏng tay ga chạy chầm chậm. Ðã ngót bốn năm. Kể từ dạo tôi liều lĩnh trở về
trong ngày húy nhật của ông nội. Khúc đường lụy chạy ngang trước ngôi đình làng
như lún thấp xuống. Ngôi đình vẫn còn đứng nguyên giữa xót xa quạnh quẽ. Vài dân
làng đi ngược chiều nhìn tôi tò mò.
Tuy đã hình dung trước, nhưng khi đứng trên miếng đất khi xưa đó là vườn nhà,
tôi chết sựng. Tôi đã chuẩn bị cho mình một tâm thế nhưng hốt nhiên không ngờ
sự thực quá tang thương. Cái cầu đúc cũ vì không chịu đựng nỗi được trọng tải
của xe quân sự, nên công binh đã làm thêm một cây cầu mới bên cạnh, nằm nhích
ra gần với cửa của con hói. Ðoạn đường mới theo cây cầu này hầu như cặp sát với
lưng vách của ngôi từ đường họ Nguyễn Ðức, băng qua chiếm hết một phần sân rộng
của nhà tôi. Miếng đất hiu hắt chỉ còn một rẻo nhỏ cặp sát bờ sông được ai đó
lên vồng trồng dăm hàng sắn chen lẫn với khoai lang. Tôi cố hồi ức nhưng chẳng
dựng được một hình ảnh nào khả dĩ có thể liền lạc với quá khứ. Nơi chôn nhau
cắt rốn của tôi một thuở nào nay đã là bình địa. Nơi có ngôi nhà với hơi hám
cha mẹ anh em tôi một thời nay bỗng như huyền tích. Miệng môi tôi khô
rát, nghe lành lạnh chạy dọc theo sống lưng. Tôi nhìn bụi hóp nhỏ nhoi bên cạnh
cái bến nước cũ bắt qua mấy cội tre già đang trầm mình nửa trên nửa dưới ở ngã
ba cửa hói và sông Ô Lâu. Ðất đã lở nhiều hơn trước vì dòng nước xói mòn, bờ
sông như dựng đứng. Cây bưởi, cùng mấy hàng cừa do cha tôi trồng cặp bờ để giữ
đất cũng đã bị dòng nước cuốn mất. Chỉ còn cây quao già cỗi phía bên miếng đất
của bác thợ Gạc là cố bám víu, dù phần thân với cành lá đã ngả bổ ra mặt sông.
Tôi dựng xe bên lề đường rồi đi ra phía mé sông ngồi xuống. Sông vẫn hiền hòa
tĩnh lặng. Tâm tư tôi đồng thiếp. Loáng thoáng trong không gian lao xao âm
hưởng gọi réo mơ hồ. Có tiếng ầm ầm bom đạn đơm lên giọng hò mẹ ru theo đêm ấu
thời tôi mất ngủ. Có tiếng anh em tôi tếu nhộn cãi cọ tưng bừng. Có tiếng bà
con họ hàng rộn rã trong những kỳ giỗ chạp. Có tiếng cưa tiếng bào tiếng đục
chan chát giữa rạp mộc của cha chất đầy săng gỗ, tấp nập khách hàng. Hình ảnh
con chó mực già mừng tôi tíu tít vẫy đuôi, theo con gà đá trộn lẫn với lần tôi
mơ mộng lêu lổng trốn học.
Gia đình chú Anh vẫn còn bám trụ. Ngôi nhà cũ của chú đã cháy cùng một lần với
nhà tôi trong cuộc giao tranh năm nào. Chú dựng một căn nhà nhỏ, tá túc tạm bợ
qua ngày. Chú thím đang cật lực ngoài đồng. Bầy em họ của tôi cũng chẳng đứa
nào có mặt. Chung quanh nhà cửa xóm giềng cũng vậy. Những túp lều tranh nín
lặng mới dựng vội lại. Tôi không muốn gặp ai, cũng chẳng muốn gọi ai, thăm ai.
Tôi không muốn chạm mặt bà con. Tôi sợ phải đối diện với những nhân dáng áo não
thất thế tủi cực. Những phận đời cơ khổ tàn lụi của cố hương tôi đang bầm dập
vất vưởng phong ba.
Tôi trở lại Huế vào chiều hôm đó. Tôi rú ga, xe lao nhanh điên cuồng theo lòng
tôi đang bấn loạn. Ðoạn đường chỉ vài chục cây số nhưng xa xôi làm sao. Tôi cầm
chắc tay lái mong cho mau nuốt hết đoạn đường dài. Trời đã chạng vạng, màu đất
tím đậm loang loáng gợi dậy se thắt theo ráng chiều le lói đang thoi thóp chết
dần bên hướng núi.
Tôi rối tung theo có và không. Thực tại và ảo trạng qua nền đất cũ. Nơi chốn đó tôi mở mắt chào đời. Nơi chốn đó thăng hoa và đọa đày. Gia đình tôi may mắn về cư ngụ ở thành phố, nhưng còn bà con chòm xóm tôi. Ðất đã là mầm khổ tự đời nào. Sao bây giờ tôi mới thấm thía.
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
trích Tự Truyện THẦM LẶNG TRỜI, THẦM LẶNG ĐẤT
1994
Tôi rối tung theo có và không. Thực tại và ảo trạng qua nền đất cũ. Nơi chốn đó tôi mở mắt chào đời. Nơi chốn đó thăng hoa và đọa đày. Gia đình tôi may mắn về cư ngụ ở thành phố, nhưng còn bà con chòm xóm tôi. Ðất đã là mầm khổ tự đời nào. Sao bây giờ tôi mới thấm thía.
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
trích Tự Truyện THẦM LẶNG TRỜI, THẦM LẶNG ĐẤT
1994
Wednesday, May 8, 2019
TIỂU BÍCH
bao giờ cho mây tan
bao giờ thôi mưa úa
những mắt chào long đong
những hồn soi nghiệt ngã
này em bao nhiêu năm
tóc vẫn dài không đợi
em vẫn hoài u mê
ngồi ở nhà không nói
một lời sao sơn khê
tìm em tìm chiếc bóng
mặt trời sao chưa lên
mặt trăng giờ đã khuyết
em vẫn tràn hư không
đành thôi thôi tình lụy
đã chìm đò mười năm
chừ em em có nhớ
tìm nhau tìm nơi đâu
tình không còn chỗ trú
tưởng là hoa trên đầu
ngỡ là mây cuối phố
ngỡ nụ cười thiên thâu
này em vầng trăng buộc
như nhành trâm thu phân
như nhành trâm nguyện ước
trên tóc người vô tâm
này em còn hơi thở
thở cùng nhau một lần
khóc chung dòng nước mắt
cười chung lần hân hoan
này em em hoang vu
trong hồ này mộng tưởng
vẫn lạc loài phương xa
vẫn giòng sông ra biển
vẫn lệ tràn tóc hoa
này em như giao hưởng
một phiến đàn vô thanh
buổi về như trống vỡ
bội ân người đi nhanh
này em này khăn gói
lên đường đường còn xa
này em này nắng dọi
vẫn êm đềm tơ sa
một lần là ước nguyện
em theo người mười năm
ta theo đời phiêu bạt
cũng tròn như phúc âm
chừ ngồi đây không nói
nói đành như không nghe
mười năm em vòi või
một tin về phương kia
chừ anh anh đứng bóng
chừ em em mênh mông
đành thôi thôi tình lụy
đã chìm đò mười năm
chút son hồng cũng ấm
bên môi người lạnh tanh
này em này nước mắt
đã chìm đò mười năm
anh thành tên bội ước
trên tình mình vô tăm
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
Thursday, April 18, 2019
Sunday, March 31, 2019
BUỔI TRƯA
trưa nắng đó anh đi về với gió
và trên đầu vàng rộn tiếng ve ngân
nghe ngã gục giữa tầng không úa đỏ
bóng anh tàn thu kín dưới hai chân
là vực tối long lanh màu bi thiết
em bên này như xa hút bên kia
tàng phượng gọi trước mắt người có biết
một thời nào đứng hót giữa sương khuya
xin em giữ giọt hương này khánh tận
cùng linh hồn gói thương nhớ đi xa
anh đã ngủ suốt một mùa tủi giận
nắng mưa say trôi dạt giữa sơn hà
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
và trên đầu vàng rộn tiếng ve ngân
nghe ngã gục giữa tầng không úa đỏ
bóng anh tàn thu kín dưới hai chân
là vực tối long lanh màu bi thiết
em bên này như xa hút bên kia
tàng phượng gọi trước mắt người có biết
một thời nào đứng hót giữa sương khuya
xin em giữ giọt hương này khánh tận
cùng linh hồn gói thương nhớ đi xa
anh đã ngủ suốt một mùa tủi giận
nắng mưa say trôi dạt giữa sơn hà
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
Subscribe to:
Posts (Atom)