Monday, July 10, 2017

TAY SAI

           Yên ổn cho bất cứ đời sống của một ai, đó là biết đặt mình trong vị thế định mức giới hạn. Triết lý này đã có từ trước. Nếu không, vật chất thay vì là phương tiện để nuôi dưỡng sẽ biến thành cứu cánh u mê. Từ đó sẽ phát sinh tranh dành tước đoạt. Sinh hoạt tinh thần cũng thế. Chủ quan đòi hỏi mơ ước tự do như một thực thể tuyệt đối sẽ đưa suy nghĩ con người thành mông lung hư ảo.

           Qua những lần gần gũi với nhóm anh em tranh đấu, tôi thấy họ đã đi quá xa. Họ đang bị thế lực hôn ám điều động chỉ đạo. Những người trẻ tuổi chúng tôi đang yên ổn ở hậu phương, chưa nhập ngũ (vì lý do học vấn) là thành phần may mắn. Nhưng thay vì phải hiểu được điều kiện may mắn của mình để hành xử đúng bổn phận công dân trong một xã hội đang nhiễu nhương tan tác. Anh em đã lợi dụng cơ hội này để hạch sách mè nheo cơ chế xã hội đang bảo bọc mình.

            Một buổi xế chiều sau giờ học. Tôi ghé vô văn phòng ban đại diện sinh viên. TXA đang loay hoay với nửa viên phấn màu tím. Bạn nhìn tôi cười, rồi kéo cái ghế tới sát vách để đứng lên. Bạn nắn nón viết lên tường 1 câu thơ của NH. Biết bao giờ tôi mới nói được điều tôi ước mơXong xuôi bạn nhảy xuống, quay nhìn tôi trầm trồ. Câu thơ hay quá. Tôi gờn gợn. Ý nghĩa câu thơ như một cưỡng bức thô bạo lên đời sống thực tại. Chẳng biết tác giả của nó đã từ xúc cảm, đòi hỏi nào để viết lên. Thì chúng ta đang có tự do. Chúng ta vẫn hành động, vẫn hội họp vẫn xuống đường. Chúng ta vẫn tự do tự trị đại học, tự do phỉ báng chính quyền, cũng như tự do trốn tránh. Những điều đó chưa đủ tầm ước mơ ư. Hay là tác giả của câu thơ đang còn những âm mưu bí ẩn khác chưa được thỏa mãn nên phải la lối kêu đòi.

            Tôi chẳng lạ gì sự nhiễu loạn của cái gọi là tầng lớp trí thức tăng lữ đang ngụy danh cấp tiến đương thời. Trong chừng mực tương đối, họ là tinh hoa trí tuệ miền Nam. Những kẻ này tu hành, nhưng quá khích, thích bạo loạn tranh đấu hơn là yên vị trong giới hạn sáng đạo yên đời như kinh sách giáo lý đã đề xuất. Có thể họ tuy tu hành nhưng còn nặng nghiệp với đời chăng. Vì thế nên đã khiến họ phải dấn thân hoạt động để tranh đấu cho hòa bình đất nước. Tôi không quan tâm. Ðiều đáng buồn là trong những tác phẩm của họ, ẩn núp dưới văn phong dễ gây thuyết phục. Là chan chát những phủ phàng, nếu không muốn nói là vô ơn quay lưng với phía đang bảo vệ cho chính họ được yên ổn trong thiền viện, nhà xứ, thánh thất, học đường... để làm thơ viết văn lên án tội ác, đòi hỏi hòa bình. Tác phẩm của họ lộ rõ tính thiên vị ủng hộ kẻ xâm lấn cọng sản phương Bắc.

            Chống bất công là chống tất cả những thế lực dù núp dưới y áo nào đang chà đạp nhân phẩm tự do lẫn quyền sống cơ bản của con người. Nếu phải vạch rõ những xấu xa man trá của cuộc chiến tranh phi lý đang diễn ra trên đất nước thì phải can đảm vạch trần tất cả gian dối điêu ngoa cả hai phe. Miền Nam tuy nằm dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ, nhưng bình tâm, như tôi có lần đã nói, mà xét thì không khí sinh hoạt chính trị cũng còn tương đối dễ thở. Riêng Phật giáo, sau biến cố 1963, đã trở thành một lực lượng chính trị đôi lúc hầu như lấn lướt cả chính quyền. Nào tổ chức đưa bàn thờ phật xuống đường, nào là hòa giải hòa hợp, nào là thành phần thứ ba... Nhan nhản đâu đó là những bài bản nặng tính bươi móc nhằm triệt hạ uy tín chống cọng của quân dân miền Nam. Nào là lên án quân xâm lược Mỹ và quân đội miền Nam hành quân đốt nhà cướp bóc hãm hiếp lương dân. Ngoài ra chẳng có một câu một giòng chỉ rõ những sai trái của chính quyền cọng sản miền Bắc và tay sai mặt trận giải phóng. Những oan hồn vất vưởng vì bị chôn sống trong biến cố Mậu Thân đã bị quên lãng.

              Nếu thực sự có lòng tranh đấu cho dân tộc thì phải vì nỗi oan khuất trọn vẹn của cả dân tộc mà lên tiếng. Chính quyền miền Bắc không những chịu sự điều động về vật chất của cả khối cọng sản mà còn cam tâm nô lệ cho chủ nghĩa cọng sản vốn phi lý từ cơ bản. Sao bọn họ đành ngậm miệng im hơi.


NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
trích tự truyện Thầm Lặng Trời, Thầm Lặng Đất 1994