Saturday, December 30, 2017

CHƯA ĐI

anh trắng đông em vàng thu
thần giao bát ngát cho dù quan san

ngày khô đêm ướt dịu dàng
lâng lâng trời đất mịn màng lời không

em vàng thu anh trắng đông
nổi trôi từ thuở ngọt nồng chưa đi

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Wednesday, December 20, 2017

TĨNH BIỆT

thềm lá động theo triền sương đẫm ướt
vườn khuya xanh từng dấu mộng thầm thì
lần họp mặt cũng là lần tử diệt
em qua đời trồng vạn nụ hồng nghi

ta xa em như truy tầm tông tích
ta xa người như buồng ngực trăm năm
giữa hơi thở quá quan còn đóng bụi
phấn son người là dấu tích căm căm

hãy nhìn thẳng như thời xa ánh sáng
như tâm thần tiếc rẻ thuở xa hương
lần chớm mộng theo đà trôi sóng nắng
em tàn tro theo mấy bận phai hường

em cho ta như một lần điểm sắc
em cho người thể phách đã lăn quay
là lớp lớp núi sông hồn phiêu dật
vẫn lặng tờ nên chẳng có ai hay

ngày mai ta có bao giờ nguyên vẹn
ngày mai em và cố xứ hao mòn
thân xác đó cầm bằng như mạt hạng
phụ ân đời là chết giữa tơ non

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Thursday, December 7, 2017

ĐÁNH LẠC HƯỚNG DƯ LUẬN

định hướng dư duận
tuyên truyền
xuyên tạc
nhồi sọ
là một trong những sách lược căn bản của cọng sản
để khống chế nhân dân
bưng bít sự thật
dối trá bịp bợm
với mục đích là bảo đảm độc quyền lãnh đạo tuyệt đối

nhưng hiện nay với tiến bộ của tự do truyền thông
toàn cầu hóa của internet
đã phá vỡ mưu mô này
khiến cho tính độc quyền thông tin của họ
cơ hồ lung lay

dĩ nhiên vì sống còn
nên họ phải quyết tâm ngăn cản
ngoài chuyện bắt bớ giam cầm
vu oan giá họa những tiếng nói can đảm trung thực
lại còn lung lạc tâm tư nhân dân
bằng cách tung tin tầm phào tào lao

hãy nhìn vào hằng trăm tờ báo
và truyền hình truyền thanh thì sẽ thấy rõ
bữa này là tình tù ghen tuông
bữa nọ thì đưa tin ca sĩ nam bắc chỉ trích lẫn nhau
bữa kia thì bảo đám "tiến sĩ" đưa ra công trình nghiên cứu ba láp
hoặc sai những kẻ thừa hành phát ngôn ngu ngốc bậy bạ

và họ đã đạt hiệu quả
bởi quần chúng nhân dân
(vốn nặng cảm tính)
liền bức xúc ồn ào theo

cứu cánh biện minh cho phương tiện
là chân lý tối cao của cọng sản
vì mục đích độc tôn
họ đã nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc của Lenin:
"để giữ vững quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng
thì đảng viên chúng ta
sẽ không từ chối bất cứ một thủ đoạn nào
đó chính là đạo đức cách mạng của người cọng sản"

dân tộc Việt đang bị nguy cơ diệt vong từng ngày
môi trường sống xuống cấp trầm trọng
cơ chế giáo dục băng hoại tan hoang
(từ từ hán hóa)
rừng phòng hộ bị phá nát
biển nhiễm độc
giặc phương bắc xâm nhập khắp chốn
dân oan mất đất mất ruộng mất nhà
oán thán khắp nơi

trong chúng ta
biết có mấy ai đủ nhân tâm để thấy
trong chúng ta
biết còn mấy ai đủ hùng tâm để nghe

