Tuesday, June 28, 2016

Tìm Nhau

ta tìm nhau như tìm từng cách trở
như người xưa ngậm ngãi tìm trầm
đời loạn lạc chỉ tìm ra nhung nhớ
cùng cơ hàn nuốt lấy nỗi thương tâm

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

VĂN HỌC MIỀN NAM (1954 - 1975)

sau 30 tháng Tư 1975
việt cọng chuyên chính bạo ngược
dã man
điên cuồng
truy bức
thiêu đốt
tù đày thủ tiêu
càn quét

nhưng chúng ta
VănHọcMiềnNam
bất diệt


Sunday, June 26, 2016

GIỮA TRIỀN HẠN REO (Thay Lời Bạt)

   
 
   Nắng lên, những ngày mới ra giêng Huế thơm như thần thoại. Nắng sáng ngời theo sắc lá non, phổ thành trăm nghìn phiến lụa nõn huyền ảo giăng mắc ngang trời. Màu xanh trùng trùng ngát ngát. Ngồi bên hiên nhà, tôi nhìn theo mấy đọt cau mà nghe lòng chan chan hạnh phúc. Trước tầm mắt, lá xuân phới dậy theo hồn tôi đang xanh. Những sáng sớm thức giấc bước ra khu vườn giăng đầy sương muối. Từng tàu lá chuối sương đọng thành giọt tụ dốc ngoằn ngoèo rơi rụng ngay đầu mũi lẫn hai bên mép lá. Tiếng gió nhẹ vỗ về lên tàu cau nghe âm hưởng cô tịch phủ kín thời gian... Tôi nín hơi sâu hơn trong lồng ngực. Từ đó là những cảm nghiệm bí mật không chia sẻ không tặng hiến. Ðất trời đang lên trong tôi, hay tôi đang hòa thân theo đất trời.

   Tôi chẳng hề biết lòng mình nặng nhẹ. Thơ hóa hiện theo trắc ẩn cùng hư hoại của đời sống chăng. Hay thơ cũng chỉ là mớ son phấn trang điểm cho nhan sắc em thêm hồng. Hay thơ là mây triệu kiếp lang thang mơ hồ lãng đãng. Tôi đã từng thắc mắc, cũng như đã từng buông thả. Tại sao tôi bỗng vô cớ run run theo giọt nước trên đầu ngọn cỏ trước sân nhà. Ân tứ của mặt đất vốn tự tại hay bởi lòng tôi thiết tha nên mới có. Hay bởi trực giác bén nhạy mẫn cảm của chính mình đã gây cho tôi khốn khổ đau thương.

   Thần hồn tôi trong thời đoạn này là đá tảng nặng chĩu. Như sản phụ thai nghén đợi giờ phút lâm bồn. Tôi biết sẽ đến lúc, sắp đến lúc đổ ào ra.

   Tôi bắt đầu trường ca lục bát Giữa Triền Hạn Reo bằng cơn đau bụng. Ðó là giấc chừng sau buổi trưa của một ngày cuối tuần. Tôi đang ngồi ở bàn mò mẫm với chữ nghĩa bỗng cơn đau bùng lên bất chợt. Tôi vội vùng chạy ra nhà cầu phía sau tận mút của khu vườn. Trên đầu tôi, bóng tre bóng ổi tạo thành vòm mái thiên nhiên. Nắng râm râm xuyên qua bóng lá với dăm đám mây trắng bay bay lơ lửng. Tôi nhìn đám đất lên đầy rêu xanh mủn, ngay trước chỗ mình ngồi. Màu rêu hòa với sắc trời đậu xuống nền đất như hoa âm tụ hội. Bụng tôi quằn quại quặn thắt từng đợt. Con người tôi phân hai trong một thống hợp đau điếng. Thân xác tôi bị thúc bách với nhu cầu sinh lý đang hiện hữu theo trời đất vô ngôn. Tôi ngước lên. Mây im tiếng trôi lặng lẽ. Tôi nhìn xuống, đám rêu xanh tự tại an bình. Thơ tự hồn tuôn theo nhịp đau nhức bóp của ruột. Tôi nín thở. cỏ yên tỉnh ngủ trên đồi. dưới hồn rêu mục đâm chồi kết hoa. không lời như bóng mây qua. đầy hoa bướm gọi chan hòa đỉnh cây... Thơ trào ra ngoài tầm thần trí. Tôi lẩm nhẩm đợi cho xong công việc đòi hỏi của thân xác rồi vội bước vào nhà, ngồi xuống bàn lật ra tập vở trắng.

