Wednesday, January 2, 2019

TAM VÔ

         Làng xóm đã có dấu hiệu bất ổn. (...) Việt Cọng đã mò về nơi này nơi kia. Ban đêm du kích Việt Cọng đột nhập vào làng để bắt thôn trưởng, và những viên chức hành chánh xã ấp. Việt Cọng đã dùng dao, hoặc mã tấu chặt đầu, mổ bụng của nạn nhân tại chỗ, để khủng bố tinh thần dân chúng. Đồng thời cài trên xác của nạn nhân một bản án với nội dung như việt gian bán nước, làm tay sai cho Mỹ Diệm, có nợ máu với nhân dân. Những viên chức làng tôi, mỗi đêm phải trốn tránh, không dám ngủ ở nhà. Người thì chống ghe chui vào những lùm nga cặp bờ sông. Kẻ thì qua làng An Thơ bên kia sông. Quan sát những viên chức trong làng, tôi chẳng thấy có ai là Việt gian, là tay sai, hay là có nợ máu cả. Họ chỉ là những con người lam lủ cần cù chẳng có tham vọng.
Tôi luôn nghĩ về Việt cọng với hoài nghi, sợ hãi, căm ghét. Qua tin tức và kiến thức từ sách báo cùng với những câu chuyện mà tôi đã được đọc được nghe. Và nhất là những lúc cha mẹ với anh Chính thầm thì to nhỏ. Thì Việt cọng đúng là tụi gian ác. Những xác viên chức xã ấp mất đầu mổ bụng ám ảnh, đi vào cơn mơ của tôi.
          Có lần, trong một bài ngữ vựng của lớp nhất (lớp 5 sau này), có vài cụm từ là lạ như: chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cọng sản. Khi tôi nêu thắc mắc “chủ nghĩa cọng sản” thì thầy giáo đã không chịu giải thích và bảo cả lớp là khi trưởng thành thì các em sẽ hiểu. Tôi đã mang ấm ức này về hỏi cha “chủ nghĩa cọng sản” là gì. Và cha đã nỗi hung vô cớ. Đồ cái thứ tam vô, bất nhân, bất nghĩa nớ con (muốn) biết để mần chi. Tôi bèn hỏi cha “tam vô” là gì. Cha dịu giọng trả lời "là vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo”.

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
Trích Tự Truyện THẦM LẶNG TRỜI, THẦM LẶNG ĐẤT, 1994