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN


Wednesday, November 29, 2017

QUYÊN DI: BẢNG MẪU TỰ TIẾNG VIỆT VỐN ĐÃ HAY VÀ ĐỦ

BẢNG MẪU TỰ TIẾNG VIỆT VỐN ĐÃ HAY VÀ ĐỦ
Bài viết ngắn này không nhằm “tranh luận” với PGS TS Bùi Hiền về đề nghị “cải tiến chữ Việt" của ông cho bằng, nhân cơ hội này, chúng ta ôn lại với nhau những điểm căn bản của chữ Quốc Ngữ, là thứ chữ dùng mẫu tự La-tinh để ký âm tiếng Việt.
Bài viết rất ngắn này cũng không phải là một công trình nghiên cứu để đem ra thảo luận với các nhà ngữ học và ngôn ngữ học về tiếng Việt.
Gọi là căn bản, điều này có nghĩa là đụng chạm tới những điểm này, thay đổi hay xoá bỏ những điểm này thì chữ Quốc Ngữ không còn là chữ Quốc Ngữ nữa, mà là một thứ chữ gì khác rồi, nói rõ hơn là giết chết chữ Quốc Ngữ rồi. Cũng giống như một cái cây, người ta có thể hái hoa, hái quả, thậm chí cắt bớt cành, cái cây vẫn là cái cây; nhưng khi người ta đốn gốc, đào rễ thì cái cây không còn là cái cây nữa. Nó chết. Căn bản có nghĩa là rễ (căn), gốc (bản). Bởi vậy người ta mới nói kẻ mất gốc là “vong bản.”
Đây là những điểm căn bản của chữ Quốc Ngữ:
1. Chữ Quốc Ngữ là một hệ thống ký âm: âm phát ra như thế nào thì dùng những chữ cái (mẫu tự, ký tự) a, b, c, d, đ v.v… để ghi lại âm đó lên trên giấy. Cũng giống như người ta dùng những nốt nhạc do, re, mi, fa, sol, la, si để ghi lại trên giấy âm thanh của một khúc nhạc, một bản nhạc. Điểm này cho thấy chữ Quốc Ngữ và chữ Hoa (chữ Tàu) đặt trên hai nền tảng hoàn toàn khác nhau: chữ Hoa đặt trên nền tảng hình vẽ, hình tượng thế nào thì vẽ ra như thế, đơn giản nét đi rồi cho vào một ô vuông tưởng tượng mà thành ra chữ.
2. Chữ Quốc Ngữ là thứ chữ ghi tiếng nói của cả nước chứ không phải ghi tiếng nói của một miền, một vùng, một thành phố, cho dù thành phố đó là Hà Nội. Khi các nhà truyền giáo sáng tạo chữ Quốc Ngữ, các ông này đã đi khắp tất cả mọi nơi trên đất nước ta: Đàng Trong, Đàng Ngoài, miền Bắc, miền Trung, miền Nam, thu thập các cách phát âm, tổng hợp lại mà ra các âm (thể hiện bằng những chữ cái) và các thanh độ (thể hiện bằng các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng.) Khi chỉ dựa vào cách phát âm của một miền, một vùng, một thành phố để làm thành bộ chữ thì thứ chữ ấy không thể được gọi là chữ Quốc Ngữ nữa. Ấy là chưa kể người của một vùng có thể thay đổi cách phát âm, lý do là có sự thay đổi người sinh sống ở vùng ấy. Người Hà Nội trước đây và người Hà Nội bây giờ trong cách phát âm có nhiều điểm không giống nhau.
3. Chữ Quốc Ngữ là thứ chữ có thể nói là duy nhất tại Á châu nằm trong khối chữ viết dùng hệ thống mẫu tự La-tinh. Những thứ chữ khác tại Á châu cũng dùng bảng mẫu tự La-tinh đều chỉ có tính cách thử nghiệm hoặc sử dụng trong phạm vi hạn hẹp, hầu như chỉ có tính cách phiên âm mà thôi. Đã gọi là nằm trong một hệ thống thì cách phát âm qua ký hiệu là các chữ cái phải giống nhau hoặc tương tự. Thí dụ: âm [thờ] được ký âm bằng hai chữ cái T và H: TH. Nhìn ký tự TH, người ta phát âm được là [thờ]. Nếu đổi đi, dùng ký tự W để ghi âm [thờ] thì tự mình tách ra khỏi hệ thống chung, gây rắc rối, khó hiểu chứ không phải là “hội nhập” thế giới. Người dạy tiếng Việt ở nước ngoài, khi dạy thường phải dùng phương pháp đối chiếu các ngôn ngữ: tiếng Việt với tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây-ban-nha. Học viên cảm thấy chữ Việt cũng có cách viết tương tự như ngôn ngữ của họ khiến họ cảm thấy dễ học, dễ viết. Đổi TH thành W để ghi âm [thờ] thì học viên chỉ có nước… chết!
4. Bảng mẫu tự tiếng Việt vốn có (từ thời Alexandre de Rhodes) (1) dựa vào nguyên tắc "đơn giản tối đa" để dễ học, dễ nhớ. Thí dụ: đã có ký tự P và ký tự H, ghép lại thành PH để ký âm [phờ] thì không cần F phải có mặt trong bảng mẫu tự nữa. Vì thế mà trong bảng mẫu tự tiếng Việt không có những chữ cái F, J, W, Z.
5. Tuy đơn giản, bảng mẫu tự này lại rất tinh tế. Cùng là âm [cờ] mà bình thường được ghi bằng ký tự C, lại được ghi bằng ký tự K khi âm [cờ] này đứng trước những âm I, E, Ê vì đây là 3 âm đầu lưỡi, và được ghi bằng ký tự Q(u) khi đứng trước những âm/vần bắt đầu bằng UY (và OA.) (2) Bỏ mất điểm tinh tế này đi, chữ Quốc Ngữ mất đi phần nào nét đặc biệt của nó. Vả lại, nếu đồng hoá, chỉ dùng K cho tất cả các âm [cờ] thì sẽ ra tình trạng hai chữ CỦA và QUẢ được viết giống nhau: KỦA.
6. Chữ Quốc Ngữ có đặc điểm là âm nào phát ra được cũng ghi (viết) được và chỉ có một cách viết đúng mà thôi. Thí dụ: phát âm là [chuyện] với phụ âm [chờ] đứng đầu thì phải viết là CHUYỆN; mà phát âm là [truyện] với phụ âm [trờ] đứng đầu thì phải viết là TRUYỆN. Người Hà Nội có thể phát âm hai âm [chuyện] và [truyện] giống nhau, đều là [chuyện] mà thôi, nhưng tại rất nhiều vùng trên toàn đất nước, đồng bào mình phát âm rất rõ hai âm [chuyện] và [truyện]. Không nên làm nghèo cách phát âm phong phú của người mình.
Tóm lại,
Bảng mẫu tự tiếng Việt, nếu là bảng tiêu chuẩn, có 23 chữ cái:
A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y
Bảng mẫu tự tiếng Việt, nếu là bảng đầy đủ, có 29 chữ cái:
A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y
Chúng tôi thấy đây là hai bảng mẫu tự rất đơn giản và đầy đủ, không cần phải cải cách, thêm bớt gì cả.
Còn việc phiên âm những tiếng nước ngoài, trong đó có các ký tự F, J, W, Z lại là một vấn đề khác, chúng tôi không bàn tới ở đây.
Sự “cái tiến” như PGS TS Bùi Hiền đề nghị đã làm méo mó chữ Quốc Ngữ, nếu không muốn nói là ám sát nó, rất nguy hại. Nó khiến người ta hoang mang, tốn thì giờ, tốn công sức. Và nếu vô phúc nó được đem ra áp dụng thì tiết kiệm đâu không thấy, chỉ thấy nó tiêu phí rất nhiều năng lực, thì giờ và tiền bạc.
Để tránh sự nguy hại này, chúng tôi đề nghị chúng ta không tiếp tay phổ biến nó, cho dù chỉ là phổ biến để làm trò cười với nhau. Càng làm cho nhau cười, thứ chữ “cải tiến” này càng lan rộng. Các em trẻ tuổi vốn thích nghịch ngợm đã "chế tác" ra đủ các loại chữ viết “bí hiểm” để “chít chát” với nhau, nay gặp được thứ đồ chơi này sẽ đem ra dùng… cho biết. Dùng hoài hoá thiệt. Rốt cuộc, người ta không còn biết đâu là đúng đâu là sai nữa. Bây giờ đã thấy xuất hiện một bộ “Cuyển dổi Tiếq Việt” rồi đó. (3)
(1) Alexandre de Rhodes không phải là ông tổ của chữ Quốc Ngữ. Khi đến đất Việt để truyền đạo, ông phải học tiếng Việt qua các sách (chép tay) của các giáo sĩ Bồ-đào-nha đã đến miền đất này trước ông. Nhưng Alexandre de Rhodes đã có công lớn nhất trong việc hình thành và phát triển chữ Quốc Ngữ. Ông là tác giả hai tác phẩm chữ Quốc Ngữ đầu tiên, ấn hành tại Rome năm 1651: “Tự Điển Việt-Bồ-La” và “Phép Giảng Tám Ngày.”
(2) Sự thật QUÝ là QU + UÝ, khi viết chúng ta giản lược một chữ U, thành ra QUÝ; QUẢ là QU + OẢ, khi viết chúng ta giản lược chữ O, thành ra QUẢ. Hiện tượng này cũng tương tự như GIÊNG là GI + IÊNG, khi viết chúng ta giản lược một chữ I thành ra GIÊNG. Có thể một số vị không đồng ý với cách giải thích này.
(3) Chúng tôi không mất thì giờ ghi lại tất cả những thay đổi, thêm bớt vào bảng mẫu tự tiếng Việt của PGS TS Bùi Hiền mà ông gọi là “cải tiến”. Tiếp tay phổ biến chúng làm gì! Chúng tôi cũng không tiếp tục thảo luận về vấn đề “cải tiến chữ Việt” trên trang Facebook này. Không ích gì! Ngoại giả, không ai cấm vấn đề “cải tiến chữ Việt” được trình bày và thảo luận trong các cuộc hội thảo ngôn ngữ.
nguồn: trích từ trang Facebook của nhà giáo & nhà văn QUYÊN DI
https://www.facebook.com/quyen.di/posts/10214156529204955