   Tôi viết đuổi như mê, không chủ động được chính mình. Cảm xúc mênh mang, bàn tay tôi theo cây bút chạy trên mặt giấy trắng. khai dòng nương bóng hồn quê. em xanh xanh gợi trăm bề quạnh hiu. tơ vàng sợi nhỏ chắt chiu. dư hương em có như điều thủy chung... Mồ hôi rịn vã hai bên thái dương. Tôi muốn dừng, nhưng không điều khiển được bàn tay đang bị thơ lên cơn đè ép. Cảm xúc thần kỳ ma muội chen lẫn ôm theo đâu đó trong hồi ức hình ảnh tắt hiện loang loáng như tia chớp của cơn giông đã đẩy tôi thả xuống mặt giấy chừng một trăm câu lục bát.

   Khi nguồn hứng cạn, tôi nghe bàn tay cầm bút như không còn cảm giác. Nhưng bù lại, thần hồn tôi thư thái lâng lâng. Tôi đan hai bàn tay vặn vẹo cho bớt tê mỏi, rồi mồi điếu thuốc, ngả người ra thành ghế lim dim. Tôi nghĩ đến những dòng chữ vừa tuôn trải. Mai hậu sẽ là gì, tôi không biết. Nhưng đã từ tôi đi ra, thì nó chính là tôi. Là hồn là xác, là tinh hoa là cặn bã, là xương máu tôi.

   Hút điếu thuốc, khói nồng khiến tôi cơ hồ tươi tỉnh. Tôi định tâm nhìn xuống những dòng lục bát vừa mới xong. Tôi ngờ ngợ. Câu thứ ba không giống như cảm xúc tiên khởi, khi tôi còn ngồi trên hầm cầu. ta buồn theo bóng mây qua. Tôi đã viết xuống như thế thay vì không lời như bóng mây qua. Tôi đang bị nỗi buồn đeo đẳng. Mây trời kia đâu có tội tình gì mà tôi bắt phải chuyên chở nỗi buồn mình. Nhưng mặc kệ. Cảm xúc ban đầu tuy tròn vẹn nhưng nó ở ngoài tôi. Tôi đọc một lượt nữa, không ngờ trong kích ngất, chữ nghĩa tôi ba động như thế. Là đất đá, là bão lửa đã trì đọng trong hồn tôi bấy lâu nay, giờ mới phôi dựng được hình hài. Tôi nghe lồng ngực nghèn nghẹn. Cảm giác nhẹ nhõm tan biến. Bồi hồi trở dâng lên. phong trần sân hạnh ban trưa. ngõ tre bóng động có vừa vó câu. rời ga hơi hướng lên tàu. chìm theo khói lặng ban đầu tuyết trinh. trần truồng hát giữa vô minh. ta ngồi chơi với thân mình vô ngôn... Mình là tri kỷ của mình, hay mình không bao giờ là mình. Trong thân xác này đang được ký thác bởi âm hưởng, thần tích từ phương trời phương đất nào. Tất cả như đã biến thành hơi may tan đi tan đi.

   Tôi xếp tập bản thảo mà lòng ái ngại. Mới đầu, cứ tưởng một trăm câu là nhiều, nhưng đọc rồi thì chẳng được bao nhiêu. Khái niệm phải hoàn tất một trường ca nổi lên. Tôi nhủ lòng hãy hàm dưỡng, đừng hối hả. Cảm xúc khi chín mọng thì sẽ bật lên thơ. Vội vàng chi, vô ích. Thế là tôi ở trong trạng thái tinh thần thường trực ứng phó. Tôi luôn mang theo bên mình tập bản thảo Giữa Triền Hạn Reo.

   Ma đưa lối quỷ dẫn đường, hay tận trong sâu thẳm vô thức tôi đã được điều động bởi truyền thống. Tôi ngốc nghếch đâm đầu vào sự trói buộc của thể sáu tám. Ðó là thể thơ biểu trưng việt-nam-tính. Một câu hò một điệu vè một nhịp chầu văn cũng khởi từ dạng thức lục bát. Bất cứ ai cũng có thể diễn tả cảm quan bằng thể thơ này, nhưng khó đạt đến tuyệt đỉnh thần tính của ngôn ngữ. Như lời tụi bạn văn nghệ tôi bình phẩm. Dễ làm mà khó hay. Nhìn vào nền văn học cổ điển, ta cũng thấy rõ chứng luận này. Ða số truyện thơ thời trước đều được tạo nên bởi mắc xích của thể lục bát. Vần cuối của câu lục hiệp với vần thứ sáu của câu bát, khởi thành điểm tựa rồi đẩy đưa âm điệu ra đi. Cái hay là nặng tình tự đất nước, dễ lắng sâu dễ chìm vào lòng người thưởng ngoạn. Cái không hay là nếu người viết dễ dãi, thì câu lục bát sẽ trở nên ngô nghê sa đà tràn lan âm hưởng của vần vè dân dã.

   Vì niêm luật chặt chẽ, nên thể lục bát đã trói buộc ngôn ngữ trong giới hạn nhất định. Nếu tác giả thiếu bản lĩnh thì thể thơ sẽ chậm ì, nặng nề theo tự sự của chuyện kể. Như Nguyễn Ðình Chiểu trong tác phẩm Lục Vân Tiên. Chuyện chàng thì hãy còn lâu. chuyện nàng xin lại từ đầu nói ra... 

   Bạn tôi, Dương Uyển Châu, sau khi chiêm nghiệm tìm tòi đã phát biểu. Người Việt Nam nào cũng làm được thơ lục bát. Nhưng không thể hồ đồ gọi tất cả âm điệu của thể này là thơ. Có những câu lục bát là thơ, nhưng có những câu lục bát chỉ có nhiệm vụ chứa đựng diễn tả sự kiện bằng văn vần. Châu đã trích dẫn từ Ðoạn Trường Tân Thanh, Hoa Tiên, Bích Câu Kỳ Ngộ... để chứng minh. Chẳng hạn như trong Truyện Kiều, bạn tôi cho đoạn mở đầu chỉ là âm điệu lục bát chứa đựng diễn tả sự kiện. Tôi đã chú tâm nghe, nhưng vẫn thấy bất ổn. Nói bạn tôi đúng cũng được, mà không đúng cũng được. Tôi dằng co trong suy nghĩ mình. Nhưng sau khi bình tâm, tôi thấy quan niệm của bạn nặng lý trí, hơn nữa đó mới chỉ là một mặt của vấn đề.


   Bằng chủ quan tôi, không chỉ là thể lục bát, mà bất cứ thể thơ nào cũng vậy, nó đều ẩn chứa hai mặt. Ðó là sự kiện và thần
hồn. Nếu ôm đồm nhiều sự kiện mà nhẹ thần hồn thì câu thơ mang nặng tính diễn tả. Ngược lại, thần hồn phủ chụp lên để điều động sự kiện rồi gây nên cảm xúc day dứt bất tuyệt cho người đọc, thì đó là thơ. Ðiều chính yếu chi phối một sáng tác thơ là bản sắc cá tính của tác giả, như một quyết định tối hậu để cho người đọc thấy đâu là hay, đâu là không hay. Nói vậy nhưng không cùng, tôi chẳng thể nương tựa vào mớ kiến thức hỗn độn của mình để hàm hồ thêm. Với tôi, tâm hồn năng khiếu cảm xúc kinh nghiệm tài hoa... là điều kiện bắt buộc cho thành công hay thất bại của tác phẩm. Còn kỷ thuật hình thức thể loại chỉ là phương tiện chuyên chở.

   Nên chi, tôi an nhiên tiếp tục Giữa Triền Hạn Reo. Tôi tin chắc rằng nếu tâm hồn mình khác, hẳn nhiên sẽ đẩy thơ tôi bắt theo con đường khác với người đi trước. Tôi không ngại về sự trùng lặp, xào đi xào lại mớ ngôn ngữ đã cũ. Tôi chỉ lo nội tại tâm hồn mình là kẻ nhai lại. Ðiều này cũng như trò chơi. Không chơi thì thôi. Nếu nhập cuộc thì phải chơi tận chơi cùng bằng trò chơi mới. Khó chỗ đó mà thú vị cũng ở chỗ đó.

   Trên bất cứ lãnh vực hoạt động nào cũng vậy, tiền nhân bao giờ cũng rộng bước hơn hậu sinh. Trong văn chương, tôi là kẻ đi sau. Nhìn quá vãng đã thấy đông đặc hàng hàng cổ thụ che khuất cả một vùng trời, tàng lá trùm lấp luôn thảo mộc phụ thuộc ở bên dưới gốc. Tiềm năng tôi tự thời nao bừng dậy. Kính trọng nhưng bất phục. Tôi trân quí đóng góp của những tác giả đi trước nhưng không coi đó là tuyệt phẩm là lớn là tiêu điểm là cùng đường. Sáng tác của tôi phải vượt qua, vươn cao hơn sáng tác của họ. Tôi vạch cho mình một lối đi riêng. Cuộc sống bao la. Tôi phải tìm đến nơi chốn chưa có ai. Bất chấp chỗ đó khô cằn hoặc màu mỡ. Phải độc lập, gan dạ trên bước đường của mình. Rồi được hoặc không, thành hoặc bại, về sau sẽ hay.

   Trong tôi như khoảng trống. Khoảng trống loạn lạc. Tôi chẳng có giây phút nào chịu yên vị dù ngay cả hơi thở mọn. Tôi buồn tôi vui bất chợt bất thường. Bạn bè có đứa nhận xét tôi là tay gà tàng mát mát. Tính khí tôi như hai múi điện âm dương va chạm chớp lửa bất kỳ lúc nào, bất cứ ở đâu. Có đứa tỏ vẻ cảm thông hơn thì bảo. Thi sĩ là phải như thế. Nhịp điệu thi sĩ là nhịp điệu của trời đất.

   Tôi không đồng tình với một phía nào. Bạn theo đời thường thì làm sao dung chấp được tôi. Lắm lúc tôi đùa. Có chi mô, tau chẳng giống tụi bây. Vì tau được nuôi dưỡng bởi một thứ máu khác. Bởi lẽ tôi cảm nhận được những gì mà thiên hạ hoặc bằng hữu không thể với tới. Thảng hoặc những điều mà tôi coi là nhẹ thì thói đời cho là mục đích. Điều mà tôi không quan tâm thì chung quanh đang hì hục để mong đạt đến. Những tương tranh thấp hèn mà cuộc sống bày ra như một ràng buộc phải có cho nhân giới, tôi vô cảm bất chấp. Nói thật nhiêu khê, nhưng tựu trung, qua những nổi trôi như thế tôi mới nhận chân được chính mình. Dù rằng cuộc sống này có-tôi-đang-tới, nhưng lắm lúc tôi-thấy-mình-đã-ra-đi từ bao giờ. Trần gian mông mênh, tại sao phải hướng tâm vào những giới hạn chật hẹp. Tôi chưa vững bước, nhưng đã như trời đất, tôi muốn bay, muốn trôi dạt. Tâm thế tôi như lửa như nước. Dù ở hình thái nào. Tôi vẫn là Tôi.

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
(Trích Tự Truyện THẦM LẶNG TRỜI, THẦM LẶNG ĐẤT, 1994)


Friday, June 24, 2016

MUÔN TRÙNG

ru hồn chiều nay trong vườn tĩnh mạc
ta lặng nhìn theo vóc dáng em bay
tà áo lộng ru hồn ta im mát
về đường xưa từng ngọn lá thơ ngây

suốt một đời người tay dài thức trắng
theo gió hiện về từng buổi chiêm bao
vỡ cơn mê em chập chờn trong nắng
mai mùa thu rồi mốt cũng nghẹn ngào

thôi em nhé một đời người bỏ lại
mình ôm nhau bay đến tận chân trời
anh hái nắng vàng soi mắt em dại
nhớ làm gì chuyện cũ đã mù khơi

hạnh phúc đó đã tan tành sương khói
mai mốt rồi cũng chín rụng nghe em
nghe chua xót từng tế bào lở lói
đò sang ngang chừ cách trở trăm miền

nụ hôn đó là lời kinh thú tội
hương nhẹ nhàng đã theo gió bay đi
anh chới với biết bao giờ cứu rỗi
mai ra đi không biết có còn gì

với dĩ vãng anh ôm nhiều phiền muộn
buồn một đời chừ bỏ lại sau lưng
em lảo đảo rồi nghiêng mình chao xuống
sầu nhân gian anh đối diện vô cùng

rồi ngày sau anh nằm yên dưới huyệt
còn lại gì trong giây phút lâm chung
chừ lỗi hẹn để ngàn sau tha thiết
tình xưa bay thôi mất hút muôn trùng

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Tuesday, June 21, 2016

TỪ GIÃ NGÀY, 1971





NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
TỪ GIÃ NGÀY
Việtnam, 1971
ISBN: 0-9686001-0-7
eISBN: 978-0-9686001-6-0
Copyright © Batngan Duc Nguyen
lưu trữ tại Thư Viện Quốc Gia Canada (Library and Archives Canada)










HIỆN SINH TÔI 
(thay lời Tựa cho ấn bản điện tử)

hầu hết thơ trong tập này viết năm 1971
phơi phới bản sắc riêng của tôi
trong dòng chảy 20 năm Văn Học Miền Nam (1954 - 1975)
ngoài bất trắc tình yêu đời sống
còn mang hơi hương dự báo lưu vong 

dạo đó, nội chiến nam bắc khốc liệt
tôi phải nhập ngũ, nếu rớt kỳ thi cuối năm
bạn bè đi trước, đứa tử trận đứa tàn phế
tôi đau xót nhưng ít dằn vặt lo lắng cho số phận
thần trí thường bị ám ảnh ý niệm biệt xứ 
có lúc mình sẽ từ bỏ chốn này
nơi tôi đang nhập nhằng mưa với nắng

lịch sử đã diễn ra như thơ 
tôi trôi 
xa khỏi đất nước
và những lần đọc Từ Giã Ngày
tôi đều ngơ ngác theo mẫn cảm thiếu thời của mình
động thái sống-trước 
chết-trước nhân gian

còn hay mất
hiện sinh tôi
cánh mây 
bạt ngàn dương quang
cho dù tàn phai hiện thế

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Sunday, June 19, 2016

Nhân Ngày Lễ Cha, Nhớ Huyền Sử Âu Cơ Lạc Long Quân

cha mẹ bỏ nhau từ đầu nguồn lập quốc
nửa theo cha, nửa theo mẹ ngập ngừng
rồi từ đó cả bầy con bạc nhược
nổi bập bềnh trôi miết mãi chưa ngưng

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Friday, June 17, 2016

Thuở Ta Về

chừ nắng đổ theo bên mình xanh mướt
thuở ta về đã vướng bụi thương đau
mắt vành khuyên còn sáng buổi ban đầu
ơi thương nhớ đã lên tàu lẫn khuất

và người đó đã một thời u uất
một thời yêu sương khói phủ trong lòng
ta có về cho kín buổi thương mong
để hò hẹn không theo dòng quên lãng

khắc bia mộ trên suối buồn đá tảng
khi tìm mình đã chết tự ban sơ
ngày hôm xưa có về lại bây giờ
cho hạnh nguyện tràn lên đầu tóc rối

người ở đó nghe hồn mình đã tối
tình âm u dẫy chết giữa xa xăm
đêm từng đêm gọi nhớ trước khi nằm
dáng ta đó có về trong giấc ngủ

ta gọi ta giữa trời mưa thác lũ
với tên người dẫm nát thuở man khai
chiều thương yêu với nguyệt rủ phương đài
mái tóc đó có dài theo thương nhớ

môi ân ái có mềm theo hơi thở
động theo tình ngả nắng vỡ trời hoang
khi tìm nhau tình đã úa phai tàn
ta lỡ bước trong muôn vàn hối tiếc

người một cõi và riêng người có biết
thời thương nhau thương thắm thiết bao lần
lá bừng theo mình tự buổi thanh xuân
hồn thả dại giữa vô ngần đắm đuối

còn ưu ái trong ta giờ phút cuối
trả lại em vào một thuở ta về

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Monday, June 13, 2016

NHA TRANG, HÀNH CA M.

từ đáy mắt em xanh màu biển cả
có anh về ơi nắng ấm nha trang
ngày trong vắt với tia nhìn kẻ lạ
rộn trong hồn những thương nhớ khua vang

bờ cát đó nghe lụy phiền biết mấy
thuở nào xa em còn giữ không em
triền núi dựng tự một thời nắng cháy
khi anh về mưa thở ngát trong đêm


dừa lả ngọn đưa hương về bến chợ
anh đi theo bằng những bước xuân tươi
em hiền dịu như rừng bông trắng nở
đường bay xưa còn đọng cuối phương trời


xin tặng hết cho người này trẻ dại
núi chuyển mùa thương suối tóc em trong
xin gửi hết cho người lần trở lại
bóng mây chiều thơm một chút kiêu vong


từ đáy mắt em xanh màu biển cả
rộn trong hồn những yêu dấu khua vang
ngày trong vắt đăm đăm nhìn kẻ lạ
anh đã về ơi nắng ấm nha trang


NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Ai Là Tôi

bạn hỏi
tôi là ai
xin sơ lược
cho bạn biết
ai là tôi

tôi sinh ra từ làng quê
phía đông bắc cố đô Huế
bên bờ nam sông Ô Lâu

từ ấu thơ đến 1975
thời nội chiến nam bắc
tôi là công dân ViệtNamCọngHòa

chính thể này tuy chưa hoàn thiện
nhưng đủ để nuôi dưỡng tôi
cho tôi nhân cách sống
dạy tôi biết thương yêu bao dung
trách nhiệm danh dự phẩm giá hy sinh
và lòng tự trọng

sau tai biến 30 tháng tư 1975
trôi theo vận nước bất hạnh
tôi không chấp nhận chế độ toàn trị phi nhân tính
nên tìm kiếm cơ hội bỏ đi
(lúc này tôi thuộc vào diện phản động cực kỳ ngoan cố
vì đã được cách mạng cải tạo giáo dục khoan hồng
nhưng vẫn không chịu giác ngộ sáng mắt sáng lòng)

vượt biển tháng sáu 1979
sau 3 tuần thử thách gió bão hải tặc
tôi tấp vào Indonesia

khi gặp cao ủy liên hiệp quốc để làm hồ sơ tị nạn cá nhân
vì tôi tái sinh từ biển
nhưng biển chỉ là biển
không phải sinh cơ
nên căn cước tôi đành ghi: stateless

tạm trú ở Indonesia chừng 11 tháng
từ đảo Kuku qua đảo Galang
tôi chọn Canada làm quê hương mới
đến nay đã hơn 35 năm
trong mơ thường trở về chốn cũ
nơi tôi sinh ra
lớn lên
nhưng không có quyền
được sống làm người đích thực

thời thế đổi thay
vì sống còn nên chế độ bạo ngược CHXHCNVN bắt buộc phải chuyển biến

trong, nới bàn tay bóp cổ nhân dân
ngoài, phải hạ mình cầu xin khắp chốn
kể cả thành phần vượt biên

tôi
từ cực kỳ ngoan cố phản động ngày nào
bỗng chuyển sang khúc ruột ngàn dặm thân thương

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Friday, June 10, 2016

TRỊNH CÔNG SƠN (1939 - 2001)



Trịnh Công Sơn: thời thanh niên khàt vọng (nguồn: internet)








trước ba mươi tháng tư 1975
anh là một trong những biểu tượng khát vọng của miền Nam Việt Nam
anh đồng hành với thống khổ quê hương
anh là sứ giả của tình yêu và thương tích
anh đại diện cho mơ ước thống nhất hòa giải dân tộc
giữa hoàn cảnh nội chiến nam bắc
với xúi dục hổ trợ của ngoại bang
càng ngày càng khốc liệt

không may
miền nam khai phóng tự do
thất thủ
trước miền bắc chuyên chính cọng sản

từ tai biến này
anh đã hóa thân

trước: anh tinh tế kiêu hãnh phơi phới
sau: anh hồ đồ túy lúy ủ rũ

anh vắt ngược trái tim để cổ vũ bạo chính
anh nhắm mắt trước thực tại đang phá sản đất nước

giả như anh mãnh liệt
giữ vững tiếng hát nhân tâm
không thỏa hiệp với bạo quyền
thà ngậm miệng để hòa nhập theo nỗi đau nhân dân phẫn uất
coi chuyện sống chết của mình là hạt bụi như anh đã từng tuyên dương

thì thương khó mà tôi dành cho anh sẽ rực rỡ hơn biết bao nhiêu

Trịnh Công Sơn ơi
lịch sử ghi nhớ tài hoa anh
lịch sử không quên anh đã có một chặng đời bạc nhược

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
(Nov 2001)

Thursday, June 9, 2016

Bên Kia Biển

tủi phận quá, lời thư em trách móc
đã mười mấy năm anh xa khuất trùng khơi
tình vẫn dại dù bây giờ bạc tóc
thương cho mình hai đứa dạt hai nơi

nhớ một thuở khù khờ như nắm đất
ta trong tay nhau tưởng giữ mãi bình minh
sáng chưa hết thì bóng chiều vụt tắt
cuộc đời tàn một bước đã trường chinh

lòng nhỏ máu theo lời thư em kể
giòng chữ hiền cồn dậy những phong ba
những sáng mưa đau những chiều kiệt quệ
con trôi sông chồng chết ở phương xa

anh thấy rõ dáng em hiền đứng thẳng
thu dấu đài các xưa táo tợn giữa đời
anh thấy rõ mắt em buồn vắng lặng
khi một mình đối diện với gương soi

em hỏi thăm chắc anh hạnh phúc,
vợ đẹp con hiền thơm ngát tương lai

cám ơn em anh đang hạnh phúc
vợ con đời gánh nặng hai vai

em hỏi anh có bao giờ nhớ lại
chuyện ngày xưa của hai đứa mình
nhớ lắm chứ em nhớ vô cùng bé dại
vỗ về anh giữa ngày tháng điêu linh

cơn mưa sớm ôm lỗi lầm tuổi nhỏ
chụp xuống đời anh rét mướt ngọn ngành
cũng đành phận cho ta như trăng mờ trăng tỏ
băng ngàn non cao soi lòng dạ em anh

còn đậm dấu một thời lam lũ
của đời nhau giờ đã chia giòng
năm mươi tuổi thương đời em góa phụ
không chồng con sầu não giữa long đong

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Sunday, June 5, 2016

Tóc Mướt Bạc Liêu

dịu dàng ơi điệu đàng ơi
em hun anh nhé thơm đời trăm năm

ta ôm nhau ấm chỗ nằm
thương yêu nồng thắm đằm đằm yêu thương

anh hun em nha cục đường
chua cay mặn đắng má hường ấp môi

ta chung nhau mộng đứng ngồi
đơm bông ưu ái ngát lời thanh tân

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN

Thursday, June 2, 2016

SINH NHẬT TIÊN, 2 Tháng 6






















dù trăm năm mình vẫn là hiện tại
tình đong đưa ngon cá ngọt cơm lành
từ tiên nữ em thành bà nội ngoại
má môi nồng mắt biếc ngọc long lanh

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN