Monday, May 20, 2019

CỐ HƯƠNG


      Tôi về Huế hớn hở tươi vui. Ðèo Hải Vân ngăn ngắt rực nắng. Ngoài kia biển xanh loang xa vô tận đắp lên chân trời thẳm. Nhớ thuở nào tiền nhân đã qua đây. Mỗi người mỗi suy cảm. Kẻ náo nức tâm động theo triền núi dựng. Kẻ thất bại cuồng nộ, xung khí trào lên đôi mắt vọng cùng bốn hướng. Cũng đỉnh đèo này, cũng lòng đường uốn khúc chật hẹp hiểm trở kia. Trong tôi, mỗi lần đi qua là mỗi lần thấy khác. Như hôm nay trước tầm mắt, thiên nhiên như người mẹ hiền chan chứa đưa vòng tay lớn chào đón. Vài bóng chim thấp thoáng. Dưới kia, những ghềnh đá lởm chởm trườn ra biển nô nức theo từng đọt sóng trắng xóa vỗ tung lên lao xao. Một thuở nào như bóng dáng sương phụ mỏi mắt ngóng chồng ngẫm thân mình côi cút, còn tiếng hoang liêu bầu bạn. Tôi quanh co theo đường đèo quanh co.
            Tôi gặp cha mẹ. Nét mặt cha nghiêm nghị thanh thản. Con thi đậu, ba khỏe khoắn một chút. Tôi biết người hài lòng nhưng không tỏ lộ. Kim Long khoái chí. Anh chị Cung và bầy cháu thân thiện. Hàng xóm hỏi han chia sẻ mừng vui.

            Những ngày thong thả. Tôi không biết làm gì. Bằng hữu tôi ở đây hình như không còn ai.  Tôi về Vĩ Dạ, tấp vô quán bánh bèo gặm nhấm một mình. Ðường về Thuận An tấp nập. Vườn lá hai bên đường ngan ngát tơ nắng. Tôi xuống chợ Mai với tô cháo lòng thơm đậm hương tiêu. Chung quanh là những hàng cau cao ngất đâm chỉa lên bầu trời. Tôi qua bên Cồn Hến ghé vào quán chè giải khát. Ly chè thơm ngọt mùi bắp non. Ðâu đâu cũng dẫy tràn màu xanh. Tôi quên bẳng những tàng phượng bông sắp úa trên đầu. Tôi quên tôi với tình yêu khuất lấp cay nghiệt. Thoải mái không tạo ra thơ. Tôi quên luôn chữ nghĩa, không còn thói quen ngồi với tập nhật ký mỗi ngày.

            Tôi vòng lên Ngự Bình, triền núi lở cằn khô khốc, dưới chân chen đầy mộ chí. Tôi băng vào đồi Thiên An. Thông hàng hàng lớp lớp vi vút. Có lúc tôi dừng lại bên đường, những lùm sim nở bông tím biếc tung hê theo đàn bướm dại. Chiều dần tàn, không gian vàng thẩm cúi xuống trên tàng lá thông. Tôi muốn nối mọi mùa trở về chung một tâm tình tận hiến. Ðất trời tôi đang lên. Những con đường núi quanh co nối liền những lăng mộ của vua chúa triều Nguyễn. Ðường vắng, tôi như tha ma.

            Từ ngả rẽ vào lăng Tự Ðức, tôi leo lên đồi Vọng Cảnh ngó mông. Dưới kia, giòng Hương mịn màng óng ả khuất sau núi đồi. Bên kia là điện Hòn Chén, tôi chưa một lần bước qua. Tôi ngồi bệt xuống bên đám cỏ. Những bông cỏ may phất phơ trải dài. Tôi lười lĩnh nằm chuồi ra, đưa tay vòng quanh sau cần cổ làm gối tựa. Mắt tôi ôm trọn cả bầu trời ngút xanh. Tôi nghe hương của nước của đất trùm lên thân thể. Những cụm gió chướng thổi lùa qua, len vào áo thấm vào da thịt đê mê. Núi sông đè lên tôi như một cấu hợp nồng nàn hạnh phúc.

            Quẩn quanh với Huế chán chê, một sáng sớm tôi chạy xe về làng. Quốc lộ 1 xuôi bắc quen thuộc đã được trùng tu vì mục đích quân sự. Những đoàn xe nhà binh rầm rập ngược xuôi. Rải rác hai bên đường là những xóm nhà xơ xác, tiêu điều. Tiếp liền theo thảo nguyên hoang dã. Xa hơn về hướng Trường Sơn, dăm đám rừng già lá vàng rủ vì thuốc khai quang. Cùng những đám khói trơ trọi quạnh quẽ. Qua dốc Ðồng Lâm, tôi nhìn vào lũng nhỏ nơi an nghỉ của Chánh, người bạn học cũ. Tôi không thể định rõ vị thế của bạn nằm. Những ngôi mộ bạt nấm vì gió sương. Những lùm cây dại vẫn trổ hoa bình yên. 

Tôi rú ga, xe lao nhanh trong gió. Thị trấn Phong Ðiền hiện rõ dần phía trước.
            Thị trấn vẫn thế, hàng quán đầy đặc lính tráng. Ngôi trường trung học cũ nhỏ bé của tôi đóng cửa im ỉm. Ðâu rồi một thuở tôi nhận được lá thư tình đầu tiên trong đời. Ðâu rồi những bằng hữu tôi. Ðâu rồi Băng Tâm với thương nhớ hoang mang của tuổi tôi dậy thì. Tôi ghé nhà bác Phụng. Mùa hè trống trải. Bác trai già nua còm cõi hơn xưa. Bác gái đã mất trong tai nạn vì dầu lửa. Anh Hàng đã lập gia đình, dọn đi xa. Cô gái út Thu Mai cũng đã lấy chồng. Bác bầu bạn cùng men rượu. Bác mừng rỡ khi gặp tôi, cười hềnh hệch nhắc về kỷ niệm. Chuyện những ngày mưa ám thiếu củi đun, bác phải đành chặt một vài nhánh cây dương liễu bên hông nhà. Chuyện đêm bác vùng dậy kêu cả bọn xuống hầm tránh pháo kích, khi bác nghe được tiếng đề pa đầu tiên. Chuyện thằng Cẩm nhác nhớm mấy ngày chưa chịu ra giếng tắm... Tôi cười vui, thầm phục bác còn nhiều nghị lực. Bác nói. Tau còn sống đến hôm nay là trời cho, tau không ham không tiếc chi nữa hết.

            Tôi ghé nhà Chánh, bà mẹ không nhận ra tôi. Tôi xin phép vào trong bàn thờ bạn thắp nén nhang hồi tưởng. Bàn thờ lạnh tanh. Di ảnh bạn buồn bã. Ánh mắt hơi lé như còn phẫn uất. Khi chào từ giã mẹ của Chánh, nhìn ánh mắt vô cảm thất thần của bà, bỗng dưng tôi hoảng sợ. Kiếp người quay quắt khốn đốn như thế ư. Sống vì bắt buộc phải sống. Sống không còn là ước mơ tin cậy. Sống vì không thể chết.

            Tôi băng qua bãi đất trống ngay trước mặt chạy vào ngôi chùa. Nơi chốn đầu đời mà tôi hò hẹn. Em không còn nữa nhưng có tôi trở về đây. Trong thần trí tôi bừng tiếng chuông ngân vọng xót xa. Tôi dựng xe, bước lên ngồi trên tam cấp. Trước mắt qua bãi tha ma nhỏ phủ đầy cỏ úa, vẫn còn đó cái hồ nước đã gần cạn khô. Hai con đường vòng hai bên vẫn hàng cây bạc hà ung dung bất cần nhân sự. Tôi nhớ về Băng Tâm, như nhớ đầu nguồn nước thơ dại. Như mùi hương trầm tích. Có em có tôi thơm giấy mực học trò.

            Quá trưa tôi mới đến Mỹ Chánh. Hương lộ chạy cặp sông Ô Lâu dẫn về làng tôi đã sửa chữa. Có đoạn được nới rộng ra. Thời kỳ này chính quyền miền Nam đang lấn đất giành dân qua chương trình bình định nông thôn. Có một số dân chúng trở về sống với ruộng nương. Làng tôi cũng thế. Chính quyền cơ sở hành chánh xã ấp cũng được xây dựng lại. Từ đầu làng, cầu Mụ Tú sập gãy trước đây đã được sửa chữa vững chắc. Trước mắt tôi, quang cảnh tiêu điều xác xơ. Cái quán tạp hóa nhỏ cặp bến sông của bác Ðiền chỉ còn trơ miếng đất trống. Lũy tre dọc hai bên đường thưa thớt cành ngọn. Làng đang giữa ngày mùa, đường làng phơi đầy rơm rạ. Tôi thả lỏng tay ga chạy chầm chậm. Ðã ngót bốn năm. Kể từ dạo tôi liều lĩnh trở về trong ngày húy nhật của ông nội. Khúc đường lụy chạy ngang trước ngôi đình làng như lún thấp xuống. Ngôi đình vẫn còn đứng nguyên giữa xót xa quạnh quẽ. Vài dân làng đi ngược chiều nhìn tôi tò mò.

            Tuy đã hình dung trước, nhưng khi đứng trên miếng đất khi xưa đó là vườn nhà, tôi chết sựng. Tôi đã chuẩn bị cho mình một tâm thế nhưng hốt nhiên không ngờ sự thực quá tang thương. Cái cầu đúc cũ vì không chịu đựng nỗi được trọng tải của xe quân sự, nên công binh đã làm thêm một cây cầu mới bên cạnh, nằm nhích ra gần với cửa của con hói. Ðoạn đường mới theo cây cầu này hầu như cặp sát với lưng vách của ngôi từ đường họ Nguyễn Ðức, băng qua chiếm hết một phần sân rộng của nhà tôi. Miếng đất hiu hắt chỉ còn một rẻo nhỏ cặp sát bờ sông được ai đó lên vồng trồng dăm hàng sắn chen lẫn với khoai lang. Tôi cố hồi ức nhưng chẳng dựng được một hình ảnh nào khả dĩ có thể liền lạc với quá khứ. Nơi chôn nhau cắt rốn của tôi một thuở nào nay đã là bình địa. Nơi có ngôi nhà với hơi hám cha mẹ anh em tôi một thời nay bỗng như huyền tích. Miệng môi tôi khô rát, nghe lành lạnh chạy dọc theo sống lưng. Tôi nhìn bụi hóp nhỏ nhoi bên cạnh cái bến nước cũ bắt qua mấy cội tre già đang trầm mình nửa trên nửa dưới ở ngã ba cửa hói và sông Ô Lâu. Ðất đã lở nhiều hơn trước vì dòng nước xói mòn, bờ sông như dựng đứng. Cây bưởi, cùng mấy hàng cừa do cha tôi trồng cặp bờ để giữ đất cũng đã bị dòng nước cuốn mất. Chỉ còn cây quao già cỗi phía bên miếng đất của bác thợ Gạc là cố bám víu, dù phần thân với cành lá đã ngả bổ ra mặt sông.

            Tôi dựng xe bên lề đường rồi đi ra phía mé sông ngồi xuống. Sông vẫn hiền hòa tĩnh lặng. Tâm tư tôi đồng thiếp. Loáng thoáng trong không gian lao xao âm hưởng gọi réo mơ hồ. Có tiếng ầm ầm bom đạn đơm lên giọng hò mẹ ru theo đêm ấu thời tôi mất ngủ. Có tiếng anh em tôi tếu nhộn cãi cọ tưng bừng. Có tiếng bà con họ hàng rộn rã trong những kỳ giỗ chạp. Có tiếng cưa tiếng bào tiếng đục chan chát giữa rạp mộc của cha chất đầy săng gỗ, tấp nập khách hàng. Hình ảnh con chó mực già mừng tôi tíu tít vẫy đuôi, theo con gà đá trộn lẫn với lần tôi mơ mộng lêu lổng trốn học.

            Gia đình chú Anh vẫn còn bám trụ. Ngôi nhà cũ của chú đã cháy cùng một lần với nhà tôi trong cuộc giao tranh năm nào. Chú dựng một căn nhà nhỏ, tá túc tạm bợ qua ngày. Chú thím đang cật lực ngoài đồng. Bầy em họ của tôi cũng chẳng đứa nào có mặt. Chung quanh nhà cửa xóm giềng cũng vậy. Những túp lều tranh nín lặng mới dựng vội lại. Tôi không muốn gặp ai, cũng chẳng muốn gọi ai, thăm ai. Tôi không muốn chạm mặt bà con. Tôi sợ phải đối diện với những nhân dáng áo não thất thế tủi cực. Những phận đời cơ khổ tàn lụi của cố hương tôi đang bầm dập vất vưởng phong ba.

            Tôi trở lại Huế vào chiều hôm đó. Tôi rú ga, xe lao nhanh điên cuồng theo lòng tôi đang bấn loạn. Ðoạn đường chỉ vài chục cây số nhưng xa xôi làm sao. Tôi cầm chắc tay lái mong cho mau nuốt hết đoạn đường dài. Trời đã chạng vạng, màu đất tím đậm loang loáng gợi dậy se thắt theo ráng chiều le lói đang thoi thóp chết dần bên hướng núi. 

  Tôi rối tung theo có và không. Thực tại và ảo trạng qua nền đất cũ. Nơi chốn đó tôi mở mắt chào đời. Nơi chốn đó thăng hoa và đọa đày. Gia đình tôi may mắn về cư ngụ ở thành phố, nhưng còn bà con chòm xóm tôi. Ðất đã là mầm khổ tự đời nào. Sao bây giờ tôi mới thấm thía.

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
trích Tự Truyện THẦM LẶNG TRỜI, THẦM LẶNG ĐẤT
1994