Sunday, November 26, 2017

BẮT CHƯỚC

       Tôi nghi ngờ những điều được gọi là sáng tạo. Như sáng tạo văn chương nghệ thuật chẳng hạn. Theo tôi, công việc mình làm chỉ là sự bắt chước từ người đi trước. Có khác chăng là cách bắt chước của mình là hay hoặc dở mà thôi. Bắt chước hay, là như tôi bắt chước những thi sĩ đi trước làm thơ, nhưng thơ tôi sáng tác phải độc đáo, độc lập với thơ của họ. Còn bắt chước dở, thì thơ tôi chỉ là bản sao, hoặc dù ngọ nguậy cho mấy thì cũng chỉ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của người ta. Từ bắt-chước-dở đến bắt-chước-hay, phải qua một chặng đường thử thách. Có người, chỉ là một khoảng ngắn. Có người hầu như mất hết một phần đời. Nhưng cũng có người đã không bao giờ vượt qua được chặng đường này.

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
(trích tự tuyện THẦM LẶNG TRỜI, THẦM LẶNG ĐẤT, 1994)

Saturday, November 18, 2017

NGUYÊN SA (1932-1998)

























ông là một tình thơ rực rỡ
của 20 năm VănHọcMiềnNam

từ "áo lụa hà đông", "tháng sáu trời mưa"
đến "nga buồn như con chó ốm"
đã hội tụ thành hình tượng thi ca ảo diệu một thời
làm giàu thêm rất nhiều
cho nhân tính văn chương

tầm nhìn ông khô
tấm lòng ông ướt
nên chi
khi đối diện phù du
thì nát tan kia bỗng dưng mềm mại

Nguyễn Đức Bạtngàn (2001)

---

Thơ NGUYÊN SA


LÚC CHẾT

Anh cúi mặt hôn lên lòng đất
Sáng ngày mai giường ngủ lạnh côn trùng
Mười ngón tay sờ soạng giữa hư không
Ðôi mắt đã trũng sâu buồn ảo ảnh

Ở trên ấy mây mùa thu có lạnh
Anh nhìn lên mái cỏ kín chân trời
Em có ngồi mà nghe gió thu phai
Và em có thắp hương bằng mắt sáng?

Lúc ra đi hai chân anh đằng trước
Mắt đi sau còn vương vất cuộc đời
Hai mươi năm, buồn ở đấy, trên vai
Thân thể nặng đóng đinh bằng tội lỗi

Ðôi mắt ấy đột nhiên buồn không nói
Ðột nhiên buồn chạy đến đứng trên mi
Anh chợt nghe mưa gió ở trên kia
Thân thể lạnh thu mình trong gỗ mục

Anh chợt ngứa nơi bàn chân cỏ mọc
Anh chợt đau vầng trán nặng đêm khuya
Trên tay dài giun dế rủ nhau đi
Anh lặng yên một mình nghe tóc ướt

Nằm ở đấy, hai bàn tay thấm mệt
Ngón buông xuôi cho nhẹ bớt hình hài
Những bài thơ anh đã viết trên môi
Lửa trái đất sẽ nung thành ảo ảnh


ÁO LỤA HÀ ĐÔNG

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa

Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu

Em không nói đã nghe lừng giai điệu
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt

Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại

Để anh giận mắt anh nhìn vụng dại
Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
Em đi rồi, sám hối chạy trên môi
Những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng

Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng

NGUYÊN SA
(trích Thơ Nguyên Sa)

Friday, November 10, 2017

BIẾT BAO GIỜ

(tặng Em, Khánh Hòa)

thơ phát khởi từ cảm xúc
đây là tiến trình của tôi
từ chút gió
ngọn cỏ
hạt sương
hoặc nhân tình thế thái...
tất cả như ấn chứng
được ấp ủ trong thần trí
rồi đẩy chữ nghĩa
lên thơ
làm quà tặng cho đời

nhưng có cảm xúc
khởi từ oan khiên
đã khiến tôi bất lực
chết lặng
tê tái
buốt đau

như Việtnam của tôi lúc này
nhân họa đang là nghiệp chướng bất đắc dĩ
nhưng hầu như chưa đủ
lại còn dồn dập thêm thiên tai
(gần đây nhất là bão Damrey đã gây tổn thất lớn lao
ở vùng nam trung bộ)

một đất nước đang bị phá sản triệt để
bởi một đảng cầm quyền
chỉ biết bảo vệ lợi ích giai cấp
họ u mê quên mất giai cấp
cũng chỉ là một thành phần của dân tộc
nếu như dân tộc tiêu vong
thì giai cấp của họ sẽ về đâu
ngoài con đường tự diệt

đất ơi nước ơi
bất hạnh của dân tộc
vẫn còn đang mải miết đâm đầu
lao xuống vực sâu
thăm thẳm

biết khi nào mới chạm đến tận đáy
để tạo thành sức bật
bạo liệt
vùng lên

bao giờ bao giờ
bao giờ
nước ơi
đất ơi
dân tộc tôi ơi

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
(Nov 10th, 2017)

Friday, November 3, 2017

PHÁ CÁCH THƠ, PHÁ HOẠI THƠ

bài thơ
dù núp dưới y áo nào
(cổ điển
tự do
tân hình thức...)
thực chất chỉ là bài tập làm văn biểu cảm

khi chúng ta chơi chữ nghĩa
với đầu óc rỗng
không chịu học tập
giả tạo cảm xúc
nghèo vốn sống
loanh quanh

khi chúng ta thiếu khả năng
nhưng đành hanh
nên đã nhũng lạm ngôn ngữ
để thỏa mãn cho cơn khát vô căn của mình

cái mới thực chất chẳng vin vào hình thức
mà phải xuất phát từ xung động
đột phá nội tâm

tâm mới
cảm quan mới
sẽ tạo thành tố mới
cho thơ

bởi vì cái mới
là hiện thân
là hệ quả
từ cái cũ

phá cách thơ làm sao thành tựu
khi mà chúng ta chưa đủ nội lức để phá cách cảm xúc

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Friday, October 27, 2017

Vạn Trùng Hoa (bài số 2)

một lần đi xa,
giữa lúc máy bay hạ cánh
ở một phi trường nào đó,
để chuyển tiếp qua một chuyến bay khác
em gửi điện thư báo tin
“anh ơi, em đang ở chỗ này nè, anh ơi...."

tôi xúc động
viết ba bài thơ nhỏ
mỗi bài đều có chung một khổ thơ đầu,
nhưng tiếp theo sau mỗi bài thơ là cảm xúc mới
cùng ân tình mới,

bài số 1 posted trước đây
hôm nay post bài số 2,
bài số 3 đợi lúc có dịp

--------

VẠN TRÙNG HOA (bài số 2)

anh biết trong thời khắc này em đang ở trên máy bay
bên ngoài không gian ngắt xanh tình tự
anh biết trong giây phút này em đang là mây bay
trên đỉnh đại ngàn
cô lữ

thần hồn anh mênh mang thần hồn em
theo ánh trăng xưa bên trời cố xứ
nơi hôm nao việtnam có anh bỏ đi 
chưa một lần trở về
bây giờ là mặt trời quang thắm viền môi thỏ

sáng mai này ngọt theo chiều sa mỹ châu
sóng biển chẻ theo triền tóc em lừng hương đông á
những dặm sông dặm núi dặm đường
dặm đất dặm trời
hôn lên dặm chân em
là anh bềnh bồng
bềnh bồng
lạc hà
lộng vũ

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Friday, October 13, 2017

Ý KIẾN VỀ VĂN HỌC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

trước 30 tháng tư 1975
văn học Việt Nam dựa theo đường ranh địa lý
tập trung vào 2 khuynh hướng
tự do khai phóng miền Nam
nô dịch tay sai miền Bắc
(có lẽ hơi khiên cưỡng
vì trong Nam cũng có ngòi bút theo khuynh hướng ngoài Bắc
và ngược lại)

sau 30 tháng tư 1975
cả nước nằm dưới ách toàn trị
văn học miền Nam bị vu khống
tác phẩm bị thiêu đốt
tác giả bị tù đầy, quản thúc, bức tử...

và khoảng 1 triệu người vượt biên
mang theo tinh thần miền Nam ra nuôi dưỡng bên ngoài
hình thành văn học Việt Nam hải ngoại
đối kháng
với văn học chuyên chế trong nước

nhưng từ thập niên 1990
với tiến bộ của khoa học truyền thông
phát triển kỳ diệu của liên mạng toàn cầu (internet)
trong ngoài hầu như xóa nhòa ngăn cách
hai phía đã dễ dàng giao lưu tương tác

văn học Việt Nam hiện đại (bắt đầu từ đây
gồm cả trong lẫn ngoài)
đã gộp thành một tổng thể

vin vào thực tế khách quan
(theo tôi) thì
nền văn học này
nên được phân định
là dựa trên lằn ranh tâm thức
chứ không phải lằn ranh địa lý
nội hàm cũng vẫn 2 khuynh hướng quen thuộc
là nô dịch tay sai
xen lẫn với
tự do khai phóng

tuy trong nước vẫn còn nhiều tác giả cam phận
viết theo đơn đặt hàng để tồn tại
(phần đông đáng thương chứ không đáng trách)
nhưng đâu đó vẫn không hiếm tác giả giàu lương tri khí phách
(chả thèm ăn thóc nhà Chu)

bên ngoài vẫn còn những ngòi bút
thủ tín với căn cước của mình
trung thực sáng tác
và khuynh hướng nô dịch tay sai
là những kẻ
tuy đã từng tháo chạy từng vượt biên từng ...
nhưng phản bội căn cước
u mê đeo bám hư danh
chỉ biết thỏa mãn tự ái sĩ diện
đốn bỏ tư cách công dân
thiêu hủy luôn cả lòng tự trọng
(đám này còn ngoan ngoãn hơn cả văn nô
tự kiểm duyệt
tránh né thực trạng thê thảm của dân tộc của đất nước
cố lấy lòng bạo quyền VC
để có cơ hội được phép trở về
vênh vang khoe mẽ)

trên đây chỉ là tạm phác thảo
nếu có gì thêm thì sẽ bổ túc sau

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
2014

Sunday, October 8, 2017

Một Chút Suy Nghĩ Riêng Tư Về Giải Nobel Văn Chương

hằng năm cứ đến mùa giải Nobel văn chương thì văn giới xao động
(tán thưởng hoặc chê bai)
về những tác giả trúng giải hoặc không trúng giải

nếu như chúng ta chịu khó lưu ý
thì sẽ thấy
là ban tuyển chọn của hàn lâm viện Thụy Điển
cũng chỉ là nhân loại bình thường
họ có những giới hạn nhất định
cho nên khi bỏ phiếu để lựa chọn tác giả trúng giải
thì văn phong của tác giả được tuyển chọn bắt buột phải phù hợp "ý thích" của họ
(dĩ nhiên là thông qua bản dịch bằng tiếng Thụy Điển)
và cái "ý thích" của họ cũng chẳng hề đại diện cho bất cứ ai
(bằng chứng là tất cả tác giả trúng giải Nobel văn chương từ trước đến nay
thì đã có mấy kẻ còn để lại dấu ấn trong lòng độc giả)

và đôi khi họ (ban tuyển chọn của hàn lâm viện Thụy Điển & Na Uy)
còn bị vây khốn bởi những thế lực chính trị hôn ám
và đã ứng xử nhuốm phần bôi bác
như trường hợp với nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc
vì (Na Uy) lỡ đã trao giải hòa bình cho tù nhân lương tâm Lưu Hiểu Ba (2010)
khiến cho nhà cầm quyền Trung quốc phẫn nộ
cho nên sau đó
họ (Thụy Điển) đã trao giải văn chương cho văn nô Mạc Ngôn (2012) để tạ tội vuốt ve

với tôi
khi bạn đã là một người cầm bút có nhân cách
thì phải hiểu rằng
mục đích cao cả nhất
là hãy biểu hiện sáng tác như một hành động tâm huyết
sống cùng viết tận
trụng thực với thiện lẫn ác
bằng danh dự và lòng tự trọng

còn "những giải này danh kia" thì nên coi như hớp rượu qua đường
thế thôi

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN



Wednesday, October 4, 2017

HÀ NỘI

rồi phương hướng theo đồi cao đứng thẳng
em trở thành chim núi trốn đêm khuya
đời rót mật như vành khuyên ngậm đắng
cành sương hoa ướt một thuở chia lìa

ta bước tới với cả hồn hiu hắt
cánh môi mềm có hong ấm cho em
triều thủy cạn rát nồng thân đá lạnh
khi gần nhau là nhiễu loạn say mèm

em đứng dậy như đoàn quân cảm tử
lẫn ngọt bùi với tóc gió bay bay
ta ngã rạp theo vòng đai cố thủ
giờ vinh quang em có buốt mặt mày

là giới sắc chìm sau thềm lá mạ
là tơ trời tìm hẹn xuống châu thân
là trút bỏ nửa cuộc đời vội vã
là chân tay đều nhịp giữa vô ngần

em đốt tuổi giăng một thời quay quắt
chạy vòng quanh từng sợi ngắn sợi dài
như đốm lửa trên môi người se thắt
ta vô hồn đầu nụ thắm hôm mai

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Wednesday, September 27, 2017

KHI LÊN ĐƯỜNG

khi con lên đường là không còn gì cả
khi con lên đường lòng mẹ có vui
quê hương đó ngút trời bom đạn réo
trong tim con nước mắt lớn theo người
khi con lên đường còn gì để lại
muối trong thân cha mặn chát gầm đời
khi con lên đường cũng đầy thương nhớ
với sa trường cũng cay xé khôn nguôi
cũng mòn mỏi theo trong lần mẹ đợi
như ngày xưa cha chinh chiến trên ngàn
con lớn khôn theo cha ngày cũ
bão trong lòng không ngăn nỗi gian nan
khi anh lên đường em còn hờn giận
rồi biên cương ải vắng cũng đành
thời loạn tặc anh đi làm chiến sĩ
giữa tình người tình đất nước chia ngăn
với lịch sử là ngày sau thức dậy
em ngắm nôi hồng như mẹ ngày xưa
hãy nói về bình yên như bầu sữa ngọt
trong tình yêu không dấu tích hận thù
khi anh lên đường là mai sau nhìn lại
có ngậm ngùi em cũng hãy dưng dưng
bóng lá em là sầu đưa quán chợ
trên vai anh là đất nước tang bồng
khi lên đường là thôi bao giờ hẹn ước
mẹ mòn thân trông mắt hạc hao gầy
quê quán cũ theo mây chiều xuống thấp
xác thân mình như trái phá đâu đây
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
(1971)

Wednesday, September 20, 2017

HIỆN THÂN

bay trên trời cao con chim nào mang buồn dưới cánh xuống đó mà chờ em còn hay không bầy dơi đen đập cánh sau vườn khi buổi chiều tràn về theo dòng thủy hư một bài thơ bỏ dở viết chưa hết giấy đã cạn nguồn anh biết làm gì cho mạch sống hôm nay khi người ta cần gạo ăn mà không cần cày cuốc người nông phu ôm mặt chạy về thành đón nhận ngại ngùng bát cơm mang mùi nhạt nhẽo quê hương ta cằn khô xóm làng ta lở loét cha bầm máu thù hằn mẹ khóc hoài chưa hết chị hãm hiếp tình nghi ôi em thơ giờ máu đổ trên vai cơ hồ đã nặng ruộng đồng bơ vơ cỏ cháy tị hiềm anh bước đi nhắm mắt, an thân cõi đời này trên phố phường lạ mặt nắng trở giấc chìm hiu hắt rưng rưng bay qua trời thiên lý chở trong lòng bát ngát hương rừng ngọt ngào xanh thủy triều biển dậy khi đổi đời em có theo không giữa bạo hành mù mờ dáng thú ta cắn nát bạn bè, cắn nát anh em cắn nát niềm tin huy hoàng như ấu thơ phản phúc chào mừng người nông phu chạy về thành biết gửi gắm gì cho cuốc cày ở lại ai vui bằng đàn trâu tự do mở ra đời đích thực giờ máu đổ trên vai cơ hồ đã nặng lửa reo vui trong đêm bạo tàn tôi xa mờ nhân dạng cành hoa nào làm gãy tuổi xuân em NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN




Wednesday, September 13, 2017

GIÃ TỪ ÂN PHÚC

mai tôi đi nghe khung trời mùa hạ
nắng hanh vàng về chết giữa thinh không
tôi vào mây làm hẹn hò thật lạ
đời em trôi như nhịp nước xuôi dòng


mai tôi giã từ nghe trời mùa hạ
gửi hẹn thề cho cánh gió trên cao
tình chết ngày xưa bây giờ mấy ngã
vườn chung thân xin mở lối tôi vào


mai xa xôi rồi phải không mùa hạ
còn sợi tóc nào trong nắng hoang sơ
trả lại cho cây xanh màu đọt lá
tình chết trong tôi không biết bao giờ


còn màu nắng nào vàng phai trong mắt
còn ân tình nào để lại cho em
có trong tôi một tình cờ vuột mất
dáng em xưa về thoáng hiện êm đềm


tôi còn những gì với đời tội lỗi
nắng bỗng rưng rưng gục xuống nguyện cầu
mai ra đi rồi biết gì sám hối
hồn cũng mỏi mòn nhỉ giọt đêm thâu


NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN 

Thursday, September 7, 2017

CON RỒNG CHÁU TIÊN

tình hình thế giới trong thời gian này
cực kỳ biến động
gió bão đại tây dương ập vào đông nam nước Mỹ 
khủng bố châu Âu
hạt nhân Bắc Hàn
phe này phe kia
đối đầu đe dọa một còn một mất

hận thù
thương yêu
tương trợ
truy sát
là mệnh đề tất yếu của nhân giới
mạnh được yếu thua là thường tình thế gian

hữu nhân hay bất nhân chỉ là cái vòng lẩn quẩn
tùy thuộc vào vị trí của chúng sinh
tốt bên này sẽ là xấu bên kia
và ngược lại

tôi hiểu thế
đã rốt ráo như thế
nhưng vẫn chạnh lòng khi nghĩ về xứ sở

thiên hạ tranh thắng tranh cường vì họ đều là dị chủng
còn VN chúng ta là đồng bào đồng chủng cũng đang "vô tư" hành hạ lẫn nhau.

chúng ta cứ đổ thừa cho cơ chế
cho chủ nghĩa cọng sản tha hóa
dĩ nhiên điều này chẳng hề sai

nhưng xa hơn
sâu hơn
chúng ta hãy soi rọi căn cơ căn cốt của chính mình
máu huyết của dân tộc đã chứa những thành tố (DNA) gì
mà khiến cho khi gặp phải chủ nghĩa cọng sản 
thì những điều xấu xa
đã nhanh chóng sinh sôi nẩy nở 
như muỗi mòng với ao tù nước đọng

chúng ta đã rất tự hào
là dòng giống Tiên Rồng
và nếu điều này khả thi
thì căn cước của chúng ta đã thiếu vắng "tính người" 

phải chặng đây chính là hệ lụy mà cả dân tộc VN bây giờ phải gánh chịu
!

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
(khi ở công viên & tả hữu Hồ Lô 
Sept 4th, 2017)

Sunday, September 3, 2017

GIẶC VÀO BIỂN ĐÔNG

giặc vào Biển Đông ngụy quyền (việt cọng) im tiếng hồn thiêng núi sông bi hùng hiển hiện --- Xin chép lại bài thơ của Lý Thường Kiệt 南國山河南帝居,Nam quốc sơn hà Nam đế cư, 截然定分在天書。Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. 如何逆虜來侵犯,Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, 汝等行看取敗虛。Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư và bản dịch mà tôi thuộc lòng từ thơ ấu: sông núi nước Nam, vua Nam coi rành rành định phận tại sách trời cớ sao lũ giặc qua xâm phạm bây sẽ tan tành chết sạch toi



Thursday, August 31, 2017

Monday, August 28, 2017

Ở GHỀNH RÁNG VỚI HÀN MẶC TỬ

biển xanh mộ cũng theo chiều
cành hoang ngã lụy tiên kiều ý xưa
mộng cầm em đã về chưa
tóc mai đắp đổi hương thừa trăm năm

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Monday, August 21, 2017

CHÚT LAO XAO (về chữ nghĩa của NĐBN)

sáng tác của tôi đã trôi nổi bao nhiêu năm

"lời chê" khá nhiều
nào là
rổn rảng lung tung
làm dáng sáo ngữ
tối nghĩa vô hồn
du côn khinh bạc
khó đọc khó hiểu
viết như thế là hỏng
phảng phất kẻ này kẻ kia
(lắm khi những "kẻ kia kẻ này" đã viết sau tôi
hoặc lấy trộm chữ nghĩa & ý tưởng của tôi mà họ quên ghi chú thích)

"tiếng khen" không ít
nào là
trau chuốt tài hoa
phù thủy ngôn ngữ
ngạo nghễ ngất trời
một mình một cõi
dào dạt trường giang
sang trọng quí hiếm
lột thoát vô biên

tôi thanh thản đón nhận
tri ân cả hai hình thái
coi đó là tặng phẩm của đời
và cũng chẳng hề cân nhắc so đo

bởi vì
tôi biết tôi
đã và đang làm gì
sẽ đến đâu về đâu

hơn nữa
thời gian
nhân tính
mới là phán quan
chính xác
trung thực nhất

nếu sáng tác của tôi
vượt qua thử thách này
thì sẽ tồn tại
sẽ giá trị

nếu không thì vứt đi
chẳng có gì để nói

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
(trích Chữ Nghĩa Tôi)

Tuesday, August 15, 2017

PHẠM HẦU (1920 - 1944)





















ông sống chỉ 24 năm
nhưng đã dạt dào muôn kiếp
"đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
chẳng biết xa lòng có những ai"

bất biến không như
tình vô sở trú

ta chờ ai
ai chờ ta

thời niên thiếu
mỗi lần đến ngũ hành sơn
trèo lên tầng tầng dốc đá
tôi bước qua vọng đài
ngóng theo
thái bình dương nhấp nhô ngoài khơi xa
ngay giữa thời khắc đó
nỗi niềm Phạm Hầu đã bật lên như bạn bè tri kỷ

vọng hải đài
vọng thiên đài
vọng nhân đài
để rồi sẽ là cửu tuyền đài
hảo vọng

Nguyễn Đức Bạtngàn (2001)

---

Thơ PHẠM HẦU

VỌNG HẢI ĐÀI

Chẳng biết trong lòng ghi những ai
Thềm son từng dội gót vân hài.
Hỡi ơi người chỉ là du khách
Giây phút dừng chân vọng hải đài.

Cơn gió nào lên có một chiều
Ai ngờ thổi tạt mối tình kiêu
Tháng ngày đi rước tương tư lại
Làm rã chân thành sắp sửa xiêu.

Trống trải trên đài du khách qua
Mây ngày vơ vẩn, gió đêm là
Muôn đời e hãy còn vương vấn
Một sắc không bờ trên biển xa.

Lòng xiêu xiêu, hồn nức hương mai,
Rạng đông về thức giấc hoa nhài.
Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có những ai

PHẠM HẦU


Wednesday, August 9, 2017

Tư Liệu BÌNH MINH CÂM

photocopy 1 trang nhật ký 
trích làm "Bài Tựa Lúc Hoàn Thành" của tập thơ BMC

"ở đây, thơ chưa một lần thống khổ, thơ chưa một lần hân hoan. từ sợi khói chiều đã tan màu sắc không. đã tan và bay theo vạn tầm nhìn của định mệnh. vì thế, ở trên và ở trước mọi ý nghĩ, thơ bao giờ cũng vẫn là thức không."
-

Thursday, August 3, 2017

ĐÃ HẾT

bằng nhịp điệu thanh âm này đã chết
tự nghìn trùng êm ái gửi trao em
ngày thịnh trị quê nhà xưa đã hết
đêm bên này nghe buốt nghẹn ơi em
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Friday, July 28, 2017

BẾN TRE

anh về bình đại tình sa
em qua chợ lách vỡ òa dừa tươi

giồng trôm lăn lóc phận người
mỏ cày thạnh phú khóc cười ba tri

châu thành vấn tóc vu qui
phà trôi rạch miễu quá thì bến tre

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Sunday, July 23, 2017

MÙA LÁ XANH, 1974






NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
MÙA L
Á XANH

Trường Ca Lục Bát 
Việtnam, 1974

ISBN: 978-0-9686001-9-1

Copyright © Batngan Duc Nguyen
All rights reserved
Lưu trữ tại thư viện Quốc Gia Canada (Library and Archives Canada)








CHẤT NGẤT HỒNG ÂN
(thay lời tựa)

khi đọc Mùa Lá Xanh để thực hiện ebook
tôi bình lặng
theo hương thơ
trường ca 400 câu sáng tác tự một thời oan khốc

tôi là tôi Mùa Lá Xanh
thái hòa
bất khuất
cho dù phải vỡ đất gian truân
thần hồn tôi vẫn ôm trời tinh khôi
bao la
hồn hậu

đã 41 năm
bát ngát Mùa Lá Xanh
đang cùng em
cởi yếm
gói ba đào
chất ngất
hồng ân

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
2015

Monday, July 17, 2017

NĐBN việt hóa Ức Đông Sơn của LÝ BẠCH

 Ức Đông Sơn

 bất hướng Đông Sơn cửu
 tường vi kỷ độ hoa
 bạch vân hoàn tự tán
 minh nguyệt lạc thùy gia
Nhớ Đông Sơn 
xa cách Đông Sơn chừng quá lâu
hoa tường vi mấy độ khoe màu
mây trắng đi về mấy trắng mãi
nhà ai trăng rụng xuống hồn đau

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Monday, July 10, 2017

TAY SAI

           Yên ổn cho bất cứ đời sống của một ai, đó là biết đặt mình trong vị thế định mức giới hạn. Triết lý này đã có từ trước. Nếu không, vật chất thay vì là phương tiện để nuôi dưỡng sẽ biến thành cứu cánh u mê. Từ đó sẽ phát sinh tranh dành tước đoạt. Sinh hoạt tinh thần cũng thế. Chủ quan đòi hỏi mơ ước tự do như một thực thể tuyệt đối sẽ đưa suy nghĩ con người thành mông lung hư ảo.

           Qua những lần gần gũi với nhóm anh em tranh đấu, tôi thấy họ đã đi quá xa. Họ đang bị thế lực hôn ám điều động chỉ đạo. Những người trẻ tuổi chúng tôi đang yên ổn ở hậu phương, chưa nhập ngũ (vì lý do học vấn) là thành phần may mắn. Nhưng thay vì phải hiểu được điều kiện may mắn của mình để hành xử đúng bổn phận công dân trong một xã hội đang nhiễu nhương tan tác. Anh em đã lợi dụng cơ hội này để hạch sách mè nheo cơ chế xã hội đang bảo bọc mình.

            Một buổi xế chiều sau giờ học. Tôi ghé vô văn phòng ban đại diện sinh viên. TXA đang loay hoay với nửa viên phấn màu tím. Bạn nhìn tôi cười, rồi kéo cái ghế tới sát vách để đứng lên. Bạn nắn nón viết lên tường 1 câu thơ của NH. Biết bao giờ tôi mới nói được điều tôi ước mơXong xuôi bạn nhảy xuống, quay nhìn tôi trầm trồ. Câu thơ hay quá. Tôi gờn gợn. Ý nghĩa câu thơ như một cưỡng bức thô bạo lên đời sống thực tại. Chẳng biết tác giả của nó đã từ xúc cảm, đòi hỏi nào để viết lên. Thì chúng ta đang có tự do. Chúng ta vẫn hành động, vẫn hội họp vẫn xuống đường. Chúng ta vẫn tự do tự trị đại học, tự do phỉ báng chính quyền, cũng như tự do trốn tránh. Những điều đó chưa đủ tầm ước mơ ư. Hay là tác giả của câu thơ đang còn những âm mưu bí ẩn khác chưa được thỏa mãn nên phải la lối kêu đòi.

            Tôi chẳng lạ gì sự nhiễu loạn của cái gọi là tầng lớp trí thức tăng lữ đang ngụy danh cấp tiến đương thời. Trong chừng mực tương đối, họ là tinh hoa trí tuệ miền Nam. Những kẻ này tu hành, nhưng quá khích, thích bạo loạn tranh đấu hơn là yên vị trong giới hạn sáng đạo yên đời như kinh sách giáo lý đã đề xuất. Có thể họ tuy tu hành nhưng còn nặng nghiệp với đời chăng. Vì thế nên đã khiến họ phải dấn thân hoạt động để tranh đấu cho hòa bình đất nước. Tôi không quan tâm. Ðiều đáng buồn là trong những tác phẩm của họ, ẩn núp dưới văn phong dễ gây thuyết phục. Là chan chát những phủ phàng, nếu không muốn nói là vô ơn quay lưng với phía đang bảo vệ cho chính họ được yên ổn trong thiền viện, nhà xứ, thánh thất, học đường... để làm thơ viết văn lên án tội ác, đòi hỏi hòa bình. Tác phẩm của họ lộ rõ tính thiên vị ủng hộ kẻ xâm lấn cọng sản phương Bắc.

            Chống bất công là chống tất cả những thế lực dù núp dưới y áo nào đang chà đạp nhân phẩm tự do lẫn quyền sống cơ bản của con người. Nếu phải vạch rõ những xấu xa man trá của cuộc chiến tranh phi lý đang diễn ra trên đất nước thì phải can đảm vạch trần tất cả gian dối điêu ngoa cả hai phe. Miền Nam tuy nằm dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ, nhưng bình tâm, như tôi có lần đã nói, mà xét thì không khí sinh hoạt chính trị cũng còn tương đối dễ thở. Riêng Phật giáo, sau biến cố 1963, đã trở thành một lực lượng chính trị đôi lúc hầu như lấn lướt cả chính quyền. Nào tổ chức đưa bàn thờ phật xuống đường, nào là hòa giải hòa hợp, nào là thành phần thứ ba... Nhan nhản đâu đó là những bài bản nặng tính bươi móc nhằm triệt hạ uy tín chống cọng của quân dân miền Nam. Nào là lên án quân xâm lược Mỹ và quân đội miền Nam hành quân đốt nhà cướp bóc hãm hiếp lương dân. Ngoài ra chẳng có một câu một giòng chỉ rõ những sai trái của chính quyền cọng sản miền Bắc và tay sai mặt trận giải phóng. Những oan hồn vất vưởng vì bị chôn sống trong biến cố Mậu Thân đã bị quên lãng.

              Nếu thực sự có lòng tranh đấu cho dân tộc thì phải vì nỗi oan khuất trọn vẹn của cả dân tộc mà lên tiếng. Chính quyền miền Bắc không những chịu sự điều động về vật chất của cả khối cọng sản mà còn cam tâm nô lệ cho chủ nghĩa cọng sản vốn phi lý từ cơ bản. Sao bọn họ đành ngậm miệng im hơi.


NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
trích tự truyện Thầm Lặng Trời, Thầm Lặng Đất 1994

Tuesday, July 4, 2017

KẸT XE (tặng em, Hà Nội)

buổi sáng kẹt xe
bỗng thèm cuốc bộ
miếng bánh mì khô cổ họng rối bời
buổi chiều kẹt xe
kéo càng thổ mộ
ngụm nước mời khao khát cười chơi

yêu trái gió thèm tình trở gió
mưa úng chưa qua nắng quái đã tàn
em thao thức dối lời ước hẹn
quỉ âm hồn địa phủ còn vang

vai sánh vai nhau
bụi mù hấp tấp
hoa sữa chao duyên trăng khuyết đầu hè
nhớ tem phiếu quốc doanh 
tội thời bao cấp
bụng đầy rồi 
sao lòng vẫn còn se

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Thursday, June 29, 2017

LỜI CỦA NGUYỄN NGỌC NHƯ QUỲNH NÓI TRƯỚC TÒA ÁN VIỆT CỌNG SAU KHI BỊ TUYÊN ÁN 10 NĂM TÙ GIAM



















"Con xin cảm ơn mẹ và các con,
các luật sư đã cố gắng bảo vệ cho tôi.

Mỗi người chỉ có một cuộc đời nhưng dù được làm lại con vẫn sẽ làm như vậy và con tin mẹ và các con sẽ không bao giờ phải hối hận mà sẽ tự hào vì con.

Tôi mong muốn xây dựng một xã hội và đất nước tốt đẹp.

Một quốc gia chỉ tự cường khi nó luôn gắn liền với nền tảng một xã hội mà người dân có tự do và hạnh phúc.

Người dân chỉ có tự do và hạnh phúc khi có tự do ngôn luận và quyền tự do biểu đạt những điều mình mong muốn.

Tôi mong rằng mọi người sẽ lên tiếng và đấu tranh,
vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình
để xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn."

NGUYỄN NGỌC NHƯ QUỲNH
(trích từ FB của Luân Lê)
-

Sunday, June 25, 2017

GIẢI BÍCH

bờ quốc sắc là nỗi tình mạn mạn
cánh môi người còn vỡ cánh thiên hương
giờ cấu hợp giữa hai bờ hoạn nạn
à thưa em mùa giải bích lên đường

mai yên nghỉ bên kia bờ núi thẳm
lần theo nhau ngã dưới nụ hôn người
mai gục chết ngàn xa niềm thẳm lặng
hồn giao hoan xanh tự mỗi mắt cười

này gửi tặng chút tình oan vạn lý
để cho em làm vốn liếng một đời
em có nhớ cũng trăm đường mật thủy
em có buồn rồi nắng cũng hanh vơi

ta có hẹn vẫn một thời đọa lạc
nên đành theo nguyện ước thiên di
em có trách cũng đời xiêu gió bạt
sẽ thường tình như tử biệt sinh ly

thôi em nhé giữa hư phù trôi nổi
mắt chiêm bao mắt vĩnh quyết xanh rờn
khi ngã giá pháp trường nghe có tội
bước đi về là vạn nỗi cô đơn

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN


Tuesday, June 20, 2017

PHẤN TÂM

             Tôi trải tập nhật ký trước mặt. Ám ảnh về sự sống không sống, về sự chết không chết cứ tròng trành trong trí óc. Về khái niệm như thiên đàng địa ngục, tội lỗi lương thiện, thù hận yêu thương... trổi lên rối tung.
             Từ ấu thơ, đời sống tinh thần tôi đã là một mảnh đất trơ trọi khuất biệt. Tôi chưa bao giờ tin ai theo ai. Dĩ nhiên đã có lúc tôi đắm đuối về một tư tưởng của thiên hạ, ngỡ như mình đã bị chinh phục. Những lần như thế, tôi như đã tìm được điểm tựa để lý giải về những điều mà tôi hoài nghi. Nhưng rồi đâu vào đó. Chỉ sau một thời gian, suy nghĩ của tự thân tôi bỗng đột khởi đánh bạt những điều mà tôi đã chấp nhận. Ðiều mà hôm qua tôi thấy đúng, thì hôm nay tôi thấy tuy không sai nhưng đã lấp lửng chông chênh. Tôi vẫn thấp thỏm. Mình là mình. Mình không phải là mình. Tuy cách ly độc lập nhưng tôi vẫn còn non, chưa sáng chưa vượt, chưa tạo cho chính tâm một vị thế an hòa. Tôi không phải kẻ nặng suy tưởng, dùng trí tuệ như một phương cách lập ngôn lập thuyết. Những tư tưởng tiền nhân còn đọng trên kinh sách mà tôi đã đọc đã tìm hiểu. Tôi thấy cách lý giải nào cũng hợp lý hợp lẽ trên một chừng mực nhất định. Ðối tượng bao giờ cũng là con người với những mâu thuẫn nan giải. Tôi nghĩ con người là sinh vật cao cấp, tối thượng được tạo hóa dựng đặt, để cai quản sở hữu mặt đất. Ðó là trách vụ lớn. Nhưng con người đã mê chấp vong thân. Bởi vì lắm kẻ sống được như con người chưa trọn. Họ đã mưu toan muốn vượt giới hạn người để tự thăng hóa thành thánh thần. Theo tôi đây là đầu mối của hỗn loạn. Có cách sống nào đẹp hơn là nhận định đúng thế phận của mình giữa mặt đất để rồi bình thản thong dong.
            Lắm lúc tôi cũng bị đay nghiến bởi chính mình. Tôi chưa tìm ra được một cách lý giải thích hợp rồi nương vào đó như một định đề để giải quyết những dằn vặt trong suy tư. Ðối với tôi, tinh hoa kinh nghiệm của tiền nhân chỉ nên dùng để kiểm chứng đường sống mình. Nó không phải là ngọn đèn dẫn đến chân lý. Tôi nhìn đó như là bầu bạn đồng hành. Nếu như chung quan điểm thì chấp nhận, nếu không thì tránh đi. Tôi cũng chẳng hì hục chì chiết, mà coi đó như là sự hiện hữu phải có trên tiến trình vận động trí tuệ của con người. Mỗi tư tưởng là một hương hoa. Như phật chúa lão trang khổng… Nhìn xa hơn, tựu trung của những tư tưởng này cũng chỉ là một tổng thể, một mục đích cứu cánh là làm thế nào để đưa cuộc sống con người hoàn thiện. Chỉ có cách lý giải khác biệt mà thôi. Tùy trình độ cảm nghiệm, mỗi người sẽ lựa chọn để ứng nhập với tư tưởng, cách lý giải mà mình thích hợp.
            Tôi luôn vẩn vơ về giới hạn và vô giới hạn của con người. Như tôi. Mơ mộng có thể bay vút như sao chổi, nhưng thân xác ù lì bất lực. Rồi nhìn nội tại cơ chế của thân xác đang sinh động cũng gợi nhiều thắc mắc. Máu lưu thông. Tim đập nhịp. Buồng phổi co bóp để hít thở. Nó là tôi nhưng ngoài tôi. Tôi không thể điều động nhịp tim hơi thở của mình theo ý muốn. Con người tôi là cả một khối kỳ diệu mà trí tuệ tôi không thể nào tìm hiểu được. Nó bị điều động bởi một thế lực siêu nhiên mà tôi chưa nhận ra.
            Nghĩ suy có vẻ rối rắm, nhưng qua những xung động thì tôi liền quên. Tôi may mắn có tâm hồn bén nhạy. Có khả năng được bày tỏ cảm xúc qua chữ nghĩa. Tôi hạnh phúc biết bao. 

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
trích tự truyện Thầm Lặng Trời, Thầm Lặng Đất 1994

Wednesday, June 14, 2017

DẶM NGÀN

trong thơ rượu vẫn ngục tù
nghe oan hồn dậy tiễn phù du đi

dặm ngàn đã khép đôi mi
ra khơi tình dạt trước kỳ bão dâng

ngồi đây mộng suốt hồng trần
rừng cao có nhớ một lần đại dương

thu trùng lệch bóng biên cương
rồi mai thức dậy xuống đường phôi pha

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Friday, June 9, 2017

THÁNG SÁU, QUỐC TANG

anh sài gòn nghe tái tê em hà nội tóc mai thề bay đâu nhân dân nóng lạnh ngập đầu tây nguyên vũng áng đỏ màu cờ tang NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN