Saturday, June 29, 2019

1963

   Biến cố 1963. Chính quyền miền Nam của tổng thống Ngô Đình Diệm bị cánh quân nhân thuộc hạ lật đổ. Qua cái radio của gia đình, mỗi buổi tối cả nhà theo dõi đài BBC, đài VOA. Bằng phương tiện đó, tôi cũng hiểu biết một phần diễn tiến thời cuộc. Như cuộc tranh đấu của Phật Giáo là chống độc tài gia đình trị, chống kỳ thị tôn giáo. Huế, Sàigòn đã có những ni, sư tự thiêu. Những chuyện này hầu như đã chẳng có âm vang gì với dân làng tôi. Ngày ngày quằn lưng trên cánh đồng. Đêm đêm thắc thỏm theo tiếng chó sủa. Chẳng ai còn hơi sức mà nghĩ đến những chuyện xa xôi. Chỉ có một dấu hiệu duy nhất, là tấm biểu ngữ căng dài ở trên nóc cửa ngôi chùa làng tôi, với giòng chữ “chúng tôi đòi bình đẳng tôn giáo”. Do thanh niên phật tử treo lên.
Khung hình của tổng thống Diệm treo trên vách, trước khi nhập ngũ, anh Cung đã hạ xuống dấu đi. Khi nghe tin ông Diệm bị lật đổ và bị giết chết. Cha đã làm một chuyện khác thường. Ông mang bức chân dung ông Diệm ra lau sạch sẽ rồi treo vào chỗ cũ ngay trên đầu bàn học của chúng tôi. Cha nói nghĩa tử nghĩa tận. Vài hôm sau thì mẹ hạ xuống. Mẹ bảo cha hãy đem cất đi, đừng treo lên nữa mà mang họa.

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
Trích Tự Truyện THẦM LẶNG TRỜI, THẦM LẶNG ĐẤT, 1994

Thursday, June 20, 2019

TỰ PHÁC HỌA

từ cuối tháng ba năm ngoái (2018)
tôi đã cùng bệnh tật đấu đá lẫn nhau
hiện tại tuy đang thủ huề
nhưng biết đâu
không chừng tôi sa cơ
sẽ hóa không

bất chợt hào hứng
nên tạm phác họa dăm chút đời mình
(cho mai sau nhìn lại)

về bản thân:
sinh ra từ một làng quê
mẫn cảm
vướng nợ chữ nghĩa
từ niên thiếu cho đến tận bây giờ
tâm tư phóng túng hồn nhiên
yêu tự do khai phá  
đời thơ hư ảo mông lung
đời thường tỉnh táo

về ứng xử:
bình đẳng
tôn trọng chúng sinh
không phân biệt lớn nhỏ sang hèn thông minh ngu dốt trí tuệ tài năng
bởi vì vận hành nhân giới cũng như cây lá
bộ phận nào cũng quan trọng
thiết yếu như nhau

về sáng tác:
thơ đến với tôi như ám chướng
viết vì không thể không viết

về thưởng ngoạn:
không có tác giả lớn cũng không có tác giả nhỏ
không có tác phẩm hay hoặc tác phẩm dở
tất cả đều được tôi học tập nâng niu
chiêm nghiệm để bồi bổ cho vốn “sống-viết” của mình

về bằng hữu:
đời thường có nhiều bạn thân
tri kỷ của đời thơ rất hiếm

về tình nhân:
cám ơn em hương sắc
hồng hào chất ngất

về đại gia đình:
thời thơ ấu ấm áp
trưởng thành thì xa cách cha mẹ anh em

về đời riêng:
làm chồng làm cha bất xứng
rất may là được cô vợ khoan hòa thực tế đại lượng tri kỷ chí tình

về tác phẩm:
hầu hết được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Gia Canada (Library and Archives Canada)
đã đăng ký bản quyền (certificate of registration of copyright) tại Canadian Intellectual Property Office

di ngôn:
tri ân sự sống có tôi
dự phần
cám ơn sự chết đang thân ái chờ tôi
họp mặt
tôi vô cùng thênh thang

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
Apri 13th, 2019 
Edmonton Canada
---
GHI CHÚ: trang blog này, từ nay sẽ do thân nhân của tôi (NĐBN) cập nhật cùng với những trang sau:
https://www.facebook.com/ngducbatngan/
https://www.facebook.com/blogNDBN/
https://www.facebook.com/ndbatngan





Monday, June 10, 2019

XUỐNG TÓC

nón che nghiêng nửa dòng trăng đã mọc
đời thênh thang về giữa mộng vô cùng
rồi khói nhạt cũng theo chiều xuống tóc
còn u hoài và mây trắng mông lung

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Saturday, June 1, 2019

BÓNG ĐỘNG

(tiểu dẫn:
vào cuối thập niên 1960
cô bạn tôi
trên chuyến xe đò về thăm nhà
không may bị trúng mìn việt cọng
tử vong

tôi dự tang lễ
ra tận nghĩa địa
khi quan tài hạ huyệt
tôi thấy bạn đang hiền từ hợp hóa với đất
bỗng cảm xúc có bài thơ này)

---

BÓNG ĐỘNG

em về dưới đó
gửi tình cho cây
em về dưới đó
sầu thương đêm ngày

em về dưới đó
ôm tình trôi xuôi
căng tròn tuổi mật
cho nhau u hoài

em về dưới đó
hát giữa đời mình
còn nghe ước vọng
như loài chim bay
theo anh về ngủ
bắt đầu từ đây

em về dưới đó
một khúc ân từ
ngậm ngùi hoang vắng
tình hoài mây xa

em về dưới đó
ca hát lạc loài
còn anh rủ liệt
một đời gian nan

em về dưới đó
tình buồn mai sau
em về dưới đó
biết còn nhớ nhau

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
(Còn Ưu Ái Còn, 1964 - 1970)