Tuesday, September 27, 2016

BÙI GIÁNG (1926 - 1998)


   Thi sĩ như bão như giông. Thi ca như hoan lạc hệ lụy cùng đường.
   Trong ba đào lịch sử Việtnam, Bùi Giáng là định mệnh đoạn trường tài hoa tủi khổ. Ông bắt đầu cuộc chơi với mưa nguồn, lá hoa cồn, ngàn thu rớt hột..., đẩy triều thơ của ông khơi vơi dào dạt đã đời.
   Về sau cuộc chơi của ông vươn cao giữa chốn cuồng đồ loạn tưởng. Như một nỗ lực hùng tráng để mong kéo thi ca quê hương hiu hắt ra khỏi biển muối khô.
   Bùi Giáng đã bỏ đi xa, thật xa... Đời sống thản nhiên trôi. Mây an bình vẫn trắng lòng trắng dạ người ở lại.
   Trong bùi ngùi viễn xứ. Ta xin chiêu niệm ông bằng "một buổi trưa" chiêm bao. Dại khờ ban sơ ngát ngát...

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN (1999)

--------------------------------------------------------------------------------

Thơ BÙI GIÁNG

MỘT BUỔI TRƯA

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Mây trên trời xuống phủ ở trên vai
Màu phương cảo pha mờ trên nét ngọc
Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai.

Em có định sẽ cùng ai kể lể
Một nỗi đời hư huyễn giữa chiêm bao
Vừng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ
Một mùi hương nồng tụ ở nơi nào

Câu chuyện ấy một lần em đã rõ
Để bây giờ không thể lại phanh phơi
Đường đi xuống khung trời sương lổ đổ
Hờn dung nhan em có sợ bên người?

Con mắt ấy vì sao em khép lại
Làn mi kia em thử ghé lên nhìn
Vòng tay đẹp như cành xuân thơ dại
Ngón la đà sao chẳng chịu đưa tin

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Lùa chân mây về ở dưới chân trời
Bước vội vã một lần nghe gót ngọc
Dẫm trang đời lá rụng uá thu phai

BÙI GIÁNG


Saturday, September 24, 2016

Giới thiệu HAI MƯƠI NĂM VĂN HỌC MIỀN NAM (1954 - 1975) của Nguyễn Vy Khanh




Xin giới thiệu bộ sách nhận định, biên khảo, thư tịch  
của nhà nghiên cứu & phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh
VÂN HỌC MIỀN NAM 1954 - 1975 
do Nguyễn Publishings xuất bản và Amazon.com phát hành. 
Cá bạn có thể mua online qua amazon.com , amazon.ca hoặc chi nhánh ở các quốc gia sở tại (Pháp, Anh, v.v....).
Quyển Thượng: Tổng quan gồm 762 trang, $30US
Quyển Hạ: Tác giả gồm 770 trang , $28US.
Tác giả không tổ chức Ra Mắt Sách cũng như bán riêng, và không phát hành dạng ebook.

Mục lục:

Quyển Thượng: Tổng Quan
Dẫn nhập

Chương 1. Một thời văn-học 17
Các giai-đoạn văn-học
Các nhóm văn-nghệ: Sáng Tạo - Chỉ Đạo - Quan Điểm - Đại Học – Tư Tưởng, Vạn Hạnh - Bách Khoa - Nhân Loại – Tinh Việt Văn-đoàn – Văn Hóa Ngày Nay – Các nhóm “hiện-đại” - Thái Độ – Hành Trình, Đất Nước - Trình Bầy – Ý Thức, v.v.
Những người viết trẻ
Sứ mạng văn-nghệ
Văn-nghệ “hôm nay” - hiện sinh - dấn thân - viễn mơ
Văn-học chiến-tranh
Văn-chương phản-kháng, phản-chiến, hiếu chiến, mơ ước hòa-bình và Mác-xít
Ngôn-ngữ và kỹ thuật văn-chương
Một số hiện-tượng văn-học
Miền Nam lục-tỉnh: Hồ Biểu Chánh, Phạm Thái, Thẩm Thệ Hà, Ngọc Linh, Vương Hồng Sển, Phạm Công Thiện, Thanh Việt Thanh, Phương Triều, Đông Hồ, ...
Ấn phẩm xám
Văn-học & ảnh-hưởng tôn giáo 

Chương 2- Văn xuôi / Tiểu-thuyết: 173
Văn-học chiến-tranh
Tiểu-thuyết chiến-tranh
Tiểu-thuyết phản kháng, phản chiến
Cái Chết
Tiểu-thuyết hiện-đại: văn-chương và triết lý
Khuynh-hướng dấn thân và thân phận con người
Tiểu-thuyết tâm-lý, tình cảm
Khuynh-hướng hiện thực xã-hội: tiểu-thuyết, phóng sự
Tự truyện
Con đường cách tân tiểu-thuyết
“Tiểu-thuyết mới”
Ảnh-hưởng các trào lưu văn-chương hiện-đại
Dục tính trong tiểu-thuyết
Tiểu-thuyết nữ quyền
Tiểu-thuyết đăng-từng-kỳ
Kỹ thuật tiểu-thuyết
Các thể-loại ngắn

Chương 3- Thi ca 273
Một số thể thơ: Thơ tự do – Thơ xuôi - Thơ lục bát
Nội-dung: Thơ tình - Thương nhớ quê nhà
Thơ chiến-tranh - Thơ binh lửa
Thơ phản chiến
Thi-ca triết-lý, về phận người và vũ trụ 

Chương 4- Bộ môn Kịch 359
Ngôn-ngữ kịch và sân khấu
Kịch-bản hay kịch-trường?

Chương 5- Phê binh văn-chương và Nghiên cứu văn-học
Các phương-pháp nghiên-cứu và phê-bình 375
Phê-bình phân-tâm học - xã-hội học
Phê-bình hiện-sinh, hiện-tượng luận
Phê-bình cơ-cấu
Phê-bình văn-học
Biên-khảo văn-học
Các nhà biên-khảo, phê-bình: Bằng Giang - Bình-Nguyên Lộc - Bùi Đức Tịnh – Bùi Xuân Bào - Cao Huy Khanh - Đặng Tiến - Đỗ Long Vân - Huỳnh Phan Anh - Lê Huy Oanh – Lê Ngọc Trụ – Lê Tôn Nghiêm - Lê Tuyên - Lê Văn Siêu – Nguyên Sa - Nguyễn Hiến Lê - Nguyễn Văn Sâm - Nguyễn Văn Trung – Phạm Công Thiện - Phạm Thế Ngũ – Phạm Việt Tuyền - Tam Ích – LM Thanh Lãng - Thế Phong - Trần Thái Đỉnh - Trần Văn Nam – Uyên Thao - Các công trình khác – Các tuyển tập thơ văn.

Chương 6- Dịch thuật và văn-học nước ngoài 461
Dịch-giả: Nguyễn Hiến Lê – Trương Bảo Sơn - Trần Thiện-Đạo – Trần Phong Giao - Nguyễn Minh Hoàng - Vũ Đình Lưu – Phạm Công Thiện - Phùng Khánh & Phùng Thăng - Hoài Khanh - Diễm Châu – Mặc Đỗ – Bùi Giáng – Đỗ Khánh Hoan – Cung Tiến – Bửu Ý – Lê Thanh Hoàng Dân – Tam Ích – Hoàng Hải Thủy – Các nhà xuất-bản

Chương 7- Báo chí miền Nam 485
Báo-chí quân đội, cơ quan chính phủ
Các tạp-chí văn-chương, văn-học
Tạp-chí các nhóm trẻ, chuyên môn, phổ thông-đại chúng
Báo chính-trị, đảng phái
Báo-chí tôn giáo
Báo thiếu nhi, tuổi trẻ
Nhật-báo: 1954-1963, 1964-1975, nội-dung, kiểm duyệt, ...
Các nhà xuất-bản: thương mại, chuyên nghiệp, giáo khoa, của nhà văn, tạp-chí và nhật báo.
Sơ kết

Chương 8- Biên niên 21 năm lịch-sử và văn-học 593
Biên niên
Hậu 1975 – Các nhà văn tử trận
Các giải thưởng văn-chương 

Phụ lục
Văn-học miền Nam 1954-1975: một thời tưởng tiếc 640
Phê-bình một bộ “văn-học sử” miền Nam 665

* Quyển Hạ: Tác-Giả 689

An Khê
Anh Hoa
Bình-Nguyên Lộc
Bùi Giáng
Cao Thoại Châu
Châu Liêm
Chu Trầm Nguyên Minh
Chu Tử
Cung Tích Biền
* Quyển Hạ (tiếp) 763
Diễm Châu
Diên Nghị
Doãn Dân
Doãn Quốc Sỹ
Du Tử Lê
Duyên Anh
Dương Nghiễm Mậu
Đinh Hùng
Đinh Tiến Luyện
Đoàn Thạch Biền
Đoàn Văn Khánh
Hà Thúc Sinh
Hạc Thành Hoa
Hoài Khanh
Hoàng Anh Tuấn
Hoàng Lộc
Hoàng Ngọc Biên
Hoàng Ngọc Hiển
Hoàng Ngọc Tuấn
Hồ Hữu Tường
Hồ Minh Dũng
Joseph Huỳnh Văn
Kiên Giang
Kinh Dương Vương
Lâm Chương
Lâm Hảo Dũng
Lê Văn Thiện
Lê Xuyên
Luân Hoán
Lữ Kiều
Lữ Quỳnh
Mai Thảo
Mai Trung Tĩnh
Mặc Đỗ
Minh-Đức Hoài Trinh
Nguyên Minh
Nguyên Sa
Nguyễn Bắc Sơn
Nguyễn Đình Toàn
Nguyễn Đức BạtNgàn
Nguyễn Đức Sơn
Nguyễn Lệ Uyên
Nguyễn Minh Nữu
Nguyễn Mộng Giác
Nguyễn Nghiệp Nhượng
Nguyễn Nho Sa Mạc
Nguyễn Tất Nhiên
Nguyễn Thị Hoàng
Nguyễn Thị Thụy Vũ
Nguyễn Thụy Long
Nguyễn Xuân Hoàng
Nhật Tiến
Phạm Cao Hoàng
Phạm Ngọc Lư
Phạm Nhã Dự
Phan Nhật Nam
Phan Nhự Thức
Phương Tấn
Quách Thoại
Song Hồ
Sơn Nam
Thanh Tâm Tuyền
Thành Tôn
Thảo Trường
Thế Nguyên
Thế Uyên
Toàn Phong
Tô Thùy Yên
Trần Dzạ Lữ
Trần Hoài Thư
Trần Thị NgH
Trần Tuấn Kiệt
Trần Yên Hòa
Trùng Dương
Tú Kếu Trần Đức Uyển
Túy Hồng
Viên Linh
Võ Hồng
Võ Phiến
Vũ Hoàng Chương
Vương Đức Lệ
Y Uyên

Wednesday, September 21, 2016

Luân Hoán Phác Họa Tâm Dung Nguyễn Đức Bạt Ngàn

bốn năm không liên lạc
suýt nữa quên lửng ông
đêm qua ngủ một lát
gặp một thằng thật ngông

nhìn lui rồi ngó tới
nhận ra chính là ông
một nhà thơ bay bướm
rất khoái chuyện đi rông

nhớ xưa ông từng rủ
tôi bay vào không gian
nghe xong ngớ như vịt
suýt đứt dây điện đàm

ông mau lẹ giải thích
tôi nghe khoái quá trời
nhưng nghi ngờ lưỡng lự
chưa nhập vào cuộc chơi

không gởi ông đùm chữ
chẳng gởi ông nhúm hình
nhưng nhờ ông cù rủ
tôi tìm đường để binh

rồi open, download
tôi luyện cũng hơi rành
biết lang thang đủ chỗ
không từ cả lầu xanh

ông không dạy một chữ
nhưng cũng kể có công
mách trò cho bạn hữu
đương nhiên rất có lòng

lâu nay không trả lễ
chừ họa tâm dung ông
tuy không chắc sòng phẳng
chỉ mong ông vui lòng

ông dòng họ Nguyễn Đức
tên Cẩm hiệu Bạt Ngàn
bè bạn gọi bạc triệu
bởi nhìn ông giàu sang

ông chào đời bên bến
Ô Lâu tại Vĩnh An
từ Huế đi tứ xứ
trụ lại cõi thanh nhàn

Edmonton, 79
đã đón nhận ông vào
từ đó ông viết lại
và dài dài in thơ

Bình Minh Câm đã mọc
những tia nắng vững vàng
lòng ông được mây bọc
cõi trời trôi lang thang

còn người còn hoan lạc
là Còn Ưu Ái Còn
huống chi thơ giàu nhạc
tình ông dễ gì chôn

vẫn cùng Ngày Ngó Xuống
dù Giữa Triền Hạn Reo
Mùa Lá Xanh thơm mãi
hương lòng của rong bèo

Thầm Lặng Trời Thầm Lặng Đất
thầm lặng ông Bạt Ngàn
cứ làm thơ chất ngất
những ngạo nghễ ngang ngang

ông sinh năm 48
theo học Phan Châu Trinh
sau tôi mấy niên khóa
khó biết ông ngọn ngành

lần gặp ông thứ nhất
do Lưu Nguyễn đưa đường
ông ghé thăm nhà chật
cứ ngồi dựa vô tường

thấy ông hơi tửng tửng
có chút gì bất thường
hóa ra người viết lách
có nhiều tật dễ thương

riêng ông giàu cốt cách
nhiều bạn bảo vậy mà
tôi xác nhận quá đúng
sau vài lần gặp qua

bốn năm trước trong quán
Phương Thảo Montréal
thấy tôi đã xuống sắc
ông có vẻ không đành

nhưng tôi cứ lây lất
vì Diêm vương còn thương
cho tôi tiếp tục vẽ
đám nghệ thuật văn chương

ông xem ông, chớ hỏi
chân tâm dung gì đâu
toàn lời lẽ phố chợ
không bén tóc mọc râu

hãy mỉm cười để thấy
hãy rung đùi để nghe
tôi, ông cùng ngồi đấy
thơ thẩn vây bốn bề


Luân Hoán

Sunday, September 18, 2016

M.LIÊN


   Mạch đời là mạch đất. Biểu kiến trên hàng chữ viết ngổn ngang. Thức theo tôi trong đêm khuya, dậy cùng tôi trong sáng muộn. Chan hòa trong tình yêu tôi với M.Liên buông lơi. [...] . Em đang trọ học trong cư xá dành riêng cho nữ sinh viên trên đường Nguyễn Huệ, chặng nhìn qua nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, gần bến xe An Cựu.

   Cư xá nằm khá xa đường. Trên lối vào đối diện với đám đất trống bên tay phải là một ngôi nhà nhỏ nằm vuông góc với đường đi, ngay bên lề trái. Đây là điểm hẹn gặp do M.Liên muốn, vì em không để tôi vào tận trong cư xá. Tôi hỏi tại sao. Em cười. Em không muốn anh bị tụi bạn của em chọc quê. Tôi biết dưới phong thái ngượng nghịu dễ mắc cỡ, em là lửa đỏ. Dĩ nhiên tôi chìu em.

   Ngôi nhà hẹn hò trống trải, được ngăn nhiều phòng nhưng chưa hoàn tất. Từ cửa lớn, tôi ngó qua tay phải, nơi đó là căn phòng chỉ có cái bàn học con con mặt nghiêng, đặt sát cửa sổ nhìn thẳng ra con đường mà tôi đã đi vào. Em đang ngồi bó gối ngay trên mặt bàn, tựa lưng vào thành cửa sổ đăm đăm ngó tôi. Khung cửa chói phía sau lưng ngẫu nhiên biến thành một tấm phông hắt dọi lên nhan sắc em kỳ ảo. Khuôn mặt yêu dấu ngân tỏa dưới ánh sáng dìu dịu của căn phòng tương phản với không gian vàng nắng sau lưng em, bỗng biến em thành pho tượng nhu mì sinh động. Em mỉm cười nửa trách cứ sao tôi đến muộn, nửa như reo vui. Tôi bước tới gần, dịu dàng đưa bàn tay phủ chụp lên đầu gối em. Nao nức cơ thể em run run tụ vào đầu gối thấm ấm qua bàn tay tôi run run. Em ngó sững lên bàn tay tôi chốc lát, rồi nhìn vào cái ghế trống duy nhất cạnh mép bàn, dấu hiệu bảo tôi ngồi xuống. Tôi rút nhẹ bàn tay, ngoan ngoãn ngồi tựa vào lưng ghế, tầm mắt đậu trên hai bàn chân mủm mỉm của em đang ở ngay trước mặt. Từng ngón nhỏ nhắn cài đều nhau trắng muốt như pha lê theo xuân thì đang dậy. Dưới làn da thơm ẩn những mạch máu xanh xanh như gân lá, gọi tôi về những bí tích của sự sống. Đó là biểu tượng nhan sắc toàn vẹn đắm đuối an lạc vùi lấp, mọc từ sợi lông tơ trên mu bàn chân em phơn phớt cỏ non. Tôi không dằn được bồng bột, bèn gục đầu mình xuống. Em kéo rụt hai bàn chân lại, đưa một bàn tay nâng mặt tôi. Còn tay kia nghịch đan vào mái tóc của tôi rối tung. Tôi ngẩng mặt, mê man giữa ánh mắt em biếc trong ngời với môi má hồng hạ. Tiếng nói bỗng thừa, trời đất bỗng câm. Nụ hôn bỗng mất tích.

   Tôi vốn là tên lãng mạn nhưng nặng hoài nghi. Về sự kết hợp vĩnh cửu chỉ thoáng hiện trong khoảnh khắc. Về tình yêu tự hiến dâng như nỗi hoảng sợ khôn đành. Nên chi, tôi và em có mặt nhau là đã trọn vẹn. Tôi chẳng hề vồ vập ngấu nghiến tham lam. Em là giọt sương trời hóa thân trao cho tôi tình tự hư ảo. Tôi ngại mình vũ phu sẽ biến mật ngọt trước mắt thành đắng cay. Tôi nhìn lên, phảng phất trong mắt em là tôi đang mỏi mòn xuôi ngược. Vóc dáng mảnh mai phất phơ thoáng hiện thoáng biến. Tôi nhận chân được giá trị của phù du. Chẳng biết hai đứa đã nói với nhau những gì. Trong tận cùng, thính giác tôi chỉ giữ được âm tiếng ngọt ngào mang mang thổ âm Quảng Ngãi. Cảm xúc da thịt dành chỗ cho cảm xúc tâm tư.

   Em tụt xuống khỏi mặt bàn, đứng tựa vào một bên bờ vai tôi. Cả hồn xác tôi ngây ngất trong hương vị của đường của mật của mía của bắp đầu mùa. Tôi dang cánh tay choàng qua bờ eo lưng em ghì siết lại gần hơn. Vòng tay em quấn lấy cổ tôi. Cả khuôn mặt tôi ấp trọn trên vùng ngực hôi hổi trinh nguyên, căng theo hơi thở với nhịp tim em phập phồng mềm mại. Giữa nồng thắm, tôi nghe cách trở chuyển mình. Tự thần trí đang lơ mơ trong vô lượng em, bỗng nãy ra đốm lửa hiu hắt lạc lõng. từ em là cõi phiêu bồng. từ em nhạc phá giữa lòng nhiêu khê... Tôi sợ em biết được gan ruột mình, dù rằng tôi chẳng hề bao giờ đóng cho trọn vai tên nhân tình phản trắc. Em thủ thỉ chuyện trên trên trời dưới đất. Về người mẹ chờ người cha đang phiêu dạt khuất lấp bặt tin. Về cuộc sống được nuông chiều. Về những đêm khuya nghe mưa rào thức giấc. Về những bàng hoàng ước mơ nghi ngại. Em tin cậy. Lúc nào mẹ ra thăm, em sẽ gọi anh đến gặp. Tôi nhắm mắt, bỗng thèm chết vĩnh viễn trên hơi hướng này, bờ ngực lộng thiên đàng đang có mặt.

   Tôi ngẩng đầu lên nép vào bờ vai em, rồi hỏi đùa ấn tượng nào từ anh đã khiến em quyến luyến. Khuôn mặt em cúi xuống, xõa từng ngọn tóc mềm buông rủ trên trán, trên da mặt tôi. Hơi thở chan theo ánh mắt lồng sâu vào si mê nhau. Đôi mắt, đó là đôi mắt. Em không biết anh như thế nào nhưng lần đầu chạm đôi mắt anh, em ngỡ như là một phần tài sản em. Vòng tay tôi ôm em chặt hơn. Ấm tiếng tôi mềm lại. Ngày em theo chồng, anh sẽ tặng em đôi mắt anh để làm của hồi môn. Em tinh nghịch nhéo tai tôi đau điếng. Tôi chói lói. Đôi môi em rà sát bên vành tai tôi thì thầm. Em trừng phạt anh tội nói bậy.

   Chiều xuống theo hẹn hò. Chiều tiễn đưa giữa môi hôn ngập ngùng hai đứa. Hạnh phúc tỏa xuân sắc lên hơi hướng nhau. Tôi muốn thời gian dừng lại theo bàn tay em đang đưa nhịp trên vai tôi. Chúng tôi chia tay. Em sánh bên vai cùng bước ra bậc cửa.

   Đường về tôi ngất ngư như hóa thân cùng vũ trụ. Đời đẹp biết bao. Trời lộng biết bao. Thơ là hương sắc. Em là tình vị ươm hồn anh xanh ngát. M.Liên. M.Liên. Em mở thêm cho tôi cửa trời Sương Hạnh. người đã là thịt da ta giữa giờ phạm tội. em đã là ngọn cờ phất phới tung bay...

   Tôi là kẻ tan tác. Buồn đó vui đó. Đam mê đó, chán nản đó. Quay cuồng đó, lặng lờ đó. Tin tưởng và hoài nghi chẳng bao giờ phân hai. Như trong đôi mắt M.Liên gợi lên vầng trăng thu, đồng thời cũng là mặt trời trưa hạ. Tôi ngồi với bóng, với mùi hương em đang đọng cứng tim. Thơ dồn theo nhịp thở. ừ mắt em là vầng trăng trải hạn. đời vân du về giữa mộng giang hà. này nước mắt này con buồn viễn ngạn. sầu rất đầy sau hồ khúc ngân thoa. Em là huệ giác tôi xa tắp bên kia bờ. Em là thánh phúc, tưởng vọng tôi là biển xanh. Tôi hóa hiện vào em xông lên cơn gió chướng trái mùa bất trắc. Tôi chỉ là cuồng sĩ lỡ đường với chút tài hoa được nuôi dưỡng bằng đời khổ lụy. em có khóc khi từ hôn quá khứ. em có còn khi thể xác chia hai. em có hát theo tài hoa lỡ dở. giữa tiếng đàn nặng chĩu hai vai...

(Chú thích: những dòng chữ nghiêng trich từ thơ của tác giả)

Trích Tự Truyện THẦM LẶNG TRỜI, THẦM LẶNG ĐẤT, 1994
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Wednesday, September 14, 2016

TRĂNG ĐẦY, GIỖ MẸ

khi con về quê nhà xưa hoang phế
tội cánh chuồn ôm mấy đọt bông lau
tóc mẹ trắng xuôi nguồn sông đổ lệ
nghẹn tiếng gà quanh ngọn chuối làn rau

khi con về đất nước vẫn thương đau
lũ chó dại bầy mèo hoang đứng ngó
lòng chết sửng giữa trưa hè im gió
nghe tung hô đưa bạo ngược lên đường

mẹ ơi
con nghe đời xiêu đổ tự mười phương

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
bên bờ Ô Lâu, 1976

Sunday, September 11, 2016

BỤI VÀNG

vì anh là nước xa nguồn
để em rụng giữa thơ buồn nhói đau,
hẹn thề đơm tóc hoang châu
thả sông xuống núi nguyện cầu hôm mai

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Thursday, September 8, 2016

BÊN PHẦN MỘ TRƯƠNG NHƯ (2)

chưa bao giờ trong lịch sử Việtnam
kẻ thắng đã đối xử với kẻ bại dã man vong tình như thế
thời trước
kẻ thắng chỉ tru di 3 dòng họ trực hệ với đối thủ của mình

sau 30 tháng tư 1975
việt cọng nhân danh chuyên chính giai cấp để tiêu diệt dân tộc
miền Nam là chiến lợi phẩm của miền Bắc

quân dân miền Nam bị bức tử
uất ức chịu đựng quản thúc lao tù
hoặc vượt thoát khỏi đất nước

và còn một thành phần
dù tuyệt lộ 
nhưng vẫn không thỏa hiệp 
không qui hàng 
không tháo chạy

vì danh dự 
vì nhân phẩm 
vì khí tiết 
trong đó có bạn tôi 
đã chọn con đường 
tự sát

sau 31 năm 
tôi trở về
ngồi bên mộ bạn 
đất nước vẫn quánh đặc trong đám bụi mù 
từ buổi đó
không tan

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
2006 

Monday, September 5, 2016

BÊN PHẦN MỘ TRƯƠNG NHƯ


dõi mắt nhìn đất nước đã chìm sâu
còn sóng gió đẩy trời trăng buổi trước
trôi lênh đênh trôi mãi tận ngh
ìn sau

em tỉnh giấc mộ phần xanh cỏ mọc
ngày quê hương như lãnh địa hoang tàn
đêm thống hận đè lên đầu dân tộc
người giết người cho xương máu vinh quang

em nằm đó trăm năm đà thoáng chốc
bên suối rừng bên đá dựng hoang sơ
còn lại chăng này tấm lòng tuẫn quốc
trên lưng anh còn nặng đến bao giờ 

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Friday, September 2, 2016

NHÂN NGÀY QUỐC KHÁNH (KIỆT) 2 THÁNG 9, NHỚ EM TÔI ĐANG BÁN THÂN Ở XỨ NGƯỜI

bước đi một bước qua cầu
tội em biệt xứ dãi dầu căm căm

giang sơn chừ đã mê lầm
ruộng đồng biển núi tím bầm thảm thương

xa ân nghĩa mờ cố hương
tay bưng dĩa muối đoạn trường mốt mai

gừng cay xót lưỡi ai hoài
nổi trôi nghìn dặm trang đài còn đâu

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN