Monday, October 1, 2018

BÊN BỜ Ô LÂU (một phần mở đầu của tự truyện Thầm Lặng Trời, Thầm Lặng Đất)

           Ấu thơ tôi có nhiều ngọt nồng. Là con thứ trong một gia đình có chín anh chị em. Khi tôi sinh ra thì hai người anh và hai người chị đã chết vì tật bệnh. Tôi trở thành đứa thứ tư của một nhà có năm anh em trai.

          Mới sinh ra tôi là đứa nhỏ khó nuôi. Tôi bị bệnh khóc. Khóc hoài không dứt. Tôi còn thêm tật cà lăm nặng. Lúc 4, 5 tuổi thì sài, ghẻ đầy người. Lên 6, 7 tuổi tôi lại đau yếu ngặt nghèo, phải chở đi điều trị ở bệnh viện Huế. Bệnh hoạn còn tiếp tục hành hạ tôi hầu như suốt thời gian ở bậc trung học đệ nhất cấp. Đó là chuyện về sau. Trở lại bệnh khóc của tôi. Theo lời mẹ kể, lúc sinh ra tôi thì giặc Tây ruồng bố. Cả nhà phải trốn tránh. Rất cần sự yên lặng để bảo toàn mạng sống. Rứa mà tôi cứ khóc ngất. Thôi thì phó thác cho trời. Cả nhà tôi trốn chui trốn nhủi từ hầm này đến mương kia. Tôi được quấn trong bao bố. Có lần lũ lụt. Căn hầm trú ẩn của nhà tôi ngập nước. Mẹ đặt tôi nằm trên tấm phản kề sát miệng hầm. Tôi không chịu nằm yên, ngọ nguậy lung tung. Mẹ tôi vì bận việc quên để ý. Làm thế nào mà tôi lại rớt ngay xuống hầm, chìm xuống tận đáy. Khi mẹ quay lại không thấy tôi đâu. Nhìn miệng hầm thì thấy bọt nước sủi tăm. Mẹ nhào xuống kéo tôi lên. Rứa mà trời không bắt tôi chết. Sau này trải qua bao nhiêu tai biến trong đời, tôi hiểu được một điều giản dị. Sống hay chết không phải là điều dễ dàng.

          Cha tôi nghiêm khắc, kỹ lưỡng. Suốt một đời, ông chỉ biết công việc. Tính tình nóng nảy, thường rầy rà con cái, cũng như hay hối thúc mẹ tôi trong bất cứ công việc gì. Trong thời gian khiêm tốn được sống gần ông, tôi thấy cha tôi chẳng đam mê một thú tiêu khiển nào. Ngoài một điều là ông rất hào sảng với bạn hữu. Hào sảng là một tính tốt, nhưng đôi lúc vì bạn mà quên hẳn vợ con thì quả là chuyện không may. Điều này khiến cho mẹ tủi thân và tôi bất mãn. Cha không thích rượu, nhưng luôn sẵn có rượu ở nhà. Đám bạn của ông thì khác hẳn, rất ham uống. Nhà tôi cũng là một trại mộc, nằm ngay bên con đường cái. Hàng ngày có không ít người tạt qua. Phấn lớn là khách hàng, còn lại là bạn của cha tôi. Lần nào cũng vậy dù bận bịu, nhưng có bạn là cha dừng tay, đi vào bên trong mang rượu ra mời. Rồi ông tiếp tục công việc bỏ dở vừa làm vừa nói chuyện. Rượu vào lời ra. Bạn của cha tha hồ nói. Cha tôi không ngừng tay, nhưng tai lắng nghe. Lâu lâu góp vào một câu vô thưởng vô phạt. Tôi thường xớ rớ bên cạnh. Toàn chuyện tào lao. Lời mẹ tôi bình phẩm. Riêng tôi, vừa nghe vừa nghi ngờ lẫn bất phục. Tôi nghĩ rằng bạn của cha tôi đã nói trạng nhiều hơn nói thiệt. Phải chăng đó là dấu hiệu cho tâm hồn nỗi loạn của tôi sau này.

          Ông nội tôi mất sớm. Qua lời của cha, sinh thời ông nội là một người thợ mộc khéo, thu nhận nhiều học trò. Nhưng vì ông ra đi vội vã nên tinh hoa đã không truyền lại được cho mấy đứa con trai. Về sau cha tôi cũng làm nghề mộc, nhưng cha đã theo học nghề từ một môn sinh của ông nội.  Ông nội cũng có chút tài hoa. Đó là ngón đờn sau khi rảnh rổi công việc. Cũng vì ngón đờn này mà bà nội tôi đã bỏ nhà theo ông, dù bà biết khi đó đời của ông đang nặng thê thiếp. Cái chết của ông nội quá vô duyên. (Dĩ nhiên có cái chết nào mà chẳng vô duyên). Trong một ngày hội khoảng cuối mùa xuân, dân làng tụ tập ở đình để cúng tế rồi sau đó cùng nhau ăn uống. Có ai ngờ đây cũng là bữa tiệc vĩnh biệt cho khoảng hai mươi người. Có kẻ cho tai họa xảy ra là bởi vì thức ăn bị ngâu bọc. Tôi không hiểu ngâu bọc là gì, chỉ lờ mờ rằng có lẽ  thức ăn để ngoài trời tế lễ quá lâu nên bị nhiễm độc. Chết là hết, nhưng sau hội lễ mùa xuân, mà trong làng phải chịu một đám tang với hai mươi quan tài dàn hàng một lượt. Cứ hình dung tôi thấy não nùng làm sao.

          Ông nội có bốn vợ. Bà nội là người thứ ba. Tôi chẳng biết từ khi kết nghĩa tào khang với ông, bà có hạnh phúc được ngày nào không. Ông tôi mất để lại cho bà tôi bốn người con. Bà nội tuy còn nhan sắc, nhưng vẫn thủ tiết. Bà một thân một mình xông xáo nuôi bầy con trưởng thành.

          Tôi không nh số anh em cùng cha khác mẹ với cha tôi là bao nhiêu người, vì khi tôi lớn lên thì họ đã thất tán. Cha tôi là con thứ hai. Người con đầu là o Chanh, lấy chồng là dượng Cược ở xóm trên cùng làng. Hai vợ chồng o Chanh bỏ xứ đi làm ăn xa, trôi dạt qua tận bên Lào, rồi Xiêm. Sau 1954 thì hồi hương ra Bắc, sống ở Hà Nội. Kế cha tôi là một gái một trai. Chú Tuệ, người em út, cũng bỏ xứ theo vợ chồng o Chanh. Có một thời nghe chú làm thầu khoán ở bên Lào. Sau năm 1954 chú cùng vợ con theo o Chanh ra miền Bắc, lập nghiệp ở Tuyên Quang. Người em gái kế của cha tôi là o Bụi, lấy chồng ở làng, người chồng cũng tên Cược, trùng tên với chồng của o Chanh, đẻ một bầy con. O Bụi bị Tây bắn chết vào khoảng năm 1950. Tôi còn có thêm chú Châu, em cùng cha khác mẹ với cha tôi, con của bà nội thứ tư. Chú rong chơi một mình mất tăm mất tích, bỏ vợ bỏ con. Vợ của chú là thím Tám, hai đứa con gồm một trai tên Sừng, cỡ tuổi với anh Cung. Sừng bệnh hoạn, chết yểu khi mới ngoài hai mươi tuổi. Một gái là Táo. Táo có về ở chung với gia đình tôi một thời gian. Về sau thím tái giá (vợ bé) với chú Lý Quảng, sinh được đứa con trai. Chẳng ai ngờ là sau năm 1975, chú Châu trở về. Phong thái dáng dấp của chú trông rất giống cha, chỉ hơi khác khuôn mặt. Khi đó thím Tám đã mất. Táo lấy chồng phương xa, chú cũng chẳng gặp mặt. Chú có ngồi tâm sự với tôi một lần. Tôi thấy chú là kẻ chung tình có lòng, chứ không hoang đàng hư hỏng như cha tôi đã phác họa. Chú nói. Tau giống ôn nội của mi.

          Như vậy chỉ còn cha tôi ở lại lo hương hỏa tổ tiên. Bà nội tuy đã già nhưng vẫn sáng suốt, sắc sảo. Điều này càng gây thêm khổ tâm lẫn phiền toái cho mẹ tôi. Giữa bà nội và mẹ, tôi thương cả hai.

          Mẹ tôi là người nhân từ bao dung, luôn luôn vui. Dáng của mẹ thấp bé so với cha. Làng Phú Kinh quê mẹ, nằm phía dưới làng tôi, bên kia sông Ô Lâu. Mỗi lần về ngoại phải qua một chuyến đò ngang. Dòng sông tuy nhỏ nhưng với tôi là không gian bát ngát. Hình ảnh qua sông thời thơ dại trải dài trong thơ tôi mãi tận đến ngày hôm nay.

          Theo lời mẹ, ông ngoại tôi mất sớm. Như hình ảnh ông nội, tôi cũng chẳng mường tượng được ông ngoại là người như thế nào. Chỉ biết ông ngoại thuộc họ Nguyễn Đăng, một họ thế gia của làng ngoại. Bà ngoại của tôi bước thêm bước nữa. Phía bên nội của mẹ tôi bắt mẹ lại, không cho mẹ theo sống cùng bà ngoại. Bà ngoại tôi sau đó còn sinh thêm cho tôi hai bà dì với một người cậu. Người cậu này, khi trưởng thành đã bỏ xứ đi làm ăn xa mất tích.

          Thời bà ngoại còn sống với hai bà dì, mỗi lần anh em tôi về, đều được nuông chiều hết mức. Muốn chi được nấy. Bà ngoại đôi mắt đã mù. Bà thường gọi anh em chúng tôi đến gần để cho bà rờ rẩm. Đời sống của hai bà dì kém may mắn hơn mẹ tôi. Cả hai bà, chồng đều chết sớm. Dì Thỉ, em út của mẹ không tái giá, ở với bà ngoại nuôi một bầy con. Dì Lé, em kế của mẹ có đôi mắt bị lé bẩm sinh. Với đời chồng trước, dì không có con cái. Dì lấy người chồng sau là dượng Thảo, và sống cùng mấy đứa con của chồng. Ông ngoại thứ hai, tôi cũng không thấy mặt. Bên phía ông theo đạo Thiên Chúa. Nên bà ngoại tôi cùng hai bà dì phải đi theo. Ngôi nhà thờ làng ngoại tuy không đồ sộ nhưng uy nghiêm, xây dựng theo kiến trúc La Mã. Đã nhiều lần tôi theo dì cùng mấy người em họ đến nhà thờ đọc kinh.

          Hình bóng lớn nhất bao trùm suốt cả đời tôi, là mẹ tôi. Giữa cha và mẹ là hai hình thái xung biệt nhau. Cha lạnh lùng cô độc, con cái không dám đến gần. Mẹ từ ái che chở. Mẹ chẳng bao giờ ghét ai. Cuộc sống cay nghiệt vậy mà hiếm khi thấy người than thở. Mẹ là một khối lớn của tự tín, dũng cảm, nhân hậu. Mẹ thường bảo chúng tôi. Buồn bã không giải quyết được chi mô con ơi.

          Về sau anh em tôi phân hóa, cuộc sống trong chiến tranh gây nhiều mất mát. Mẹ lo lắng buồn phiền, điều này khiến mẹ đổi tính đôi phần. Con cái tuy thành thân nhưng nằm ngoài ước vọng. Mẹ thỉnh thoảng gắt gỏng, hài tội anh em chúng tôi. Cũng chẳng có gì lớn chuyện. Như đứa này ham chơi, đứa kia nghe lời vợ. Tuy vậy, như bao giờ, mẹ vẫn là điểm tựa lớn giữa đời khắc nghiệt đang bao quanh tôi. Mỗi lần tưởng nh về người, tôi nhói đau. Ấu thơ tôi như cánh buồm. Mẹ là gió lớn thổi tràn đầy căng buồm đưa thuyền đi xa. Mẹ là khởi điểm lửa của đời thơ tôi. 

          Chẳng biết là tôi có trí nhớ từ lúc nào. Có thể là trong thời kỳ ký hiệp định đình chiến Genève (1954) chia đôi đất nước. Hai miền, hai thể chế chính trị xung biệt. Miền Bắc do Hồ Chí Minh lãnh đạo theo chế độ cọng sản. Miền Nam do Ngô Đình Diệm cai quản theo chế độ cọng hòa. Hồ là cọng sản thuần thành, được huấn luyện từ Nga, trở về nước lập ra đảng cọng sản. Hồ núp dưới danh nghĩa dân tộc, tổ chức phong trào kháng chiến chống Pháp. Ngô là cựu quan lại của vương triều nhà Nguyễn, đào tị ở Mỹ, trở về.

          Khoảng thời gian đầu đất nước chia cắt, làng tôi tương đối yên tĩnh. Cha và bà con láng giềng thường bàn đến chuyện tập kết, di cư, tức là những người theo Việt Minh Cọng Sản đi ra miền Bắc và dân chúng miền Bắc bỏ cọng sản chạy vào Nam. Câu hát chiều nào đây bên bến ca nô, sáng nào đây trên đường quốc lộ,  thương cho người ra Việt Bắc xa xôi, tôi nghe anh Cung ư ử suốt ngày. Mẹ tôi thường răn. Con hãy ngậm miệng, chớ hát lung tung. Chuyện cụ Ngô chấp chính với những câu châm biếm khinh bạc của cha tôi về ngày trưng cầu dân ý 23 tháng 10 năm 1955. Tự do cấy chi mà phải xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ bì.

          Những lần ở nhà cùng bà nội, với đứa em út còn dại. Mấy bà cháu thường ra ngồi ở phía sau nhà. Bà nội thầm thì chuyện xưa chuyện nay. Tai tôi nghe, nhưng đôi mắt cứ nhìn sông Ô Lâu xanh mướt lấp lánh. Trên mặt sông điểm xuyết những bóng cò trắng xóa, lướt bay rồi tụ bầy hạ cánh trên cồn Nổi. Có lần tôi buột miệng. Mệ ơi mệ, cun cò đậu bên tê sông mệ tề. Đó chỉ là câu nói ngẫu nhiên từ hình tượng khách quan có tính bột phát. Bà nghe xong gật gù, tôi tưởng vậy rồi thôi. Không ngờ, trong bữa cơm tối, bà nội đã kể lại cho cả nhà nghe. Cả nhà được một trận cười. Thằng Đái mần thơ. Đái là tục danh của tôi do bà nội đặt, theo ý bà là cứ hễ đặt tên xấu thì đứa cháu sẽ dễ nuôi. Câu cun cò đậu bên tê sông được mọi người trong nhà lặp đi lặp lại (dĩ nhiên trừ cha tôi). Đôi lúc hứng chí anh Cung còn ngâm lên khiến cả nhà cười vang. Câu này không dừng lại ở trong nhà mà còn lan ra ngoài. Đám bạn của tôi cứ theo xoi tì, tức là vừa bươi móc vừa chọc ghẹo tôi không ngớt. Trong lúc ghi lại hồi ức này (tháng 8/1994) tôi nghĩ câu cun cò... là sản phẩm thơ đầu tiên của đời thơ tôi.

          Giai thoại vui nữa về tôi, từ tật cà lăm, mà cả gia đình hay nhắc nhở để cùng cười đùa. Anh Chính, người anh cả đi dạy học xa. Một bữa anh về thăm nhà với một cái cặp da mới. Tôi lân la bày tỏ một câu giao hữu. Anh mua cái cạc tạp mới hả anh. Nhưng vì cà lăm, tôi nói đến tiếng cạc thì mất hơi, nên câu nói của tôi thành như thế này. Anh mua cái cạc cạc cạc cạc cạc táp...Tôi không biết mình lặp tiếng cạc bao nhiêu lần. Phần đông anh em tôi đều có tính tếu lâm. Chắc là do di truyền của mẹ.

          Ba người anh lớn (kể luôn cả tôi với thằng em út) vì hoàn cảnh loạn lạc nên trễ nãi việc học hành. Anh Chính, anh Cung học xong bằng tiểu học liền ở nhà phụ việc mộc với cha. Anh Cương cũng vậy, năm mười hai tuổi mới bắt đầu lớp tư. Cha tôi là người thợ mộc khéo. Không những có tiếng ở làng mà còn lan ra cả vùng phụ cận. Cha thường được mời làm thợ cả trong những công trình như làm đình, làm nhà thờ họ. Mỗi lần đi làm xa, cha tôi dẫn theo hai người anh lớn. Đôi khi dăm ba tháng mới về nhà. Lúc cha vắng nhà, mọi công việc đều do mẹ quán xuyến. Anh Cương coi sóc tôi và em út Kim Long.

          Cùng thời gian tôi bắt đầu đi học thì anh Chính đã được bổ dụng làm giáo viên tiểu học. Anh dạy trường tiểu học Phò Ninh, thuộc xã Phong An ở cùng một quận. Khi đó anh Chính đã được cha mẹ tôi cưới vợ. Chị là người cùng làng, ở xóm dưới. Anh Chính không dẫn vợ theo. Chị Chính ở lại giúp mẹ tôi quán xuyến công việc. Cứ dăm ba tuần, anh Chính trở về thăm nhà. Trong cư xử, anh Chính quan tâm nhiều đến cha mẹ anh em. Mỗi lần anh kèm tôi học, hoặc có thắc mắc gì hỏi anh. Anh luôn luôn giảng giải bằng lời dịu nhẹ, khác với hai người anh kế thường sừng sộ. Anh có kiến thức phong phú. Anh thường giải nghĩa cho tôi những câu được coi là khúc mắc với lứa tuổi tôi hồi đó. Như tiên trách kỷ, hậu trách nhân, hoặc kỷ sở bất dục vật thi ư nhân. Về thái độ với bạn hữu, thì anh thường nói tếu một câu. Trên đường đời vạn nẻo, một cú đá đít giúp bạn tiến nhanh hơn cái bắt tay. Trong thời gian dạy học ở Phò Ninh, có thể bất mãn vì cuộc hôn nhân do cha xếp đặt, anh đã lấy thêm một người vợ nữa.

          Anh Chính cũng rất ham học hỏi. Tủ sách của nhà tôi phần lớn do anh gầy dựng. Đa số sách là của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Ngoài ra còn có một số ấn phẩm của các tác giả khác nữa. Như Tố Tâm, Một Chuyện Tình Mười Lăm Năm Trước, Cô Giáo Minh,Vang Bóng Một Thời, Quê Mẹ, Số Đỏ, Một Người Cha, Dế Mèn Phiêu Lưu Ký... Và một bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư... Cùng thêm nhiều thứ khác mà tôi không nhớ hết. Chẳng hạn một số truyện thiếu nhi, chuyện Tàu, chuyện kiếm hiệp. Về sau (1959) anh còn đặt mua dài hạn  bán  nguyệt san Thời Nay, tạp chí chuyên cung cấp kiến thức phổ thông. Cho dù tôi ở thôn quê, nhưng nhờ anh Chính, mớ kiến thức hiểu biết của anh em tôi đã chẳng thua sút với đồng lứa ở thành phố bao nhiêu. Ngoài ra, còn một vài cuốn mà tôi không thể nào quên, bởi vì nó là bầu bạn của tôi trong suốt thời ấu thơ. Như bộ Cổ Học Tinh Hoa của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân. Một số sách của Nguyễn Hiến Lê mà tôi hay đọc nhất là Đắc Nhân Tâm. Cuốn này là bản dịch cuốn How to Win Friends and Influence People của Dale Carnegie, một tác giả người Mỹ. Về thơ, đặc biệt là anh Cung, từ lúc nào, anh đã có một tập thơ dày cộm bằng cả cuốn tự điển, do chính tay anh chép. Đa số là thơ tiền chiến. Cứ dăm ba trang, tôi thấy có một cái bông hồng đỏ loét, cùng con bướm vàng vẫy cánh, chẳng biết anh đã đồ lại từ tạp chí nào. Còn anh Cương có một cuốn tập khá dày, ghi chép những đoạn văn hay từ những văn phẩm mà anh thích. Về truyện thơ, cha tôi cũng có một mớ, nhưng ông cất giữ cẩn thận. Vì ông không cho phép, cho nên tôi cứ đợi ông vắng nhà là mằn mò đọc lén. Số truyện thơ này gồm có Lục Vân Tiên, Trê Cóc, Cung Oán Ngâm Khúc, Lục Súc Tranh Công, Chinh Phụ Ngâm... và nhiều thứ khác. Lạ một điều là không có Kim Vân Kiều của Nguyễn Du. Lớn lên tôi đoán rằng, có thể cha tôi đã bị quan niệm đàn ông chớ kể Phan Trần, đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều..., khiến cho ông không thèm lưu giữ tập truyện này chăng. Tất cả văn phẩm của cha tôi đều cũ kỷ. Tuy đọc lén nhưng tôi phải cẩn thận, lật thiệt nhẹ sợ trang giấy bị gãy bể bất cứ lúc nào. Còn về báo, đã có chú Lý Quảng, người chồng sau của thím Tám, lúc đó chú là thôn trưởng. Hằng tuần, mỗi lần đi họp ở xã về, chú ghé ngang quăng cho nhà tôi một xấp, là nhật báo Công Dân. Có một mục mà tôi còn nhớ, là Kèn Thổi Ngược của Ngô Ganh.

          Anh Cung trong thời kỳ này vui nhất. Ngoài công việc nhà, anh còn là một huynh trưởng sốt sắn của sinh hoạt gia đình phật tử. Anh mang về rất nhiều sách truyện Phật Giáo. Anh chỉ không vui khi bị bắt phải gia nhập lực lượng thanh niên cọng hòa, do cố vấn Ngô Đình Nhu khởi xướng. Anh thừa hưởng tinh hoa nghề mộc của cha. Anh đã chế tác những món đồ nho nhỏ bằng gỗ, để chưng bày trong nhà. Như mô hình kỳ đài Phu Vân Lâu. Hoặc bộ lục xảo gồng 6 thanh gỗ nhỏ, được lắp ráp lại với nhau thành một khối trông rất đẹp mắt. 
          Có lần tôi bị anh Cung tộn một trận. Hình như tôi được sinh ra cùng với tính phản kháng. Thường nhìn ngược những vấn đề mà cuộc đời này định sẵn. Bữa đó anh Cung với mẹ đang bàn về phật pháp. Tôi ở bên cạnh chỉ nghe loáng thoáng. Bỗng dưng tôi nghe anh nói về từ bi hỷ xã, tôi liền vọt miệng chen vào. Từ bi hỷ xả cấy chi, từ bi hỷ mũi thì có. Anh nỗi nóng, cho tôi một bạt tai. Đúng là từ bi hỷ mũi. Anh tộn tôi để bảo vệ chân lý hỷ xã của anh thì đúng là hỷ mũi rồi.

          Thằng em út Kim Long, được anh Cung thương nhất. Dĩ nhiên vì nó là út cho nên được sự cưng chìu của cả nhà, kể luôn cha tôi. Khi anh Cung làm việc hay nghỉ ngơi, cứ mỗi lần có Cửu ở bên cạnh, thì anh Cung thường gọi Cửu, Cửu, Cửu...Do tập luyện trước, Cửu xướng lên dạ dạ dạ...Anh Cung làm người khó không. Cửu tiếp lời khó khó khó... Anh Cung làm chó dễ không. Cửu dễ dễ dễ...         

          Trong khi tôi đang ở bậc tiểu học, anh Cương đã lên trung học đệ nhất cấp. Cha tôi không cho anh vô Huế để thi vào trường công, mà bắt anh phải học trường tư là trường trung học tư thục Ưu Điềm gần nhà. Trường chỉ có tới lớp đệ ngũ. Anh là người cần cù chịu khó, nhưng thiếu may mắn. Anh học rất chăm, dù công việc nhà tất bật, nhưng lúc nào trong túi áo cũng có một cuốn sổ tay nhỏ ghi chi chít tóm tắt bài học. Lúc hở tay, anh lôi ra đọc lẩm nhẩm. Anh còn đúc tạ, tập thể dục hằng ngày. Anh có thân hình cân đối lẫn khuôn mặt đẹp trai nhất trong 5 anh em. Anh cũng có làm thơ, đóng thành một tập nhỏ với bút hiệu như con gái Dziệu My. Thơ của anh chỉ có sự cố gắng chớ không độc đáo. Chẳng hạn như về quê em một chiều đông nắng đổ, nhạc kinh thành réo rắt bước chân đi  mà anh sáng tác trong thời gian anh yêu chị Quế, người Quảng Trị.

          Tội ác lớn nhất mà tôi phạm phải trong thời gian này là đã đập chết con mèo có bộ lông màu vàng luốc của gia đình mà không ai biết. Tôi rất thương và coi nó như là người bạn thân thiết. Mỗi lần tôi ăn hay học, nó lẩn quẩn một bên và thường cạ tấm thân mềm mại vào hai ống chân tôi. Có cái gì ăn, tôi cũng cùng với nó chia phần. Tôi hay ôm nó ngủ chung. Điều này mẹ cấm, vì sợ bọ chét bò qua quần áo của tôi. Tôi thường ôm nó tung lên cao, bao giờ nó rớt xuống đất cũng bằng bốn cẳng chụm lại rất vững vàng. Bữa đó, tôi chọc giận nó. Nó quào tay tôi chảy máu. Tôi nổi hung lên, xách nó quật mạnh vào đống gỗ ở bên hông nhà. Chắc thân thể của nó bị đập vào chỗ hiểm. Vài ngày sau nó chết. Tôi chảy nước mắt. Anh Cương mang xác nó đem chôn dưới gốc cây bông mai. Hình ảnh này cứ bám siết tra tấn tâm hồn tôi, dù rằng chuyện đã ngót mấy chục năm.

          Có một đêm trăng, bốn anh em chúng tôi (thiếu anh Chính), ngồi với nhau phách tấu. Nói đủ mọi thứ. Anh Cương nhắc chuyện Ôm Cây Đợi Thỏ trong sách Cổ Học Tinh Hoa. Cả bầy đang hi ha vui thú, bỗng dì Thỏ của chúng tôi xuất hiện, vác cho mấy cây mía. Dì Thỏ là em họ xa của mẹ, cũng làm dâu ở làng tôi. Dì hỏi mẹ đâu. Mẹ tôi khi đó đang ở dưới bến lên tiếng chào dì. Dì bỏ chúng tôi bước theo mẹ nói chuyện. Anh em tôi nhìn nhau khúc khích. Huyền thoại hiện hữu. Anh Cung cạp mía hít hà triết lý.



          Quê tôi là làng Vĩnh An, thuộc xã Phong Bình, quận Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Đó là một dải đất nhỏ, phía tây bắc tựa sát vào hữu ngạn của sông Ô Lâu, phía đông nam là cánh đồng. Bên kia sông là làng An Thơ, xã Hải Kinh, quận Hải Lăng, thuộc tỉnh Quảng Trị. Tuổi nhỏ tôi gắn chặt với dòng sông này. Tổ tiên tôi làm nghề chài lưới. Đến đời ông vãi tôi, mới tấp vào làng này ngụ cư.

          Dòng họ Nguyễn-Đức của tôi gồm chưa tới mười nóc nhà rải rác dựng sát bìa sông. Cả làng đều kỳ thị châm biếm bươi móc chúng tôi là tụi cá chài. Họ coi chúng tôi là thứ dân ngụ, không phải dân chính thống của làng. Sự kỳ thị này còn nhắm vào cả người đã chết, bằng chứng những ngôi mộ của tổ tiên tôi chỉ được phép chôn ở tận đuồi của cánh đồng làng. Sau này nhờ thế lực tiền bạc của cha mẹ tôi, khi bà nội mất, mộ của bà mới được chôn ở giữa cánh đồng. Điều trái ngược là tôi nhìn cả làng chẳng có mấy nhà trội hơn nhà của tôi. Đa số đều cày sâu cuốc bẩm, nheo nhóc, thiếu ăn, lẫn thiếu học. Phản ứng của dòng họ tôi đều thầm lặng, theo chủ trương mọi sự do trời, ở hiền gặp lành. Mấy chú bác của tôi đã phản ứng như thế. Tôi khoái mấy bà o trong họ của tôi hơn, nhất là o Bệt. Ăn miếng trả miếng. O Bệt cùng chung với cha tôi một ông cố. O có nhan sắc, có hai đời chồng người ở làng. Chồng trước của o mất vì tật bệnh. Chồng sau là dượng Lục, khỏe mạnh, đẹp trai. Cứ mỗi lần có người khích bác tụi cá chài, thì o Bệt đáp tr bằng một giọng chanh chua nhọn sắc. Cha bây đừng phụ cá chài. Cúng cha cúng mạ mua hoài cá tau. Những lần như vậy tôi nhìn o với lòng cảm kích. Có lần quá phiền lụy vì sự kỳ thị này, cha tôi nói với bầy con. Tụi nớ có ra chi mô mà ngược ngạo. Tổ tiên mình đời trước làm quan đến tứ trụ triều đình. Nhưng vì anh em bất hòa, nên chi ông tổ trực hệ của mình mới thay tên đổi họ từ bỏ công danh, xuống sông ở làm nghề chài lưới. Đó là lần duy nhất tôi nghe cha nói về gốc gác của mình.


          Trên đường số một từ Huế xuôi bắc đến Mỹ Chánh, có con hương lộ rẽ về hướng phải, cặp sát hữu ngạn sông Mỹ Chánh (nhánh Ô Lâu tả trạch). Khúc sông này về đoạn dưới nhập chung lưu lượng với nhánh Ô Lâu hữu trạch ở ngả ba thuộc làng Phước Tích. Từ đây là một dòng Ô Lâu chảy về phá Tam giang. Hương lộ hầu như kèm sát theo dòng sông cũng chạy dài về tận phá. Mỹ Chánh, thuộc tỉnh Quảng Trị, là trung tâm chợ búa buôn bán trao đổi cho cả vùng này. Theo hương lộ qua khỏi Mỹ Chánh thì gặp nhánh Ô Lâu hữu trạch, con đường được nối bằng chiếc cầu sắt sàn lót gỗ. Qua cầu là làng Phước Tích, xã Phong Hòa, thuộc tỉnh Thừa Thiên. Về đến Mỹ Xuyên, con đường và con sông cách xa nhau. Đến làng Câu Nhi thì sông và đường cặp kè trở lại. Rồi chia cách lúc đoạn đường qua làng Trạch Phổ. Khi về đến chợ Ưu Điềm, sông với đường trở lại cặp song song. Sinh quán của bà nội tôi ở đây. Chợ Ưu Điềm còn được gọi là chợ Hôm, họp đông vào khoảng sau 12 giờ trưa. Là một trung tâm thị tứ tấp nập. Chợ có bến xe đò vô Huế. Xuống nữa là một dãy phố thuộc làng Hòa Viện, cùng xã với làng tôi. Từ dãy phố này, bước qua chiếc cầu sắt, có tên là cầu mụ Tú, bắc ngang con sông nhỏ chảy về từ làng Phò Trạch.

          Nơi đây bắt đầu địa phận làng tôi. Nơi có mồ mả tổ tiên tôi. Nơi bà con dòng họ tôi cư ngụ. Nơi cha mẹ tôi hoài thai tôi. Nơi anh em tôi một thời chung nhau vui buồn. Nơi nguồn thơ tôi khơi đòng. Nơi tôi đã trải qua thời thơ ấu với tự hào, mơ mộng, thương xót, đắng cay, đau đớn, bùi ngùi trộn lẫn: Vĩnh An.

          Ngay đầu làng, từ hương lộ chính có một con đường rẽ phải. Phía đối ngược là cái bến nước với ngôi nhà nhỏ có cửa hàng tạp hóa lèo tèo dăm món hàng của bác Điền tôi. Con đường này một bên, như đã nói, là nhánh song nhỏ từ làng Phò Trạch chảy về. Còn một bên là nhà cửa thuộc tổ 12 của làng. Lối này cũng dẫn vào ngôi chùa. Chùa mới xây sau đình chiến 1954. Ngôi chùa vì thế chẳng có gì cổ kính rêu phong như hình ảnh thường gặp trong sách truyện mà tôi đã đọc. Chùa không có chuông, cũng chẳng có sư trụ trì. Qua khỏi chùa, con đường chạy lên làng Phò Trạch. Đây là con đường chính để cho dân làng Phò Trạch liên lạc với thế giới bên ngoài. 

         Từ cái bến đầu làng có cái quán của bác Điền thì hương lộ chính và sông Ô Lâu lại tách rời ra. Dọc theo đường, cứ một khoảng, có một con đường xóm rẽ phải. Một con đường xóm là một tổ. Làng tôi có 12 tổ theo thứ tự từ số lớn đến số nhỏ, bắt đầu từ đầu làng cho đến cuối làng. Qua khỏi đường xóm của tổ mười thì đến một đám ruộng về phía tay phải. Đình làng nằm trơ trọi giữa đám ruộng đó. Chung quanh đình chỉ có một lũy tre đơn sơ vây bọc. Cũng như chùa, đình cũng mới được trùng tu. Về phía trái, từ con đường ra sát bìa sông Ô Lâu là đất đai nhà cửa thuộc làng Hòa Viện. Trong xóm đó có nhà của Thợ Độ làm nghề rèn. Khúc chạy qua trước mặt đình còn gọi là đường lụy. Gọi như vậy là vì khi lụt lội, khúc đường này bị nước chảy tràn qua trước nhất, khiến cho con đường hư hoại thường xuyên. Tôi hay trốn nhà theo đám bạn lên đây lội nước mỗi khi mùa lụt bắt đầu. Hết khúc đường lụy, hương lộ ngoặt góc 90 độ theo hướng đông, dân làng gọi khúc đường này là ngoẹo giàng xay, chạy bọc theo hướng bên hông phải của đình làng, còn phía trái là con hói bọc quanh cồn nổi. Đám đất này thường được trồng đậu bắp. Cũng trên khúc đường này phía tay phải, là nhà thờ họ Nguyễn (không có chữ lót), họ khai canh của làng, làm bằng phên tre, mái tranh, xiêu vẹo ọp ẹp. Từ con đường rẽ vào tổ 8 và 9 nơi có nhà thờ họ Hoàng đồ sộ. Hương lộ lại ngoặt lại hướng 90 độ, tức là trở lại chiều dọc như cũ đi thẳng về. Khu vực này, hương lộ chạy song song với con hói. Đây là giòng chính của sông Ô Lâu ngày trước. Bên kia là cồn nổi. Bên này là nhà Văn Thánh, về sau bị đập bỏ để xây nhà thờ Thiên Chúa giáo, cùng một dãy nhà xây khang trang, là nơi ăn ở của các chị thuộc giòng tu công giáo. Trường học cũng tọa lạc ở đây, do các chị phụ trách giảng dạy. Ngay phía trước mặt nhà thờ, chếch lên một chút, nằm sát đường là một ngôi miếu cổ gọi là miếu Ông. Thuở trước theo lời dân làng thì rất thiêng, nhưng khi tôi lớn lên thì ngôi miếu hoang phế. Nơi này tôi cùng tụi bạn tuổi nhỏ thường hay chơi trò trốn tìm. Trong miếu bụi bặm cùng mạng nhện giăng đầy. Trên bệ thờ đóng đầy phân dơi và chuột. Tôi thường bâng quơ là không biết thần linh đã bỏ đi đâu. Chếch xuống một chút, vẫn ở trước mặt nhà thờ, là bến chợ. O Bụi của tôi bị Tây bắn chết ở bến này. Mẹ thường răn đe anh em tôi đừng tắm ở đây. Sợ o Bụi bắt. Tôi tắm ở bến này nhiều nhất, vì bến nằm ngay phía trước trường học. Tôi chẳng hề sợ o Bụi bắt một tí nào, mà chỉ sợ đỉa. Sát bến gần bìa sông là quán tạp hóa của o Thị. Tiếp theo đó là miếng vườn của cha tôi mua lại của chú Hương Liên để cho anh Chính ra riêng. Khi chưa làm nhà cho anh Chính, miếng vườn này được trồng khoai. Trong vườn có một cây ăn trái duy nhất là cây khế còi.

          Trước khi đến tổ 6 thì qua con hói bằng cái cầu đúc. Vừa qua cầu đúc đã gặp ngay con đường rẽ vào tổ 6. Nhà tôi nằm sát cầu đúc, ngay ở ngả ba của con hói và sông Ô Lâu, đối diện với đường xóm tổ 6. Bên cạnh nhà tôi, là miếng đất của bác thợ Gạc, bác với cha tôi cùng chung một ông nội. Bác theo vợ về sống ở làng Xuân Viên, gần biển. Khi anh Càng, con của bác Lượng, cưới vợ ra riêng đã làm nhà trên miếng đất này. Khi anh Càng dọn đi, miếng đất được trồng bắp, thuốc lá... Kế đó là nhà của chú Anh. Ông chú họ này đã phát hiện tôi trốn học, chuồi vở bụi tre để đi chơi. Đối diện nhà tôi với nhà chú Anh bên kia đường là chụm nhà có chung một cái sân, là nhà o Lùn, nhà chú Hương Liên, và nhà ông Oanh. Ông Oanh có đứa con trai tên Hiền, cỡ anh Chính, theo Thiên Chúa giáo, thường hay hoát nạt người ta.

          Như vậy cho đến cuối làng. Cứ một con đường rẽ vào xóm là một tổ. Phía dưới nhà tôi một chút là ngôi nhà ngói của Cửu Vọng, giàu nhất làng, có đứa con trai tên Nẫm, tốt nghiệp kỹ sư Phú Thọ, Sàigòn. Sau đó Nẫm đã làm trưởng ty kiến thiết tỉnh Thừa Thiên một thời gian. Tôi chưa bao giờ gặp Nẫm trở về. Đối diện nhà Cửu Vọng là cái bến nước lớn. Bến được xây bằng xi măng có thang cấp hẳn hoi. Dân làng đặt tên là bến cửu vọng vì bến ở ngay trước mặt nhà ông ta. Còn xây dựng bến là do công của của dân làng đóng góp. Nơi bến này anh Cương cũng đã cứu dăm ba đứa trẻ suýt bị chết đuối. Đầu đường xóm vào tổ 5 có quán tạp hóa của o Nguyện. Xuống tổ 4, dọc theo hương lộ bên phải là nhà thờ họ Ngô cũng khá khang trang. Đối diện nhà thờ họ Ngô là một cái lầu cũ rêu phong, không biết có từ thời nào. Nếu có việc phải đi qua đó ban đêm tôi thường có cảm giác rờn rợn. Đầu con đường rẽ vào tổ 3 là quán tạp hóa của o Dọi. Nhà chị Lụt, vợ lớn của anh Chính ở trong này. Ngay đối diện con đường rẽ vào tổ 2, có con đường dẫn ra cái bến ở bờ sông. Bên cạnh cái bến này là xóm nhà của bác Lượng, anh Túc, anh Hồ... họ hàng của tôi. Từ đây cho đến cuối làng, một bên cặp bờ sông là ruộng biền, còn một bên là nhà cửa của tổ 1. Cuối làng có một con hói vắt ngang. Con hói này chính là con hói ở nhà tôi sau khi chảy bọc ra sau cánh đồng lại chảy vòng ra đây, nhập vào sông Ô Lâu ngoài kia. Đường xóm của tổ 1 cặp theo con hói này. Bắc qua con hói cũng là cái cầu sắt được gọi là cầu Tùng Thị. Qua sát múi cầu, nằm bên mé trái là nhà của chú thợ Bảng làm nghề rèn. Nơi đây có con đường cặp bờ ruộng dẫn xuống bờ sông đến bến đò qua làng ngoại của tôi.

          Hương lộ vẫn chạy hút xuống phía dưới. Từ cầu Tùng Thị nhìn về là vòng cung ruộng đồng ngát xanh. Phía cuối của hương lộ trước khi vào làng Vân Trình, còn gọi tên làng Rào, quê ngoại của một vì vương sính thơ triều Nguyễn, là cây xoài cổ thụ, dù trải qua bao tai biến, với cái tàng xanh to tròn vẫn bình yên đứng đó. Nhìn xa hơn nữa, đột khởi hai ngôi nhà thờ đạo Thiên Chúa như hai ngọn tháp của làng Thanh Hương. Một cái tháp đôi, một cái tháp một, sừng sững chọc thẳng vào nền trời. Đó là cái nhìn bao quát về làng tôi trong những năm cuối của thập niên 1950.

          Trở lại với nhà của tôi.

         Nhà ở ngay ngã ba sông Ô Lâu và con hói. Phía sau là triền sông lở. Phía bên kia con hói là miếng đất hương hỏa của giòng họ tôi. Nhà thờ họ của tôi tọa lạc trên miếng đất này. Ngôi từ đường quay mặt ra hướng bờ sông. Đứng bên cạnh, gàn con hói, có thêm một cái miếu nhỏ.

          Khi đủ trí khôn, tôi còn nhớ ở phía sau nhà mình vẫn còn một khoảng đất khá rộng từ thềm nhà ra sát bờ sông. Dọc bờ sông là những bụi tre được cha tôi trồng để giữ đất. Thêm vào đó có hai cây sầu đông đứng gần nhau, tiếp dọc theo là một cây bàng và một cây bưởi hiếm khi có trái. Mẹ thường hái lá bưởi để luộc chung với ốc. Tiếp giáp với miếng đất bỏ không của bác thợ Gạc là cây quao. Nằm sát với chuồng heo là cây ổi do cha tôi lấy giống từ làng Thanh Hương mang về rất sai trái. Còn lại là chuối sứ, chủ yếu trồng để nuôi heo, còn lá thì để mẹ tôi gói bánh.

          Cứ mỗi mùa nước lũ, mảnh đất phía sau của nhà tôi lở thêm một ít. Cứ thế, từng bụi tre trầm mình xuống sông chỉ còn thấy những cái đọt khẳng khiu khô queo, chỉa lên từ mặt nước, cùng dăm ba cánh chuồn lẻ loi. Tôi thường ngồi tựa lưng vào thềm nhà nhìn sững khung cảnh đó. Cánh chuồn, đọt tre khô, hòa với mặt sông gợn sóng xao xác, tôi buồn vô hạn. Tôi cứ lẩn thẩn rằng chắc trên mặt đất này không có nơi chốn nào hoang vắng, quạnh quẽ bằng nơi đây.

          Khoảng cách từ thềm nhà phía sau ra bờ sông theo thời gian thu hẹp lại dần. Tôi xót xa khi nhìn từng mảng đất lở mất đi. Tôi tự hỏi tại sao cha mẹ mình không bỏ chỗ này, kiếm miếng đất khác. Miếng đất cũng khắc họa rõ cuộc đời của cha mẹ tôi, phải chống chọi từ trăm phía. Miệng tiếng của dân làng về nơi phát tích của mình. Sự bào mòn quanh năm của thiên nhiên. Có gì nơi đây mà cha mẹ tôi cùng họ hàng tôi phải bám trụ. Phải có một cái gì thiêng liêng lắm mà tôi chưa nhìn ra. Trước kia theo lời cha, khi mà sông Ô Lâu chưa đổi giòng, thì đất nhà tôi là đất bồi, ẩm thấp, nằm sát với mé nước. Cha mẹ tôi đã bỏ bao nhiêu công sức để tu bồi. Từ chỗ bùn lầy mấp mé mặt nước, cha mẹ tôi biến thành cái nền đất cao ráo cùng một ngôi nhà tương đối khang trang.

          giữa cái sân của nhà tôi và hương lộ khi trước là một miếng đất trủng. Trời mưa, nước đọng thành cái ao con. Có hàng chè tàu làm cái hàng rào phân định giữa nhà tôi với con đường cái. Trên cái ao này, cha và anh làm một cái dàn tre cao để cho bầu bí leo. Về sau cha tôi thuê người chở đất về lấp bỏ cái ao con để mở rộng cái sân ra. Cửa ngõ nhà tôi nằm sát múi cầu, nơi có bụi tre già um tùm đứng chen với cây sầu đông cổ thụ. Sát với hàng chè tàu là một vườn bông nhỏ nhắn. Anh em tôi trồng hai cây bông mai. Quanh hai gốc mai là dăm cụm bông như thược dược, vạn thọ, mồng gà, mười giờ. Nhích qua một vài bước là cái đụn rơm khô, nguồn năng lượng cho cả nhà. Nơi đó còn có một cây ổi già nhưng trái nhỏ tí. Phần đất còn lại sát với hàng chè tàu, được mẹ trồng tía tô và é chanh để làm gia vị cho những bữa ăn. Khoảng năm 1959, anh Chính đã mang về từ Phò Ninh, nơi anh dạy học, hai cây phượng nhỏ. Một cây bông đỏ, một cây bông vàng. Cả hai cây được mẹ trồng chung với hàng tía tô.

          Nhà tôi là ngôi nhà tranh khá rộng gồm một gian hai chái. Nhà có một cửa sổ lớn ở chính giữa. Hai bên là hai cửa ra vào. Gian giữa đặt một bộ ngựa bằng gỗ quí lâu ngày đã lên nước bóng láng. Sát cửa sổ là một cái bàn được dùng để ăn cơm, tiếp khách, và cũng là nơi cho anh em tôi học hành. Phía trong bộ ngựa là một cái tủ thờ nhỏ. Trong tủ chứa đầy sách truyện. Trong cùng là bàn thờ chính, được cha tôi đóng lên như một cái bệ. Vì quá cao, nên mỗi lằn thắp nhang, cha phải bắc ghế đứng lên. Bên dưới có chiếc giường bố rộng là chỗ ngủ của cha tôi. Gian trái là nơi cha tôi làm việc, chỉ dành một khoảng nhỏ phía trong, anh Cương ngăn lại để làm phòng học. Gian phải, sát bộ ngựa là cái giường rộng, chỗ ngủ của mẹ tôi, tôi với đứa em út. Sát giường vào phía trong là cái sập. Sinh thời bà nội tôi nằm trên đó. Trong nữa là cái buồng con, dành riêng cho vợ chồng anh Chính.

          Phía tay phải của ngôi nhà từ ngoài nhìn vào, cha tôi làm thêm một cái nhà ngang để dùng cho bếp núc, nơi xay lúa làm gạo, và cái chuồng heo. Miếng đất sát bên hông nhà ngang là vườn rau. Mẹ trồng nhiều thứ như ớt, cải, môn..., nhưng nhiều nhất là khoai lang. Đọt khoai lang luộc chấm với nước ruốc do mẹ làm là món tôi thích nhất. Miếng cơm và với rau, kèm dăm ba lá thơm, cùng với nửa trái ớt đỏ, thì có gì sướng bằng.

          Tuy cha tôi làm nghề mộc, dĩ nhiên bên trong nhà, cột kèo được người dựng lên bằng gỗ tốt, nhưng vách nhà lại là những tấm phên tre được trát bằng phân trâu. Có lần tôi hỏi cha sao mình không làm bằng gỗ, thì cha tôi nói làm bằng phên tre thì nhà mát mẻ hơn.



          Trái hẳn với anh em tôi là những kẻ siêng năng. Tôi là một đứa nhỏ biếng nhác thường trốn việc nhà, trốn học. Điều tôi thích thú là đọc sách và lang thang.

          Thiên hạ có câu cha truyền con nối, tôi thấy không được đúng với trường hợp của mình. Tôi chẳng có một tí gì thích thú về cái nghề thợ mộc của cha. Lại vụng về, cứ mỗi lần cha sai việc là tôi mang họa, nếu không bị đứt tay vì đục chàng, thì tôi cũng sướt chân vì cưa búa. Tay con là tay lục bại. Cha mẹ thường gọi tôi như thế trong những lần tôi gây tai nạn cho chính mình. Có lần, nhằm mùa gặt, tôi theo mẹ ra đồng. Bổn phận của tôi là chỉ đứng chơi, đồng thời rình xem thử mấy người đi mót lúa có ăn cắp lúa của mình không. Nếu thấy thì la lên. Tự dưng tôi nỗi hứng nhào xuống ruộng, dành lấy cái vằng của một người thợ gặt. Tôi thấy người ta làm sao thì tôi theo vậy. Trước hết đưa cái móc vằng ra quơ bụi lúa lại. Rồi bàn tay trái xòe ra nắm lấy bụi lúa. Tay phải thì đưa cái lưỡi vằng vô để cắt. Có chi mô. Thiệt là dễ. Nhát vằng đầu tiên của tôi cũng là nhát cuối cùng của bữa đó. Thay vì cắt lúa thì tôi cắt vào ngón tay trỏ của bàn tay trái mình. Vết thương khá sâu ngay cái mắt thứ hai. Cha tôi rầy răng khôn đứt luôn cả ngón cho rồi. Bây giờ vẫn còn vết sẹo nhỏ nơi ngón tay tôi.

          Trước khi đi học tôi bị một trận đau nặng. Bệnh ở đường ruột. Cha mẹ tôi đã mời hết thầy thuốc trong vùng nhưng họ đều bó tay. Quanh năm trong nhà tôi luôn bận rộn, không ngớt việc. Tôi bệnh hoạn là một trở ngại lớn cho công việc gia đình. Mẹ phải mang tôi vào bệnh viện Huế điều trị. Cha đi mượn chiếc tròng  của chú Anh. Tôi được chở ngược theo sông Ô lâu, lên tới Mỹ Chánh. Từ đó mẹ bồng tôi đón xe đò vô Huế. Tôi nằm ở khu dành riêng cho nhi đồng. Mẹ và anh Chính thay phiên nhau trông chừng tôi. Bệnh viện nằm trên đường Lê Lợi, sát với tòa hành chánh tỉnh. Những lần tỉnh táo, mẹ dẫn tôi ra công viên, ngay trước mặt bệnh viện ngồi chơi. Nơi đây cũng là bến đò Thừa Phủ, có cây ngô đồng cổ thụ rợp bóng. Hai mẹ con thường ngồi ở cái ghế đá nhìn xuống bến đò. Trời đất Huế thanh vắng. Nhìn qua bến bên kia cũng có một tàng cây xum xuê lá như bên này. Nhìn xa nữa là dãy trường thành rêu phong. Đột khởi là kỳ đài Phu Văn Lâu cao ngất đang phất phơ ngọn cờ vàng. Mẹ chỉ dãy trường thành rồi bảo. Hồi trước vua ở trong nớ đó con. Tôi vẫn lặng lẽ quan sát. Xa theo phía núi là cầu Bạch Hổ đen sì, không một bóng người. Nhìn về là cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp trắng xóa sang trọng, nhộn nhịp xe cộ qua lại. Bên kia phố chính rộn ràng. Cặp bờ sông có vô số con đò có mui che đậu cặp sát nhau. Mặt sông Hương xanh biếc, lặng lờ, rộng gấp mấy lần con sông Ô Lâu nhỏ bé của tôi. Con muốn đi qua bên nớ. Tôi nói với mẹ. Mẹ bảo lúc nào con lành thì mạ dẫn đi.

          Khi tôi gần bình phục thì mẹ phải trở lại nhà lo công việc. Anh Chính vào trông tôi. Ngày tôi xuất viện, anh Chính chở tôi đi chơi. Hai anh em qua dãy phố chính là đường Trần Hưng Đạo. Anh mua cho tôi một bộ quần áo mới. Anh lại dẫn tôi vào nhà sách. Tôi nhìn những kệ sách sắp xếp tề chỉnh với lòng thèm thuồng. Ước chi nhà mình cũng có nhiều sách như rứa. Đến chiều thì anh đưa tôi vô thành nội. Tôi hỏi anh chỗ vua ở nằm chỗ nào. Anh bảo là vua ở trong Đại Nội. Tôi đòi đi thì anh bảo. Tối hung rồi, để khi mô đã. Đêm đó anh em tôi ngủ ở nhà ông thầy Tế, chung quanh nhà có nhiều cây nhãn già cỗi. Hôm sau hai anh em tôi phải đi sớm cho kịp chuyến xe lửa. Tôi tiếc hùi hụi, bụng ấm ức vì không vô được trong Đại Nội. Anh chở tôi ra khỏi thành nội qua ngả cửa Ngăn. Buổi sáng sớm chìm lặng, không một bóng người. Cửa Ngọ Môn đập vào mắt tôi kiêu kỳ rực rỡ. Đẹp chi lạ. Đúng như hình ảnh ngọ môn năm cửa chín lầu mà tôi từng nghe mẹ kể. Hai bên cửa Ngăn là hai ụ súng thần công khổng lồ. Anh chở tôi ra ngược lại phố, qua cầu Trường Tiền, dọc theo đường Lê Lợi, lên thẳng ga xe lửa.

          Tôi ngồi ở chỗ gần cửa sổ. Hai mắt cứ dán miết vào cảnh vật. Khi tàu hú còi chạy, tôi giật thót người. Mọi cảnh vật lùi dần về phía sau. Tất cả đều lạ lùng thu hút. Tôi phát hiện ra núi cũng loang lở, khô cằn, chứ không chỉ là một màu xanh thuần khi tôi nhìn từ xa. Đây đó cũng là những sinh hoạt vất vả như quê mình. Tới ga Đông Giạ, thì hai anh em tôi xuống. Anh Chính đưa tôi đến nhà người vợ thứ hai của anh. Từ ga xe lửa này về đường số 1, là con hương lộ cặp theo bờ sông Bồ. Hôm sau anh em tôi xuống Phò Ninh, nơi anh Chính dạy học. Bấy giờ là mùa hè. Trường của anh Chính đóng cửa. Trường là một dãy nhà dài, bề thế, mái ngói, có sân rộng. Chung quanh trường có nhiều cây cối. Nơi đây lại có nhiều ve sầu. Thiệt khác với trường làng tôi.

          Khi trở lại nhà, tôi vẫn tiếp tục dưỡng bệnh. Ngày ngày chị Huyền, chị bề trên ở đây ghé nhà chích thuốc cho tôi. Gần như một năm sau mới thôi. Tôi nhát gan, sợ đau. Cho nên cứ mỗi là phải chích là một cực hình. Mẹ khuyên gắng đi, đau hơn chết con ơi.
         
          Cùng thời gian này, bà ngoại mất. Trong lúc bà ngoại nằm bệnh, hầu như buổi tối nào, sau khi xong công việc là mẹ cũng đi qua săn sóc bà. Mỗi lần đi, mẹ dẫn một đứa chúng tôi theo. Có khi cả nhà cùng đi. Tôi lúp xúp chạy theo mẹ. Buổi tối, chuyến đò ngang thường không có. Mẹ đứng bên bờ này gọi sang. Những gia đình ở gần bến đò cũng là những cậu, những dì bà con xa của chúng tôi. Nghe tiếng mẹ, những người này chống thuyền cho chúng tôi qua bờ. Những đêm không trăng, trời tối. Chung quanh tôi, những lùm cây thân thuộc ban ngày, trở thành những cái bóng kỳ dị đe dọa. Đêm có trăng thì thiệt kỳ ảo. Mọi cảnh vật bình thường ban ngày được bóng trăng choàng thêm một lớp ánh sáng mỏng lấp lánh. Khi ngồi bên triền sông lở hoặc khi đã bước xuống đò, tôi thấy bóng trăng và giòng sông hòa nhập nhau, vờn trên mặt sông là vô số miểng trăng đuổi theo nhau, chan hòa bất tận.

          Qua bến đò, theo đường cái, xuống một đoạn ngắn, gặp quán tạp hóa của dì Liên. Bên cạnh là con hẻm nhỏ. Con hẻm này dẫn vào xóm nhà bà ngoại. Bà ngoại vẫn nằm trên chiếc giường tre quen thuộc ở bên gian trái. Hai bà dì vẫn ngồi hai bên, khuôn mặt chĩu nặng buồn phiền. Chị Thợ mới qua. (vì ba tôi là thợ mộc, nên bà con bên ngoại thường gọi họ là anh thợ, chị thợ hoặc tùy vào vai vế mà gọi cho thích hợp). Mạ chừ ra răng. Cháu tới cho mệ rờ. Trao đổi giữa mẹ và hai dì lúc nào cũng chừng đó. Tôi bước đến giường, cầm tay bà ngoại. Bàn tay của bà nóng ẩm, xương xẩu, chai khô. Tôi vốn nhạy cảm, thường bỏ ra ngoài hè, nước mắt trào ra. Bà ngoại mất vào buổi sáng sau đó mấy hôm. Khi bà đi, không có chúng tôi bên cạnh. Bên ngoại cho người qua tìm, khi đó mẹ đang ở ngoài cánh đồng. Mẹ bỏ việc trở về nhà, rồi dẫn Kim Long đi theo. Tôi phải coi nhà, đợi cha với các anh. Khi tôi có mặt, trong nhà của bà ngoại đã đông đảo bà con tụ họp. Ngay gian giữa là bàn thờ với cái thánh giá. Bên trong là cái hòm trắng, phía trên nắp có một hàng nến trắng đang cháy đỏ. Vì bà ngoại theo đạo thiên chúa, nên nghi lễ không có nhang khói. Một số bà con đạo hữu quì phía trước đọc kinh cầu nguyện. Tôi nhìn vào cái giường quen thuộc, nơi bà ngoại thường nằm. Không còn bóng dáng thân thuộc của bà. Giường được trải chiếu mới, trên đó có mấy khay cau trầu. Tôi nhìn vào hòm gỗ. Mệ ơi, mệ đi mô rồi. Một bà dì họ vỗ về tôi. Cháu đừng khóc, mệ đi lên trời với chúa. Tôi chạy ra đụn rơm phía bên hè nhà khóc ngất. Tôi nhìn ngược lên trời, ngắm từng phiến mây. Tôi tìm kiếm coi phiến mây nào là bóng hình bà ngoại của tôi.

          Tôi không nhớ buổi đầu tiên đến trường của đời mình. Làng tôi chỉ có trường sơ cấp, tới lớp 3. Trường nằm gần nhà thờ, là một dãy nhà nhỏ có hai phòng, được xây bằng xi măng, mái lợp tôn. Hai phòng được ngăn bởi một vách ván mỏng, có cái cửa nhỏ thông nhau. Sân trường là một khoảng đất khiêm tốn. Ngay ở giữa sân có cột cờ. Mỗi buổi sáng chúng tôi phải làm lễ chào quốc kỳ, và suy tôn Ngô Tổng Thống. Bên cạnh sân trường có một cây bồ đề lớn, rất nhiều cành, đủ để cho chúng tôi leo trèo. Qua khỏi lớp 3 thì học trò phải đi qua làng Phò Trạch, hay Vân Trình để học nốt bậc tiểu học. Trường do các chị thuộc giòng tu thiên chúa giáo đảm trách, dạy dỗ tận tâm, nghiêm khắc theo chủ trương tiên học lễ, hậu học văn.

          Trong chiến tranh đa số đều thất học. Khi hòa bình lập lại, phải mất đôi ba năm làng mới xây dựng được trường ốc. Do đó, bọn nhỏ chúng tôi đến trường với số tuổi rất chênh lệch nhau. Lớp nhỏ nhất của trường là lớp mẫu giáo cùng lớp năm ngồi chung lẫn. Có đứa cao hơn tôi cả cái đầu. Có đứa chỉ ngang vai. Sau một thời gian học hành, các chị thấy khả năng của từng đứa như thế nào mới sắp xếp lại. Cũng vì sự sắp xếp lại này mà tôi bất mãn. Tôi tự thấy trình độ mình là phải được lên lớp năm. Rứa mà các chị bắt tôi phải ngồi lại lớp mẫu giáo. Bởi vì khi đó tôi đã đọc truyện làu làu. Tôi phàn nàn cùng mẹ. Điều trái ngược là mẹ cũng thuận theo sự sắp xếp đó. Tôi có thái độ riêng của mình. Tôi cũng rời nhà đến trường theo thời khóa biểu như những đứa trẻ khác. Nhưng thay vì đến trường thì tôi lại bỏ đi chơi. Lúc nào nghe tiếng trống tan học thì tôi lại trở về nhà. Tôi thường trốn ở cái nương của nhà thờ họ Nguyễn Đức của tôi. Thường lệ, tôi ôm cái bao đệm đựng vở chuồi vào trong một bụi tre kín đáo. Rồi tôi chơi một mình, vừa chơi vừa canh chừng, sợ bị người bắt gặp. Chơi chán, tôi chui vào trong một lùm tre, lấy lá chuối lót làm chỗ nằm. Mơ mộng viễn vông. Bấy lâu nay, tôi cứ tưởng mặt đất luôn yên vắng. Khi nằm sát xuống, tôi nghe từ đất phát ra nhiều tiếng, nhiều âm thanh. Tiếng bò rột rạt của rắn mối, tiếng tắc lưỡi của cắc kè, tiếng lá cọ vào nhau khi có làn gió nhẹ thoảng qua. Tiếng chim ríu rít trên cao. Qua kẽ lá là từng mảng trời biếc xanh. Tôi chỉ giật mình khi nghe tiếng trống bãi trường. A lê hấp, tôi vùng dậy, đến nơi tôi cất dấu bao vở, lấy trở ra, thơ thới về nhà ăn cơm.

          Thiên bất dung gian. Một bữa tôi đang thoải mái, nằm xoải cẳng ra trong giang sơn thân thuộc của mình bỗng có tiếng người. Thằng Đái răng mi nằm ở chỗ ni. Răng mà mi khôn đi học. Tôi vùng dậy, ấp úng không nói được, tật cà lăm khiến tôi câm luôn. Thì ra chú Anh, ông chú họ của tôi. Bữa đó chú đang lui cui chặt hóp để chẻ lạt. Chú lại chui vào ngay bụi tre, nơi tôi cất dấu bao vở. Chú nhìn thấy, cúi xuống lượm lên. Chú quay lại nhìn tôi với đôi mắt nghiêm khắc. Rứa ra mi trốn học chuồi vở bụi tre. Chẳng nói thêm một lời nào, chú thả cái rựa trong tay xuống đất. Một tay chú cầm bao vở, tay còn lại chú xốc nách tôi. Chú kéo tôi thẳng về nhà.

          Tôi bị một trận đòn của cha, kèm theo lời phụ họa của mẹ, cùng cả gia đình. Tuy thế tôi vẫn chưa chịu đi học. Tôi được trói lại gánh đến trường. Mẹ bỏ công việc bận áo dài đi theo sau.

          Sau biến cố này, tôi được kềm cặp kỹ lưỡng hơn bao giờ. Tôi lại đến trường đều đặn. Dù vậy, tôi vẫn thấy nhà trường là nơi tù túng, không thích hợp với mình, mặc dù tháng nào hầu như tôi cũng đứng đầu lớp. Bởi vì nếu tôi tụt xuống phía sau một vài đứa, thế nào tôi cũng không thoát nỗi roi vọt của cha và mấy người anh.

          Thường khi ngoài giờ học ở trường, tôi phải ở nhà học thêm dưới sự kềm cặp của mấy anh tôi. Đặc biệt là anh Cung, ông anh này ra bài cho tôi túi bụi. Với lời răn đe là phải xong rồi mới được đi mô thì đi. Bài tập thường là dăm bài toán đố, thêm một bài luận tả những sự kiện gần gũi chung quanh. Đặc biệt, trong những bài luận này, đôi khi anh Cung lựa ra một vài câu đem ngâm nga. Tôi chỉ còn nhớ ít câu trong bài luận tả cảnh cày ruộng. Con trâu lội bì bõm giữa đám ruộng đầy nước bạc. Bác nông phu mệt nhọc trán đầy mồ hôi. Tuy chặt chẽ như vậy, rứa mà tôi cũng xong phận sự, vẫn có thì giờ trốn đi chơi. Lần nào cũng vậy.

          Ngoài giờ phải đến trường học, giờ ăn, giờ phải làm bài tập ở nhà. Tôi thường hay thơ thẩn ở bờ sông. Đôi lúc ngồi ghe câu bơi ra giữa giòng, nhìn lên cồn Nổi. Gọi là cồn Nổi là bởi vì đó là cù lao đất nằm giữa sông Ô Lâu. Hồi trước khi sông Ô Lâu chảy về đến khúc này, thì giòng chính là khúc sông phía trái (tức là nhìn từ phía nhà tôi nhìn lên) phân chia làng tôi và làng An Thơ bên kia sông. Còn khúc sông phía bên phải chỉ là con hói nhỏ. Lâu dần lưu lượng giòng nước đổi thay, phía con hói trở thành khúc sông chính. Trên cồn thường trồng bắp, dăm thứ đậu và ớt. Giòng Ô Lâu mất biến trong tầm mắt. Nhìn xa hơn thấy rặng trường sơn hùng vĩ ngắt xanh. Nhìn ngược lại phía hạ lưu, sông mất hút sau những khúc quành cũng màu xanh bởi những bãi chuối và tre. Hai bên bờ là những lùm nga (lau sậy, lá giống lá mía) xào xạc phất phơ. Ngồi sững trên ghe câu, đôi khi còn nằm dài. Tôi cảm thấy thật đã, bất cần mọi sự. Đôi mắt nghiêm nghị của cha. Lời rầy rà của mẹ. Roi vọt của mấy người anh...Những thứ đó nhường chỗ cho xao xuyến, chơi vơi, lâng lâng...

          Cánh đồng cũng là một cám dỗ mê hoặc lớn. Con hói cạnh nhà tôi chảy thẳng ra đồng. Con đường xóm tổ 6 cặp theo con hói này. Con hói cạn, trong vắt, tôi nhìn thấu tận đáy. Đây đó là những đám rong vướt lên mặt nước. Những chiếc lá khô trôi chậm rải lờ đờ. Dăm ba con cá nhỏ bằng ngón tay ngoe nguẩy, tung tăng. Bên kia hói là nhà của ông Hoàng. Vườn nhà ông có cây khế ngọt, tuy được ông rào kỹ lưỡng, nhưng đám bạn rắn mắt của tôi cũng chui vô hái trộm nhiều lần. Tiếp liền theo theo là miếng vườn của anh Dương, anh họ tôi. Dọc theo con hói bên này là nhà cửa của xóm giềng. Tôi có hai đứa bạn học ở đây. Đó là Phụng con của thím Dàng. Phụng khôn lanh, thích đọc sách. Hết lớp 3, Phụng theo người o ruột vô Huế. Còn Bàng, con của ông Lỗ. Bàng thân với tôi hơn. Bàng cũng bị cà lăm. Tuy còn nhỏ nhưng Bàng phải làm việc như một người lớn. Ngoài việc học, Bàng còn phải chăn một bầy trâu. Vì làm việc nhiều, quá sức mình, thân hình của Bàng quắt lại. Bàng rất tốt bụng. Những lúc tôi phải nghỉ học vì đau ốm, Bàng thường chép bài học dùm. Mỗi lần Bàng chăn trâu, tôi thường cỡi lên lưng trâu của bạn ngồi chung. Tôi sợ đỉa, mỗi lần bị đỉa đeo vào chân, tôi thường la bai bải. Bàng thản nhiên ngửa bàn tay ra, nhổ vào tí nước miếng rồi cúi xuống chân tôi. Bàng đưa bàn tay thoa vào con đỉa. Tự dưng con đỉa như mất sinh lực rụng xuống tức thì.

          Tôi thường ra đồng bằng con đường xóm này. Cuối đường có mấy cây mưng. Đọt mưng chát tôi thường hái chấm muối ăn. Bông mưng đẹp hơn. Từng chùm buông thỏng như xâu chuổi, chảy dài, chi chít những cánh hoa tím đỏ. Con hói chảy ra tới bờ ruộng thì ngoặt trái, cùng với con đường. Con đường này cũng chạy tới cuối làng, dành cho trâu đi. Muốn qua tới đồng, tôi phải đi qua cái cầu tréo. Cầu chỉ là một cây tre già nằm vắt ngang. Được nâng đỡ bằng hai cái nạng cũng bằng tre đóng chéo nhau, có một nhánh nạng trồi lên cao, ở giữa lòng con hói. Bên nhánh trồi cao có một cây tre nhỏ buộc vào để làm tay vịn. Nơi đây thì phong cảnh nặng mùi, chẳng nên thơ tí nào. Dân quê tôi thường ít nhà có cầu tiêu riêng. Bạ đâu đi đó. Cái cầu tréo này, cũng như những bờ ruộng gần xóm, cũng là nơi cho dân trong xóm ngồi phóng uế. Mỗi lần bước qua cầu, tôi chỉ dám nhìn thẳng đồng thời nín thở. Vừa bước tới bờ đất là tôi nhắm hướng, men theo mấy bờ ruộng chạy một mạch, bất kể lá lúa quất sướt vào hai ống chân chảy máu. Khi cách một khoảng xa, cảm thấy an toàn tôi đứng lại thở phào. Sướng chi lạ. Nghĩa địa nằm giữa cánh đồng. Tôi thường nhảy nhót từ gò mả qua gò mả kia. Đôi khi nằm lăn, quần áo dính đầy bông cỏ may. Đôi khi trèo lên gò mả cao ngồi nhìn chung quanh. Vẫn những khung cảnh quen thuộc. Vẫn màu xanh của lúa tiếp giáp cùng nền trời. Vẫn những con trâu đang nhẫn nha gặm cỏ trên mấy gò mả chung quanh. Vẫn bóng dáng cần mẫn của dân làng đang còng lưng làm việc. Nhìn vào thôn xóm, vẫn những mái nhà tranh yên vắng. Nhìn qua hướng đông là ngôi mả đôi cao ngất của họ Hoàng. Xa hơn nữa là lũy tre lờ mờ của làng Cồn, tức làng Siêu Quần. Làng này và làng tôi có hiềm khích. Trẻ chăn trâu của hai làng cứ gặp mặt là đánh nhau. Lắm khi có sự can dự của người lớn. Có một thanh niên làng tôi đã chết vì sự đụng độ mà tôi cho là rất vô lý này. Địa giới giữa làng tôi và làng Siêu Quần có một cây Dưới với tàng lá nhỏ tròn chi chít. Có người nói ma họp chợ ở dưới gốc. Nhìn qua hướng đông nam là lũy đất chạy dài cây cối xum xuê, gọi là rồn, của làng Phò Trạch, còn có một tên nôm na nữa là Cấy Phù, trù phú và văn vật hơn làng tôi. Bởi vì làng này có nhiều nhà giàu, với không ít người có bằng cấp. Ngay giữa cánh đồng có một gò đất nổi cao. Trên chóp gò trồng một bụi tre già lớn, là Bụi Trái Một. Hằng năm thường có cúng tế ở đây để cầu trời cho mưa thuận gió hòa. Cánh đồng còn có thêm một gò đất nữa, nằm gần phía sau xóm tổ 10. Trên có nhiều cây cổ thụ. Cách phối trí đẹp mắt. Trông giống như một hòn non bộ khổng lồ. Đó là Hòn Mô.

          Tôi thường ngồi lặng. Tôi thấy tâm hồn mình dàn trải theo cánh đồng. Tuyệt diệu nhất là mùa lúa phơi mao. Khi đó giữa mặt ruộng xanh nối tiếp không gian là lớp sương mù trắng mỏng. Tôi tưởng chừng như cánh đồng là đại dương. Huyền xanh nắng ruộng mưa cồn. Sầu đưa biển trắng triều mồn một phơi. Mười mấy năm sau hình ảnh này bùng lên trong Giữa Triền Hạn Reo.

          Ngồi chán chê, tôi đi nhập bọn với bạn bè chăn trâu, moi ốc bắt dế. Mạo hiểm hơn thì đứa cỡi lên lưng trâu và đứa đứng dưới lấy roi thọc dái trâu khiến cho trâu nhảy. Vài người lớn làm lụng ở gần đó khi nhìn thấy tôi thường mỉa mai. Con của ôn thợ (àm chỉ cha tôi thợ mộc) sướng thiệt, chỉ biết đi học và đi chơi.

          Khi tôi trở về nhà nếu gặp mẹ trước thì không sao. Con cứ đi lêu lêu, không chịu ở nhà học hành. Nhưng nếu gặp cha hay mấy anh thì thôi khỏi nói. Anh Cung sừng sộ mi mần bài tập hết chưa. Anh Cương thì đi bẻ cho tau cây roi để tau đuổi gà. Tôi hăng hái chạy ra bụi hóp bên hông nhà bẻ liền một cây mang vào cho anh. Anh Cương cầm cây roi, thay vì đuổi gà như anh nói, quay sang tôi, chỉ vào bộ ngựa giữa nhà. Mi nằm lên đây. Tôi nằm sấp xuống đưa cái mông lên. Anh Cương hạ thủ. Cứ xong một roi là anh nói. Đi chơi nì, đi chơi nì. Tôi bị khoảng chừng dăm ba roi. Cha và anh Cung đưa mắt nhìn cổ vũ. Đần cho chết, hết đi chơi. Xong rồi, anh kiểm soát bài tập, thì thứ gì tôi cũng làm xong và đúng hết. Thế là tôi phải lãnh thêm một mớ bài tập khác. Khi đó mẹ can thiệp. Mẹ nhìn anh Cương bảo. Để cho em ăn cho no rồi học chi thì học. Tôi đi xuống nhà ngang ăn cơm. Kim Long nhìn tôi khúc khích. Tôi muốn tộn em tôi nhưng không dám, mặc dù trong bụng chứa nhiều ấm ức.

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
Trích Tự Truyện THẦM LẶNG TRỜI, THẦM LẶNG ĐẤT, 1994