tôi về gặp lại hư không
bàn tay nội ngoại bay vòng nát tan (nđbn, 1974)
Tết năm này (Ðinh Mùi) nhà tôi vắng vẻ. Vì ảnh hưởng của hoàn cảnh chung nên trong nhà cha mẹ chẳng sắm sửa gì. Nhà cửa cũng chẳng dọn dẹp. Vâng lời cha, tôi chỉ lấy cái chổi lông gà phất bụi sơ sơ trên bàn thờ.
Tôi trở lại nhà từ hôm 24 tháng chạp, sau buổi họp mặt tất niên của trường. Không khí cả làng nặng nề. Bà con xóm giềng ai nấy thui thủi chịu đựng. Làng mạc bỏ ngõ cho du kích. Phía quân đội miền Nam thỉnh thoảng mở một cuộc hành quân càn quét, nhưng chưa có đụng độ lớn. Lính tráng chỉ có việc bắt gà bẻ măng, gây thiệt hại hoa màu. Qua đợt hành quân, du kích Việt cọng bò ra sách nhiễu. Ðâu lại vào đó. Dân chúng một cổ hai tròng không biết kêu ai. Dọc đường làng đầy những hầm chông tre do Việt cọng cưỡng ép dân chúng thực hiện. Nó lồ lộ trước mắt, như một trình diễn vụng về, chỉ gây tai họa cho dân làng, những người phải đi ra khỏi nhà vào ban đêm. Có một số dân làng bị sụp hầm, bị chông tre xuyên suốt hai bàn chân. Ngoài ra chẳng gây hề hấn cho một người lính của quân đội miền Nam nào.
Vì tình hình mất an ninh, nên những người ở xa chẳng có mấy ai về quê ăn tết. Những ngày cuối năm, tôi đi thăm bà con họ hàng. Tôi qua nhà chú Anh, thăm hỏi sức khỏe của ôn mụ Trâm, tức là cha mẹ của chú Anh. Ôn thì quá già, mấy năm trước bị bệnh nặng, tưởng đã qua không nỗi. Một bên gian nhà từ bao giờ đã để sẵn một cỗ hậu sự cho ôn. Mụ vẫn còn sắc sảo, khỏe mạnh. Chú đang lui cui ngồi chẻ lạt để cột bánh. Thím đi chợ chưa về. Mấy đứa em họ của tôi, em kế của Cháu, đứa thì đi câu, đứa thì đi chơi. Chỉ còn Yến, đứa lớn nhất ở nhà đang phụ chú Anh ngâm nếp.
Tôi ngồi bên cạnh nhìn chú chẻ lạt. Cây tre tươi được chú cưa sẵn ra từng khúc. Với cái rựa sắc bén trong tay, chú cầm từng ống tre dựng đứng trên viên gạch, rồi chẻ dọc ra từng sợi lạt mỏng như tờ giấy vở. Chú vừa làm vừa hỏi han tôi. Nhìn hai tay chú đều đặn trong công việc tôi bắt mê. Tôi cầm một sợi lạt lên vẫy vẫy trong không khí vừa trả lời những câu chú hỏi. Chú tâm sự thấy con cháu đi ra khỏi cái chỗ cất đầu lên không nỗi này là chú mừng. Tôi nhìn khuôn mặt vuông, rám nắng khô đét của chú, như biểu trưng cho cả giòng họ. Hình như tất cả bà con tôi; ngoài việc đồng áng, đều giữ nghề đi câu như một sinh kế thứ hai. Nhìn ngắm sông nước có thể làm cho tâm hồn rộng mở. Nhưng phải sống nhờ sông nước thì trái lại. Bà con của tôi ai nấy đều quắt queo. Ngồi suốt ngày trên ghe câu để trông vào sự may rủi, hình như làm cho suy nghĩ trong đầu thu hẹp lại. Có thể tôi chủ quan, nhưng ngồi với chú, tôi thấy chú như có một gánh nặng vô hình đang trỉu trên vai. Tôi nhìn qua đứa em họ, Yến, đang quay lưng vo nếp ở đầu chái bếp. Em tôi cũng vậy, thân hình khô đét như que củi. Tôi hỏi chú khi mô thì Cháu về ăn tết. Chú trả lời chắc khoảng mồng hai.
Tôi còn đi xuống xóm dưới thăm bác Lượng, anh Túc, và anh Hồ. Nhà của mấy người này quay mặt ra hướng bờ sông. Bác Lượng cùng một ông cố với cha, vợ của bác mất sớm. Bác sống với người con trai cả là anh Túc, với mấy đứa cháu nội. Mấy người em kế của anh Túc là Càng, Tư, và Năm đều đã nhập ngũ. Anh Càng thì lính của sư đoàn 1. Hai anh Tư, Năm đồn trú tận trong Nam. Người con trai cả của anh Túc là Ðàm, cỡ tuổi tôi, đã bỏ đi theo Việt cọng từ mấy năm trước. Mấy đứa kế vừa học xong tiểu học là ở nhà làm ruộng, đi câu.
Khi tôi đến, bác Lượng đang dọn dẹp bàn thờ. Tôi lên tiếng chào, bác quay ra thấy tôi, ngạc nhiên. Cháu về khi mô. Tôi thưa là đã về mấy bữa, hôm nay xuống thăm bác. Bác gọi tôi ngồi xuống với bác trên cái giường tre bên hông nhà. Bác chỉ nói câu ngắn. Cháu về chi cho thêm lo lắng. Xong bác móc bao thuốc ra vấn một điếu châm lửa. Tôi nhìn theo làn khói phà ra từ mũi miệng của bác. Làn khói tán mỏng lan rộng, tầm nhìn tôi trôi theo. Làn khói bay ra cửa, thoát biến theo với gió se lạnh ngoài sân. Tầm mắt tôi chạm tới lùm nga nằm bên bến sông. Nhìn những ngọn lá mỏng đu đưa theo gió, tôi như xuất thần. Thiên nhiên lúc nào cũng thế, thanh thản an hòa, chỉ có con người với những mưu toan, tham vọng làm rối loạn cuộc sống vốn đã sẵn bình trị. Bến sông nhỏ, sát bên lùm nga kia, tôi nhớ năm nào khi về thăm bác, giờ đây vẫn nguyên hình dáng cũ. Lối mòn nhỏ đi xuống bến vẫn loang loáng những rêu xanh trơn trợt. Những thân nga vươn lên từ mặt nước tụm lại rì rào âm thanh thân quen. Tôi chỉ dạ dạ khi nghe tiếng bác. Tai và lòng tôi đang trộn lẫn với bến sông ngoài kia.
Anh Túc đi đâu vừa về tới. Tôi chào anh, anh than. Năm ni buồn quá. Anh buồn cũng phải, chỉ cần anh nghĩ về Ðàm không biết sống chết ra sao là cũng đã nát lòng rồi. Dáng người đẫm thấp vạm vỡ, tiếng nói lúc nào cũng nhuốm vẻ lo lắng dù khi chúng tôi tếu đùa. Rứa thì khi mô chú lấy vợ. Chẳng đợi tôi trả lời, anh tiếp luôn. Vợ con chi cho mệt. Thời buổi ni, lo thân mình cũng đã khổ rồi. Tôi vui lên. Rứa răng anh lấy vợ. Em nghĩ lấy vợ cũng có cái sướng chớ. Anh nhìn tôi giọng triết lý. Cái sướng ít ỏi, không bù lại cái khổ. Tôi hì hà. Rứa thì em đi tu quách. Anh hạ giọng buồn. Chú có tu thì cũng rứa thôi. Tôi hỏi anh tin tức của Tư, và Năm. Anh than oán. Có tin chi mô, tết nhứt mà chẳng có đứa mô nhớ cấy chi hết. Anh bảo tôi ở lại ăn cơm, nhưng tôi từ chối.
Tôi chào bác Lượng và anh rồi ghé qua nhà anh chị Hồ, nhà ở kề bên. Anh Hồ gọi bác Lượng bằng chú ruột. Tôi không biết hai chú cháu có điều gì, mà hai bên ít có qua lại. Khi tôi bước vào nhà, gặp ngay anh Hồ đang ngồi giữa bàn uống nước. Tôi lên tiếng chào. Anh trả lời chậm rãi. Tui nghe tiếng chú bên chú Túc, tôi nghĩ răng chú cũng ghé qua. Tui pha nước ngồi đợi chú đó. Dáng dấp của anh vẫn loắt choắt như cũ. Khuôn mặt ốm với vầng trán hẹp như kéo hai bên thái dương co rút lại. Miệng anh hơi hô, cái cằm dưới muốn khuỳnh ra át cái miệng, tạo cho anh một bản mặt nhuốm nét đau đớn nặng nề. Chị từ sau bếp bước ra giọng vồn vã. Lâu lâu chú về, mời chú ở lại ăn cơm. Chị dáng gầy, nhưng có bề cao hơn anh chừng một cái đầu. Mái tóc của chị tuy được bối gọn lại, nhưng vẫn rối bù lên, với hai mắt chị như bị loét, lúc nào cũng kèm nhèm.
Tôi nhìn lên bàn thờ, thấy đã có bày biện hoa quả, nhang đèn. Tôi nhìn quanh không thấy thánh giá với mấy bức hình đức chúa, đức mẹ, cũng như những tranh ảnh về đạo công giáo như trước. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng không hỏi. Gia đình anh là người duy nhất trong giòng họ tôi theo đạo công giáo. Tôi biết gia đình anh theo đạo là muốn tìm một điểm tựa vật chất, chứ không phải vì niềm tin. Trong bà con có người dè bỉu. Tôi không có ý kiến, nhưng lúc này nhìn lên bàn thờ thấy anh bày biện, tự dưng bụng tôi thấy ấm áp.
Nhà anh chị khang trang so với nhà những người bà con khác. Vách nhà xây bằng táp lô. Tủ thờ, bàn ghế đều bằng thứ gỗ tốt. Anh chị có một bầy con. Ðầu lòng là đứa con gái tên Ðầu đã lỡ thì, người nhỏ bé loắt choắt như anh. Ðứa con trai kế là Khứ, hồi tiểu học học chung với tôi, cao lớn vạm vỡ. Xong tiểu học, Khứ ở nhà tiếp tục những công việc của anh. Chị Hồ mời tôi uống nước. Chị bảo nước chè tươi vừa mới nấu, chú uống đi cả nguội hết ngon. Tôi nể lời bưng ly nước lên vừa thổi vừa uống. Hương chè tươi ngan ngát đầu mũi. Vị nước gây chan chát lẫn ngọt dịu trong cổ họng. Tôi hỏi chị rứa mấy đứa đi mô hết rồi. Chị lên tiếng gọi. Khứ từ sau bếp bước ra, trong tay đang cầm cái dao mổ gà. Khứ lên tiếng chào hỏi. Tôi thấy Khứ già dặn hơn tôi nhiều. Vầng trán đã có vài nếp nhăn hằn lên. Khứ nói chú cứ ngồi chơi, tui đang bận tay. Khứ quay lại phía bếp.
Hai anh em ngồi ngó ra sân yên lặng. Bỗng dưng anh nói, giọng bùi ngùi. Mấy chú gắng lên, trước là ấm thân, sau là vẻ vang giòng họ. Anh muốn nhắn gửi mơ ước vào mấy anh em nhà tôi. Tôi thấy xấu hổ trong lòng vì sự tin cậy hư ảo này. Bản thân mình vốn không ra chi. Ðầu óc viễn vông hoang tưởng. Ăn nói cà lăm cà cặp. Mấy người anh tôi thì tầm nhìn cũng hạn hẹp, coi như bỏ đi. Tôi bối rối nhìn vào mắt anh, thấy hiện lên trong đó những nhẫn nhục thua thiệt. Tôi nao lòng, đứng lên giã từ, dù chị Hồ nằn nì tôi ở lại.
Tối 28 tết, mẹ và hai anh em tôi ngồi quanh nồi bánh tét ở dưới bếp. Cha đi qua khấn vái bên nhà thờ họ. Tôi ngồi bó gối nhìn Kim Long đang lấy củi chuồi vô thêm. Mẹ đang hút thuốc. Ánh lửa cời lên lấp lánh trên khuôn mặt mẹ và em. Khuôn mặt Kim Long không giống tôi mấy. Tuy vầng trái hai anh em đều cao, nhưng khác nhau. Trán em cao, gồ lên ở phần giữa trán, biểu lộ ngoan cố bướng bỉnh. Còn trán tôi cao, nhưng chân trán từ lông mày hướng lên như cong trợt về tận chân tóc. Cằm Kim Long hơi nhọn, miệng rộng nhìn nghiêng khuôn mặt hơi có hình lưỡi cày. Hai anh em giống nhau ở chỗ hai quai hàm dưới đều bạnh ra. Sống mũi của em thẳng, nhưng hai cánh mũi hơi nhỏ và hơi sắc ở chuẩn đầu. Mũi của tôi trung bình, hơi gãy ở phần niên thượng, bù lại thì phần chuẩn đầu khá đầy đặn. Ðôi mắt tôi lớn hơn. Nhưng Kim Long lại có cặp lông mày dài và đẹp hơn cặp lông mày của tôi. Vậy nhưng người khác thoạt nhìn vào thấy ngay chúng tôi là hai anh em ruột. Chúng tôi giống nhau ở dáng dấp phong thái. Em có sức khỏe, cách hành động cũng mạnh bạo. Có lần, khoảng mấy năm trước, khi đi học Kim Long bị chòng ghẹo sao đó, nó nỗi hung đánh lộn, gây thương tích cho một đứa cùng trang lứa ở sau lưng. Cha mẹ tôi phải đi xin lỗi, đồng thời bồi thường chi phí thuốc men cho con người ta.
Kim Long đun thêm củi, rồi khều than ra hai bên. Ðôi mắt chăm chăm vào ngọn lửa. Em tôi còn vô tư. Tôi ước cho em mình về sau đừng có tâm hồn bông lông như tôi. Mong em có được một cuộc sống thực tế bình thường như những người bình thường. Ðừng vẩn vơ mộng ảo như tôi đang mang. Thỉnh thoảng hai đầu mày của em nhíu lại, nửa như bị khói, nửa như đang suy nghĩ chuyện gì. Chúng tôi nín lặng, chìm theo ánh lửa chập chờn.
Tôi quay qua hướng mẹ ngồi. Khuôn mặt người điềm tĩnh, trầm tư. Vẫn là phong thái đó, chịu đựng mọi nghịch cảnh trong an nhiên. Vẫn là bóng dáng tuy nhỏ bé, nhưng hùng vĩ như trường thành trong cuộc đời tôi. Tôi nhìn ngắm lại khuôn mặt của người. Làn tóc mẹ đã ngã màu muối tiêu, với dăm sợi phủ lòa xòa trên vầng trán nhăn. Vẫn là đôi mắt, tuy hai mí trên hơi sụp vì tuổi già nhưng vẫn tròn đều hiền hậu. Vẫn là môi miệng luôn chứa nụ cười duyên dáng ẩn ẩn. Ðặc biệt nhất là cái mũi của người. Chuẩn đầu đầy đặn nối với sống mũi kéo thẳng lên tận ấn đường. Giữa hai chân mày của mẹ như một khoảng sáng rộng rãi. Tôi học mẹ chỉ được phần đầu của hai cánh mũi. Còn sống mũi và ấn đường tất cả anh em tôi đều học cha. Hai tai của mẹ lớn, dày chắc, được nhiều người khen là phúc thọ. Tôi thấy lời này hình như chỉ đúng có một nửa. Sống lâu thì mẹ có thể, nhưng còn phúc thì tôi không biết nó ở đâu. Tôi nhìn vào hai vạt áo của mẹ. Hai bên vạt áo được mẹ may hai cái túi lớn. Trong đó đựng đủ thứ, từ tiền bạc đến thuốc hút, lẫn cau trầu. Hồi nhỏ tôi hay cà rà bên cạnh rờ rẫm hai cái túi này, mỗi khi ngoài đường có hàng quà bánh đi qua.
Nồi bánh tét của nhà tôi năm nay được nấu sớm hơn, cũng như ít hơn những năm trước. Nhớ năm nào mấy anh em tôi quây bên bếp lửa cùng nhau hi ha. Anh Chính kể chuyện tiếu lâm cho bầy em đuổi cơn buồn ngủ để đợi giao thừa. Anh Cung mầy mò mấy tờ giấy bạc mới để mừng tuổi cho ba đứa em. Anh Cương vừa nói vừa nghe, vừa tì cuốn sổ nhỏ trên hai đầu gối để viết nhật ký. Kim Long ngủ gà ngủ gật. Tôi cà lăm cà cặp đòi anh Chính giảng một tích chuyện ngày xưa... Những thứ này tôi thấy gần gũi vô cùng, nhưng sao lúc này lại mất...
Ðể bảo đảm an toàn, cha mẹ bảo hai anh em tôi ra ngủ dưới hầm trú ẩn ở ngoài sân. Kim Long bưng đèn xuống trước. Tôi đứng ở miệng hầm nhìn ngược lên trời chi chít sao. Ðêm cuối năm se lạnh. Một thoáng gió khiến tôi rùng mình, đưa tay kéo cao cổ áo len. Tự dưng tôi sợ du kích Việt Cọng sẽ đến bắt tôi đi. Tôi sợ điều này không phải vô cớ. Những đứa bạn cùng cỡ tuổi ở làng hầu như không còn ai. Nếu không bỏ đi xa như tôi thì cũng đã bị Việt cọng bắt đi trong những đợt tuyển quân. Tôi thấy mình liều lĩnh ngốc ngếch. Nhớ hôm mới về, tôi chạm ngay đôi mắt cha nghiêm khắc. Người ngó với tôi như một sự đã rồi. Tôi bối rối tránh tia nhìn của cha, chạy vội đi gặp mẹ gặp em. Giờ đây, đứng trên miệng hầm, tôi hoảng hốt. Nhưng lo lắng cũng qua nhanh. Bản tính tôi suồng suổng, thôi thì mặc. Tới đâu hay đó.
Tôi an tâm chui xuống hầm, nằm xuống bên cạnh Kim Long đọc vài trang sách. Tôi vơ nhằm tập truyện ngắn của Thạch Lam, đọc lại một truyện đầu tiên. Tôi vào giấc ngủ bằng hình ảnh lãng mạn của tình ái muôn đời. Mỗi mùa cô lại giắt hoàng lan trên mái tóc, để tưởng nhớ mùi hương.
Hôm sau, ngày 29 tết. Tôi nằm ngầy ngật dưới hầm cho đến gần trưa mới chui lên. Kim Long đang phụ giúp cha làm những việc lặt vặt. Mẹ đang chuẩn bị đồ đạc để mồng 4 tết vô Ðà Nẵng thăm hai người anh lớn. Tôi uể oải đi xuống bến rửa mặt đánh răng. Trời nắng lạnh. Tôi đưa hai tay bụm nước vả vào mặt. Chung quanh là những đám hơi sương là là theo mặt hói, đang lả lướt vươn cao. Phía cửa hói tràn ra mặt sông Ô Lâu là những gợn nắng mỏng chan hòa. Mặt sông yên tĩnh vắng lặng. Không một chiếc ghe đò đi qua. Tôi nghe tiếng động cơ của máy bay thám thính rà trên đầu hòa lẫn với tiếng gà gáy xao xác đâu đó.
Bến nước này một thời là nơi tụ hội buồn vui của anh em tôi. Nơi anh Cương dạy tôi tập bơi. Cũng chỗ này tôi suýt làm cho Kim Long chết đuối. Lần đó tôi cõng em lội qua bờ bên kia. Tôi bị mất thăng bằng khiến cho em ngã ngược. Thay vì tay tôi phải buông hai ống chân em, để quay trở lại bồng em lên. Tôi lại hoảng hốt giữ chặt hai chân của em mình để cố vượt qua con hói. Kết quả là Kim Long bị sặc nước, mặt mày tím ngắt. Tôi nhìn những tảng đá được cha và các anh sắp đặt theo thang cấp để lên xuống đã lên đầy ngấn rêu vì ít có bước chân người. Gần mặt nước là một tấm xi măng đúc khá dày được tô láng để làm chỗ giặt quần áo. Bề mặt còn hiện rõ nét chữ "Kỷ Hợi - 1959" do tay anh Cung tỉ mỉ khắc lên.
Tôi bước lên từng bậc đá, trở vào nhà. Mẹ đã chuẩn bị xong xuôi cho chuyến đi Ðà Nẵng. Cha ngồi trên bộ ngựa xếp vàng bạc để dâng lên bàn thờ. Sau khi ăn uống qua loa, tôi đi thăm o Bệt. Nhà o ở phía sau tổ 8 sát bìa cánh đồng. Trước khi ra khỏi nhà cha dặn nhớ phải về sớm để cùng gia đình cúng tất niên. Năm nay tháng chạp thiếu, nên ngày 29 cũng tính thành ngày 30.
Tôi đi đường băng đến nhà o. Lộ trình là theo con đường xóm tổ 6 ngay trước mặt nhà đi thẳng ra hướng cánh đồng... Qua kẻ lá là những đốm nắng rải lốm đốm trên mặt đường. Cặp bên cạnh là con hói vẫn lặng lờ trầm mặc. Cuối đường, gần với cầu tréo vẫn còn đó cây mưng già xơ xác. Tôi bước qua cầu thanh thản, chẳng khó chịu nín thở như hồi còn nhỏ. Tôi cặp theo mấy bờ ruộng theo hướng tay phải rồi rẽ vào con đường xóm của tổ 8. Tôi nhìn quanh cánh đồng, một màu xanh phơi phới chảy dài những đợt nắng mỏng theo làn gió nhấp nhô trên đầu ngọn. Lúa đang chuẩn bị trổ đòng. Thời gian này là mùa làm cỏ, nhưng hôm nay không một bóng người.
Nhà o Bệt nằm ngay bên trái con hẻm ngay từ cánh đồng đi vào. Từ ngoài ngõ tôi nghe tiếng o. Vẫn là cái giọng kim sắc rõ châm mạnh vào màng nhĩ. Cháu về khi mô. Tôi chưa kịp chào hỏi thì o làm một hơi. Mấy đứa bây đi mất đất, không nhớ chi bà con họ hàng. Một năm đợi tết mới ló mặt về. Tôi bước vào nhà cười tếu. Dạ thưa o, cháu về thăm o đây. O vui vẻ, hỏi han tôi đủ thứ. Trên cái giường tre bên góc nhà, Bỡi đứa em họ tôi đang ngồi gói bánh, nhe răng hì hì chào tôi. O cũng đang gói dở dang nửa chừng. O bảo tôi ngồi xuống cái giường tre đặt ngay gian giữa, rồi tiếp tục công việc. Hai tay o thoăn thoắt, rành rõi. Vừa gói bánh, o vừa nói đủ thứ chuyện. Tôi nghe câu này chưa hết thì o vòng qua chuyện kia. Môi miệng o duyên dáng linh động. Không biết thời o còn con gái đã làm mê đắm bao nhiêu trai làng. Vầng trán, mũi miệng của o là một kết hợp đều đặn. Dưới hai chân mày thanh tú tự nhiên là đôi mắt lớn linh động tuyền đen. Chỉ hai lưỡng quyền là hơi cao. Tôi quí trọng o ở chỗ dám ăn miếng trả miếng, và tự hào về tổ tiên chài lưới của mình. O có với người chồng trước một đứa con gái là Sum. Chồng Sum nhập ngũ, đồn trú đâu đó. Sum theo chồng đã mấy năm nay. Sau khi cha của Sum qua đời, o bước thêm một bước nữa. Tôi hỏi o dượng Lục đi mô rồi. Bỡi cho hay là dượng đi nhóm họ chắc cũng sắp về.
Tôi ngồi nhìn quanh, nhà của o tuy bằng mái tranh vách tre đơn sơ. Nhưng dượng là người khéo tay, nên mọi thứ được bày biện ngăn nắp. Phía sau nhà tựa lưng với cái rồn tre thấp ngăn chia với ruộng lúa. Tôi muốn gặp mặt dượng Lục nên nấn ná một hồi, nhưng không thấy bóng của dượng đâu. Nhớ lời cha dặn là phải về sớm. Tôi đứng lên xin phép o để ra về. O cười, mắng tiễn chân tôi. Tổ cha mi, chê cơm tau nhà nghèo.
Tôi trở về nhà bằng đường thẳng, theo con đường tổ 8 chạy ra gặp nhà thờ họ Hoàng. Chỗ này là ngã ba gặp con đường xóm tổ 9. Tôi ngoặt ra đường cái đi về ngang trước mặt nhà thờ công giáo. Ngôi giáo đường đã bị bom đạn làm sập một bên nóc. Dãy nhà xây khang trang bên cạnh của các chị cũng bỏ hoang. Chung quanh vách nhà cỏ dại tràn lan. Nhìn vô trường học, nơi tôi khai tâm đầu tiên trong đời, thấy cửa ngõ toang hoác, bàn ghế bừa bộn.
Trên đường về nhà, tôi ghé vô o Cư. Thấy mặt tôi o trách. Cháu về mấy bữa, hôm ni mới vác mặt tới thăm o. Tôi cười hề hề. Đám em họ tôi bu lại. Mấy đứa em này gần gũi tôi. Mùa hè nào tôi cũng dành thì giờ để chơi với chúng nó. Ðứa thì cầm tay, đứa thì níu áo. Khuôn mặt chúng, tất cả đều học mẹ, linh hoạt xinh xắn. Ðứa này răng cái quần anh như ri. Ðứa kia răng cái áo của anh như rứa. O cư quay xuống bếp, để mặc tôi vui đùa với mấy đứa em. Trước khi từ giã o và mấy đứa em, tôi đi vô trong bàn thờ để thắp nhang cho người chồng đã tử trận của o là dượng Ngoãn. Tôi nhìn vào di ảnh dượng thấy u buồn hiện ra trong đôi mắt. O Cư lặng yên theo dõi tôi, rồi bùi ngùi cùng mấy đứa em đưa tôi ra cửa.
Mẹ làm một mâm cơm khiêm tốn dọn giữa bộ ngựa, trước bàn thờ. Cha bận áo dài đen, trên đầu đội khăn đóng phía trước trán có hình chữ nhân. Trên bàn thờ khói hương nghi ngút. Hai ngọn nến hồng chập chờn linh động. Tôi và Kim Long đứng hai bên. Lễ cúng tất niên của gia đình đạm bạc, thiếu vắng hơn bao giờ hết. Cha đứng trước bàn thờ cầu nguyện. Tôi bâng khuâng. Chẳng biết lời nguyện của cha có tương thông cùng hương linh tổ tiên. Tôi hình dung trên bàn thờ tổ tiên đang về ngự trị. Chắc những đấng vô hình kia đang nhìn con cháu ngậm ngùi. Những đổ vỡ thất tán ở ngoài quyền lực của họ. Tôi chắc tổ tiên cũng lắm xót xa. Cha sì sụp lạy. Mẹ quì theo. Tôi và em cũng quì xuống. Trong tôi là một khoảng trống hỗn độn dị hình. Tự bao đời nơi mảnh đất này vẫn chất chứa đầy hàm oan và khổ đau. Người chết đã yên phần, còn người sống phải chống chọi với khổ nạn từ trăm phía. Ðời của mẹ cha tôi rồi đến anh em tôi. Tôi cầu xin một điều nhỏ bé là làm sao được bình an trước những hung họa của cuộc sống đang rình rập chực chờ. Còn vài giờ nữa là qua một năm khác. Tức là phải chào đón những khổ hạnh khác. Nối tiếp như xâu chuổi trong cái vòng tròn luân lưu bất tận.
Bữa cơm tất niên chúng tôi ngồi ăn trong im lặng. Cha nhấp một ly rượu nhỏ. Tôi nhìn mẹ và em cũng đang uể oải thờ thẩn. Chúng tôi ăn qua loa vội vàng. Sau đó cha cùng mấy bác, mấy chú tập trung ở nhà thờ họ để làm lễ. Mẹ nấu xôi chè để chuẩn bị cho lễ đầu năm. Tôi và em giúp mẹ dọn dẹp đâu đấy xong xuôi, hai anh em tôi ngồi vào bàn. Kim Long đọc sách, còn tôi mang cuốn sổ nhật ký ra ghi chép. Tôi nhìn lên bàn thờ, những nén nhang đang nghi ngút khói. Tôi nhìn vào di ảnh bà nội đang nhìn xuống trầm tư. Tôi nhìn quanh nhà, không dưng trong suy nghĩ tôi bỗng rộn lên những hồi chuông ngân vang đằm thắm. Tôi đang ngồi đây, nơi ngôi nhà tôi cất tiếng khóc chào đời. Nơi có mẹ có cha có em có trầm luân có xiêu đổ. Tôi viết thoăn thoắt xuống đầy trang giấy trắng. Ước chi mấy người chị tôi đừng mệnh yểu thì đời mẹ tôi vui thêm biết bao. Ước chi quê hương đừng giặc giã thì hôm này nhà tôi sẽ tưng bừng lễ hội.
Cha từ nhà thờ họ về đúng lúc để cúng đầu năm. Mâm xôi chè đơn sơ được mẹ bày biện đẹp mắt. Cha đốt nến, thắp thêm nén nhang mới, rồi quỳ lạy. Chúng tôi đón giao thừa lặng lẽ. Chẳng có pháo đì đùng. Chẳng có tiền mừng tuổi. Chẳng có lộc đầu năm.
............
Ngày mồng một tết không nắng, mây tuy mỏng nhưng đủ che lấp ánh mặt trời khiến cho không gian u u. Tôi ở nhà không đi xông đất bà con, vì sợ mình nặng vía sẽ làm cho bà con xui xẻo trọn năm nên ngần ngại. Tôi ngồi trong cửa sổ nhìn ra bụi tre già trước ngõ sát múi cầu. Trong đó còn có cây sầu đông trụi lá hắt những nhánh cành khẳng khiu vượt lên khỏi đọt tre. Còn bám víu trên cành những chùm trái khô đen chưa rụng. Hàng chè tàu trước sân vẫn xanh. Hai gốc mai già vẫn chưa có nụ bông nào để đón tết. Mẹ đi lễ chùa từ sớm. Cha đi mừng tuổi bà con họ hàng, rồi lên chợ Hôm thăm bác Cách để mừng tuổi tổ tiên bên ngoại. Nhà bác là nơi thờ linh vị ông bà ngoại của cha. Một ngày đầu năm bình thường nhạt phèo. Tôi chui lên giường bố của cha ngủ một giấc cho đến khi cha mẹ và Kim Long trở về.
Hôm sau, tôi và em theo mẹ về làng ngoại. Dọc đường đi tôi thở với mùi nhang trầm quyện trong không khí. Dù tình thế bất ổn, nhưng mùi vị tết đâu đó vẫn đằm đằm tự tại. Những người quen đi ngược chiều gặp nhau chào hỏi rộn ràng. Bước qua cầu Tùng Thị là không gian mát rượi trước mặt. Theo con đường nhỏ chúng tôi rẽ xuống bến đò. Vẫn là triền sông lở đứng. Người đưa đò cặp sát bờ, cất tiếng chào hỏi mẹ thân thiết.
Làng ngoại cũng là một dải đất hẹp dọc theo sông Ô lâu như làng tôi. Con đường cái chạy cặp theo sông từ đầu làng cho đến cuối làng. Từ đường cái cũng là những con đường xóm nhỏ chạy ra cánh đồng phía sau lưng.
Năm nào cũng vậy, nơi đầu tiên chúng tôi phải đến trước đó là ngôi nhà tranh bé nhỏ nằm gần tận cuối làng. Ðó là nhà của anh Hóng, cháu gọi mẹ bằng o. Trong ngôi nhà này thờ linh vị của ông ngoại tôi. Những người đồng hàng ruột thịt với mẹ đều không còn ai. Kẻ thì đã qua đời, người thì thất tán. Cho nên việc thờ phượng đều do anh Hóng chăm sóc. Thân sinh của anh với mẹ cùng chung một ông nội. Tuy ngang hàng tôi, nhưng anh Hóng chẳng nhỏ tuổi hơn mẹ bao nhiêu. Hàm răng anh rụng gần hết tạo cho khuôn mặt lúc nào cũng móm mém hom hem. Chị Hóng cũng thế, khuôn mặt bao giờ cũng xanh xao như người bệnh. Anh chị có 2 người con trai. Ðứa lớn tuổi tên Lười nhập ngũ đồn trú ở xa. Ðứa kế là Ða, đi theo du kích Việt Cọng từ mấy năm trước.
Sau những chào hỏi mừng rỡ, mẹ bảo anh Hóng bày biện lễ vật mà mẹ mang theo ra trên cái giường tre nằm trước bàn thờ. Anh Hóng đốt đèn, thắp nhang. Mẹ quì xuống khấn nguyện. Tôi và Kim Long quì theo lạy mừng tuổi ông ngoại.
Tôi không biết sinh thời ông ngoại ra sao. Chẳng biết ông có linh thiêng nhìn xuống đứa con gái vất vả của mình cùng mấy đứa cháu ngoại đang cúi đầu cầu xin ơn phước. Tôi biết ông mất sớm. Thời con gái mẹ mồ côi cha. Tôi biết bà ngoại bước thêm bước nữa. Những điều này càng khiến cho thời thanh xuân của mẹ khô quắt chia lìa. Tôi biết đời mẹ bất hạnh. Nhưng lạ, là bao giờ mẹ cũng nhắc nhở cho bầy con về thuở con gái của mình những kỷ niệm hồng hào chất ngất niềm vui. Ở đó luôn là vầng sáng như nắng ban mai. Ðôi lúc tôi tò mò hỏi mẹ. Người chỉ hạ giọng buồn khổ thì nhớ chi con. Tôi mong ông ngoại đang ở đâu đó hãy tự hào về mẹ. Ðứa con gái côi cút thuở nào giờ đây đã vươn lên, dù cuộc sống khổ lụy trầm luân nhưng trong tâm trước sau vẫn an hòa trung hậu.
Tôi ra trước hiên nhà ngồi bệt xuống trên thềm đất ngó mông. Bên kia sông, cánh đồng trải rộng trơ độc cây xoài sừng sừng cái tán tròn xanh, như tụ điểm hy vọng giữa nền trời. Chung quanh ngôi nhà là một miếng đất rộng bao bọc. Miếng đất này tới mùa thì được anh Hóng cày lên để gieo mạ. Sau khi mạ nhổ rồi thì trồng sắn khoai. Sát bìa là những hàng chuối sứ, cùng dăm ba bụi mía lau. Trên chỗ này ngày nào tôi trần truồng chạy nhảy với Ða. Hai chú cháu chơi chán chê rồi quay ra vật lộn sứt trán u đầu. Tôi quay vào nhà hỏi thăm tin tức về Ða, anh Hóng chỉ thở dài. Không biết hắn ở mô. Chị Hóng khi nghe nhắc đến con mình thì người trở nên đờ đẫn.
Chúng tôi quay ngược lại đường cũ, qua vài con ngõ hẻm, gặp nhà thờ họ ngoại. Ðó là ngôi từ đường rộng lớn đồ sộ, nằm bên đường quay hướng ra mặt sông. Sát mặt đường, ngăn chia với cái sân rộng là cái bình phong bằng đá xây, được chạm trổ những rồng phượng. Hai bên là hai cửa ra vào hình bán nguyệt, cánh cửa là những miếng gỗ dày chắc đã lên nước đen sì. Từ bình phong đến từ đường là cái sân rộng lót gạch đều đặn. Hai bên sân có nhiều cây kiểng được trồng trong những chậu men sứ trắng có bông xanh tô điểm. Mái ngói đã lên đầy rêu. Trên đỉnh mái, chính giữa có một vật thể giống như hình mặt trời tròn. Hai bên có hai con rồng chầu mặt vào. Nhiều loại cây tầm gửi bám đầy hai bên vách tường đầy lá xum xuê. Bên trong là những bệ thờ trang nghiêm, cùng với cột kèo chạm trổ tinh vi, tất cả đều được sơn son thếp vàng.
Chúng tôi đi vào cánh cửa bên phải. Từ cánh cửa này là một dãy hành lang có mái dẫn thẳng ra sau hậu đường. Ðây là nơi dùng để làm bếp núc và chỗ ăn uống. Thủ từ là người cậu họ, mừng rỡ khi thấy chúng tôi. Cậu sốt sắng mang bánh trái bày ra. Cậu hỏi anh em tôi. Mấy đứa bây học hành tới mô rồi. Kim Long thưa gửi chi đó khiến người cậu cười xòa.
Tôi rón rén bỏ dép ở ngoài cửa bước vào từ đường. Trên điện thờ chỉ có vài ngọn đèn dầu tù mù tạo nên không khí rờn rợn âm u. Tất cả các bài vị và những bát nhang đều lạnh lẽo chập chờn trong chút ánh sáng hư ảo nhỏ nhoi từ bóng đèn hắt lên. Tôi đi thẳng tới chính điện. Hương linh tổ tiên của giòng họ ngoại tôi đang ngự trì trên đó. Trí óc tôi rộn ràng trở về những ngày giỗ chạp có đầy đủ con cháu tụ họp đông vui. Ðịnh luật sống của thời này là mất mát chăng. Hôm nay, ngày mồng hai tết chỉ còn có đứa cháu ngoại thui thủi trước điện thờ. Không dưng tôi sợ hãi, đi giật lùi ra cửa.
Tôi nghe tiếng mẹ. Ghé qua thăm cậu một chút rồi tui đi vô thăm ôn. Có tiếng người cậu. Rứa chị không vô điện thờ mừng tuổi tổ tiên. Giọng mẹ trầm lại. Thôi đi cậu, tui không muốn. Tôi biết mẹ không muốn bắt gặp cảm giác buồn tủi, nên người thoái thác.
Nằm ở ngay sau lưng nhà thờ họ là hai ngôi nhà của cậu Hoành và cậu Xích, em họ của mẹ. Hai cậu đã trung niên, đều có vợ con. Ôn mà mẹ nhắc là thân sinh của hai cậu. Ôn đã già nhưng còn quắc thước. Khuôn mặt tuy nhăn nheo nhưng điểm vào đó là bộ râu trắng như cước mọc xuống tới ngực. Gặp chúng tôi hai mắt của ôn cười him thu dấu sự mừng rỡ. Cậu Hoành xoa đầu cả hai đứa cháu rồi hối thúc mợ dọn thức ăn. Mợ là người nhỏ bé như mẹ, luôn ham việc. Tuy không đói bụng nhưng chúng tôi vẫn ngồi vào bàn. Cậu nhắc nhở chúng tôi gắp món này, ăn món kia. Mấy đứa em họ ngồi quanh nói cười luôn miệng. Sau khi ăn uống mợ Hoành còn nhét cho anh em tôi một mớ bánh trái làm quà tết.
Chúng tôi xin phép giã từ rồi bước qua nhà của cậu Xích ngay bên cạnh. Khác với cậu Hoành là người cao gầy nho nhã trầm tư. Cậu Xích là người đẫm thấp, vạm vỡ với khuôn mặt vuông vức. Trên môi luôn chực sẵn nụ cười vui nhộn. Cậu chào mừng tôi bằng cái xách tai mạnh bạo. Cậu nhìn mẹ cười hề hề. Chị rứa mà có phước. Con cái đứa mô cũng có khiếu học hành. Cậu quay sang gọi tục danh của tôi hồi nhỏ. Cậu quay sang Kim Long hỏi cháu biết viết thơ ve gái chưa. Chưa biết thì khi mô qua đây cậu dạy cho. Mợ Xích, trái lại cao hơn cậu một cái đầu, đang thầm thì với mẹ nghe cậu đùa, mợ chen vào. Cậu bây chỉ có cái đó là giỏi. Cả nhà đều cười vang ấm áp... Cậu Xích nhìn mẹ rồi ngó qua tôi nói giọng trầm trọng. Chị bảo cháu lo mà giữ thân. Cứ ngờ ngờ như rứa bên mô gặp cũng rắc rối. Chị nói cháu sau tết ni đừng có mò về nữa. Mẹ đáp lời bình thản. Tui lo mà rồi không lo nữa, tính cháu như rứa, liều mạng... Tôi biết lắm chứ, nhưng hề gì. Tới đâu thì tới. Mảnh đất này tôi không thể nào chối bỏ. Lý trí tôi bảo đừng nhưng lòng tôi lại không nghe theo.
Chúng tôi đi ngược lên hướng cũ, ghé vào nhà hai bà dì. Nơi ngôi nhà mà sinh thời bà ngoại đã ở. Dì Thỉ ra đón mẹ con chúng tôi tức tưởi. Dì Lé ở nhà bên cạnh bước qua. Ba chị em hàn huyên trong nước mắt. Tôi rưng rưng. Nước mắt có làm nguôi bớt những khổ lụy hay chồng chất thêm. Ðời hai bà dì bất hạnh hơn mẹ. Mất mát tinh thần cọng với đời sống nghèo túng làm cho đời của các dì mòn hơi. Dì Lé sống với mấy đứa con của chồng như một nương tựa tạm bợ. Còn dì Thỉ thì dượng Kính, chồng của dì chết sau khi Vang mới lọt lòng. Tôi không nhớ rõ chi tiết về người dượng này nhiều. Theo mẹ, thì dượng cũng một tay tài hoa, từng làm ra dăm ba bài vè cho bà con ngâm nga. Dượng bỏ lại cho dì một bầy con 6 đứa, nhưng đời dì cũng chẳng may mắn hơn. Ðứa con trai cả là Dường, đi lính đóng ở Pleiku, đã dẫn vợ con theo. Người con gái thứ hai là Tin, nhan sắc linh lợi. Tin lấy chồng có 2 đứa con, bị bệnh qua đời đột ngột. Tín, đứa em trai kế cũng chết lúc còn nhỏ, tôi không nhớ mặt. Tiếp theo Tín là Vui, con trai bằng tuổi tôi. Vui cũng đã yểu mệnh vì bệnh hoạn mấy năm trước. Áp út là Vẻ, con gái cũng đã chết tức tưởi lúc tuổi dậy thì. Dì còn một cô con út bằng tuổi Kim Long là Vang, đang ngồi trước mặt tôi, hai mẹ con cùng nhau sớm tối hẩm hút... Nuôi con trong hoàn cảnh góa bụa, tưởng đâu con cái sẽ là những niềm vui. Chứng kiến những đứa con yểu mệnh dần dần, dì phải có một nghị lực to lớn lắm mới trấn áp nỗi những khổ đau, sống được cho đến bây giờ. Dì đưa tay quệt nước mắt bảo Kim Long lại gần. Dì đưa bàn tay đen rám lên khẻ gỡ một bợn ghèn bên khóe mắt em. Kim Long ngẩng mặt ngọ nguậy.
Tôi muốn đến ôm dì an ủi, nhưng sợ dì tủi thân khóc nữa nên ngồi yên. Tôi muốn thắp nhang lạy mừng tuổi bà ngoại, nhưng đành chịu. Trên bàn thờ hai bên là hai cây nến trắng, chính giữa là một bình hoa cắm đầy bông vạn thọ. Xa trên vách phía trong là tượng chúa đóng đinh trên thánh giá. Tết nhất mà không có nhang khói làm cho không khí căn nhà thêm trống vắng lạnh lẽo. Bà ngoại mất đã mười mấy năm mà tôi thấy như hôm qua. Vị trí cái giường của bà nằm vẫn còn chỗ cũ. Căn nhà phối trí vẫn như xưa. Vang ngồi thả hai chân xuống chà chà nền nhà, hỏi tôi. Khi mô thì anh đi học lại. Tôi nói là thứ hai mồng 5 tết. Khuôn mặt Vang bé nhỏ, chịu đựng, tuy còn dại nhưng thần thái như nụ hoa khô. Tôi nguyện thầm em hãy sống với dì đừng có bỏ đi.
Nhìn mẹ và hai dì ngồi với nhau chĩu nặng buồn phiền, tôi chịu đựng hết nỗi, bèn bước ra ngoài sân. Trước mặt nhà vẫn con hói nhỏ chảy ngang trên mặt phủ đầy bèo. Từ sân ra tới bìa hói là một khoảng đất trủng vuông vắn được trồng rau muống. Bên kia hói còn đó ngôi nhà hàng xóm với cái nền khá cao cách lìa với mặt sân. Bên hông phía nhà của dì Lé là đám ruộng chạy ra thẳng gặp rặng tre già phân chia với cánh đồng bên kia. Sát vách nhà là độn rơm khô ngày nào bà ngoại mất, tôi chạy ra đó đứng khóc một mình.
Nhà dì Lé cửa ngõ toang hoác. Mấy đứa em họ tôi đi vắng. Tôi bước vào, trên giường tre bên góc một con gà đang bươi móc. Tôi quơ tay xua đuổi. Nó hoảng hốt lách nhanh ra cửa. Tôi ngồi xuống cái giường đặt giữa nhà. Cũng như bên nhà dì Thỉ, mọi vật bày biện trong nhà hiện rõ lên sự nghèo túng xơ xác. Trên mái cũng như chung quanh vách đều được lợp bằng tranh. Lâu quá lớp tranh này chưa được thay nên đã ngã màu nâu đen gần như rã mục. Tôi ngậm ngùi. Ước chi mình giàu có. Những suy nghĩ, những chữ nghĩa của tôi đều vô ích trước thực tại này. Con gà hồi nảy không nghe gì lại thập thò trở vào. Nỗi phẫn uất vô cớ bùng lên, tôi vụt đứng dậy rượt đuổi con gà. Nó thất thần đập cánh quay trở ngược, trả tôi những tiếng quang quác thức thách.
Chắc nghe tiếng gà, dì Lé trở lại nhà, thấy tôi dì hỏi chi rứa cháu. Tôi thu lại buồn bực đáp vui vẻ. Con gà vô phá nhà, cháu đuổi ra. Dì không trả lời đi thẳng vô góc bếp. Dì lục lọi một hồi rồi bưng ra cái trẹt nhỏ, trên đó có 4 chén chè, một nãi chuối tiêu với một đòn bánh tét. Dì nói giọng an phận. Tết khôn có chi, dì để dành chừng ni cho hai đứa bây. Ăn khôn hết thì nhớ mang về. Trong lòng tôi muốn từ chối, vì thấy nhà không còn gì, nhưng sợ dì tủi thân. Tôi sốt sắng. Ðể cháu bưng qua. Hai dì cháu trở lại nhà của dì Thỉ. Thấy chúng tôi vào, dì Thỉ đứng lên. Mần chi cho chị với hai cháu ăn uống để rồi về. Vang đi vô bếp lấy chén đũa. Dì Thỉ bưng ra thêm một dĩa thịt heo luộc thái mỏng, cùng vài dĩa xôi. Chúng tôi ngồi quanh trên cái giường trước bàn thờ. Mẹ vui vẻ nhắc chuyện mấy chị em khi còn ấu thơ. Bữa ăn như tươi tắn lại. Tôi tò mò. Rứa hồi nớ răng mà cha gặp mạ. Dì Thỉ cười. Mạ cháu có biết chi mô. Bên nội cháu qua hỏi thì bên ngoại gả. Dì Lé đùa thêm. Em còn nhớ chị bữa đưa dâu còn khóc hù hụ. Chị trốn trong buồng không chịu ra. Mẹ cười lim dim hai mắt. Duyên nợ hết hai dì ơi. Tôi phụ họa. Nhờ rứa chừ mới có mấy đứa cháu qua thăm dì chơ. Mẹ nghe tôi nói, bật cười làm cho hai dì cười theo.
Trước khi trở về, chúng tôi còn phải đi vào thăm nhà ôn Thỉ, trùng tên với bà dì tôi. Ôn là em họ của bà ngoại. Khi ra khỏi ngõ nhà của hai dì, nơi sát đường cái, cái quán tạp hóa nhỏ của dì Liên đóng cửa vắng ngắt. Mẹ nói là dì Liên đã đi theo ở với con cháu nơi nào đó xa lắm. Trời đã ngã chiều. Ba mẹ con đi trở ngược về hướng bến đò. Qua ngôi giáo đường cổ, nhìn vào cửa nẻo đóng chặt. Cái sân rộng lên đầy rêu. Sừng sững trên nóc là ngọn thánh giá in hình vào nền trời. Tôi nhớ những lần theo dì đọc kinh quì ê cả hai đầu gối. Tiếng kinh cầu còn ngân vang. Kính mầng Maria đức mẹ chúa trời cho chúng tôi là kẻ có tội... A men. Những lần đó tuy buồn ngủ, phải gục đầu xuống hàng vai tựa của dãy ghế trước mặt, trong trí tôi vẫn gợi những thắc mắc. Răng mà chúng tôi là kẻ có tội được. Chúng tôi có mần chi mô mà phải có tội. Tôi đã mang điều này hỏi một người bà con. Bà dì họ này đã trả lời tôi, giọng lo lắng sợ như có người thứ ba nghe được. Cháu đừng có thắc mắc như rứa, không nên.
Qua cái cầu nhỏ bắc qua con hói ngay bến đò, chúng tôi tiếp tục đi nữa. Phía bên tay phải là ngôi đình làng ngoại to lớn với cái sân thật rộng quay mặt ra hướng bờ sông. Sau chiến tranh đình được trùng tu. Cha tôi là một trong những người dự việc xây dựng này. Dân làng đã làm lễ khánh thành ngôi đình rất trọng đại. Hình như cha được làng ngoại cho một vinh dự chi đó, nhưng cha đã từ chối. Cha nại cớ mình là con rễ của làng thì cũng phải đóng góp như dân làng. Hồi đó, công việc túi bụi. Tuy gần nhà, nhưng cha ăn ở luôn trong cái rạp nhỏ bên hông. Thỉnh thoảng anh em chúng tôi qua thăm rồi ngủ lại. Những cậu, những dì mang quà bánh cho anh em chúng tôi nhiều vô kể. Cha thường phiền hà, nói với bà con là đừng mầng như rứa mấy cháu thêm hư hỏng. Một lần, sau khi một ông cậu họ xa mang đến cho anh em tôi một nải chuối chín vàng. Tôi hí hửng nhận quà. Sau khi ông cậu ra về, tôi xớ rớ ở bên cạnh nhìn cha đang đo thước tấc những thân gỗ. Cha ngước mắt lên nói với tôi bằng giọng nghiêm nghị. Chừ con biết nhận thì sau ni con phải biết cho. Xong câu, cha cúi xuống tiếp tục công việc.
Con đường chạy ngang trước đình thẳng tới thì gặp một con hói khá rộng từ sau cánh đồng làng ngoại chảy ra nhập vào sông Ô Lâu. Bắc qua con hói là chiếc cầu gỗ rộng rãi hình cánh cung. Bên đó là địa phận của làng An Thơ. Cặp theo con hói này, ở bên hông đình, là con đường cái chạy thẳng ra phía sau cánh đồng. Nhà thờ họ Lê-Thanh, nơi thờ phượng tổ tiên của bà ngoại tôi nằm trên con đường này. Ðó là ngôi từ đường to lớn cổ kính bề thế nhất làng. Ngay cổng ra vào là hai trụ hoa biểu cao lớn vững chãi, với một dãy tường thành phân cách bên ngoài và bên trong. Ngoài ngôi điện bề thế nằm giữa, hai bên là hai tòa nhà nằm ngang cũng to lớn không kém. ở giữa là cái sân gạch rộng lớn đặt nhiều chậu cây kiểng rất đẹp mắt. Khi đi ngang qua, tôi không thấy gì bên trong vì hai cánh cửa đã được đóng kín.
Nhà của ôn Thỉ nằm gần cuối đường. Ôn trạc bằng tuổi mẹ, nhưng vai vế lớn hơn. Ôn vẫn com rom như bao giờ. Lại thăm hỏi chào đón. Lại ăn uống vui vẻ. Mẹ vào trước bàn thờ thắp nhang. Mẹ quay ra bảo tôi với em vô lạy mừng tuổi tổ tiên bên ngoại của mẹ. Mụ Thỉ lui cui cột cho hai anh em tôi mấy đòn bánh tét. Nhìn anh em tôi, mụ cười hề hề văng nước cốt trầu đỏ tươi ra ngoài miệng. Mụ đùa, cháu có muốn sau ni mần rể làng ngoại khôn. Tôi cười ngượng ngịu. Ôn Thỉ trả lời dùm tôi giọng che chở ấm áp. Mấy đứa bây gắng học tập nên người cái đã. Có muốn như cha bây thì khi đó tau mai mối cho...
Ba mẹ con trở lại nhà khi trời đã vào đêm. Bầu trời kéo mây, gió se lạnh. Ðường làng vắng tanh. Vài mái nhà bên đường đã lên đèn, hắt chút ánh sáng ra ngoài, le lói chập choạng. Khi qua khỏi cầu Tùng Thị một đoạn, chúng tôi định tạt vô thăm o Khả, nhà ở sát bên vệ đường. Khi đi ngang nhà o bên trong tối thui, chắc o đi vắng. O là em ruột của bác Lượng, góa chồng sớm. O không tái giá, ở vậy nuôi một bầy con. Hai người con gái cuối của o là Hạnh và Hoa, lấy chồng làng. Cả hai người anh rễ này đều đã tử trận. Hạnh, Hoa trở thành góa phụ trong cái tuổi còn ngồn ngộn trẻ măng. Tôi nhận thấy phần lớn những người nữ có bà con xa gần với tôi tuy có nhan sắc, nhưng lại gặp bất hạnh về đường phối ngẫu. Lúc này suy nghĩ của tôi còn non nớt, chưa tìm cho mình được một giải đáp thỏa đáng. Tôi chỉ mù mờ nhận ra rằng mỗi người sinh ra hình như đã được sắp đặt sẵn một định mệnh. Ai có phần nấy, không chọn lựa. Tức là khi được sinh ra con người ở trong thế một sự đã rồi...
Còn một ngày mai nữa. Ngày mốt chủ nhật, mồng 4 tết tôi sẽ phải trở lại Phong Ðiền tiếp tục công việc học hành. Cả ngày mệt mỏi, sau khi cha mẹ thắp nhang trên bàn thờ, cúng bánh trái, cả nhà ăn uống qua loa. Tôi và Kim Long liền chui xuống hầm trú ẩn ngoài sân. Ðặt lưng xuống là tôi ngủ thiếp đi. Trong mơ hồ tôi thấy mình trần truồng phơi nắng ngoài độn cát. Rồi có tiếng chó tru tréo rượt đuổi. Tôi chạy thục mạng té lên té xuống rồi giật mình thức giấc. Cổ họng tôi khô rát, cơn khát nỗi dậy. Tôi lồm cồm bò lên, trong bóng tối, tôi mò mẫm bước vào nhà, tìm nước uống.
Mấy ngụm nước làm cho tôi tỉnh táo. Tôi chưa chui xuống hầm liền, mà đứng ngay miệng cửa. Thân thể tôi ở trong vị thế nửa trên nửa dưới, ngực tôi ngang bằng với mặt đất. Ðêm tối đen. Gió lạnh thổi rì rào trên đọt tre. Tiếng tàu lá chuối sột soạt bên hiên nhà. Thỉnh thoảng có luồng gió thổi sát mặt đất, đập thẳng vào mặt vào ngực, tôi rùng mình ớn lạnh. Tôi đứng như thế không biết bao lâu. Bỗng dưng tôi nghe tiếng của nhiều bước chân người đi nhịp đều ở hướng xóm trên đang tiến dần xuống. Tôi sợ hãi thụp đầu xuống, nhưng chưa chui vô hẳn trong hầm. Tiếng của những bước chân vẫn đều đặn đi ngang trước mặt nhà, rồi thẳng xuống phía dưới. Tôi nghĩ đó là một toán du kích Việt cọng đang trên đường đến khủng bố một mục tiêu nào đó. Tôi chui vô hầm, nằm xuống bên cạnh Kim Long cố dỗ giấc ngủ.
Hôm sau tôi chạy qua chú Anh xông đất. Cháu vẫn chưa về thăm. Tôi đùa nghịch với mấy đứa em họ một hồi rồi trở về nhà. Chạng vạng tôi đi theo cha qua nhà thờ họ thắp nhang. Trái ngược với nhà thờ họ ngoại, ngôi từ đường họ nội của tôi khiêm tốn nhỏ nhoi. Ðó chỉ là một ngôi nhà hẹp, tuy vách được xây bằng táp lô nhưng chưa được tô láng. Trên mái lợp tranh, cửa ngõ làm bằng tre đan lại. Ðiện thờ là 3 cái bục xây bằng xi măng, đã nứt nẻ sập lún xuống vì nền từ đường dựng trên đất bùn thiếu vững chắc. Nhìn tổng thể của ngôi từ đường cũng đủ thấy biểu tượng của cả giòng họ nội tôi. Xiêu vẹo, chông chênh như đời sống của đám con cháu.
Mỗi lần qua đây là mỗi lần tôi xót xa. Nhìn lên kệ thờ hoang lạnh tồi tàn chỉ một màu xám đen. Nhìn những bát nhang còm cõi thiếu vắng. Nhìn bệ thờ rạn nứt muốn ngã đổ bất cứ lúc nào. Tổ tiên ngự trì một nơi như thế thì làm sao cho con cháu cất đầu lên. Không phải là bà con họ hàng không chịu trùng tu. Nhưng rồi đâu lại vào đấy. Những bộ đồ thờ đều bị người trong làng, tôi không biết ai, đánh cắp. Họ hàng tôi đành thúc thủ, không biết kêu ai.
Tôi phụ cha thắp nhang trên bàn thờ, rồi đi ra ngôi miếu cổ ở bên hông. Ngôi miếu nhỏ phía trong chỉ vừa đủ cho một bát nhang. Trên mái rêu xanh mủn bám dầy, hai bên nóc đầy những cây leo buông thỏng cành lá đu đưa. Tôi cắm nhang xong, trở lại từ đường ngồi xuống bậc cửa nhìn ra mặt sông. Bên trong cha đang quì lạy. Tôi nhớ về nơi phát tích của tổ tiên mà trong một lần cha thú lộ. Tôi chẳng biết người khai sinh của giòng họ này khi từ quan xuống sông làm nghề chài lưới, có tiên đoán tương lai của đám con cháu về sau của chúng tôi không. Hay người cũng chỉ vì ngông ngạo tự ái nhất thời khiến cho đám hậu duệ phải chìm đắm theo tận đến bây giờ. Nghĩ cho cùng tôi không hề trách cứ tổ tiên. Vì nghề chài lưới theo tôi đâu phải là một nghề hạ bạc như thiên hạ hẹp hòi qui trách. Chẳng qua là vì cách sống của chúng tôi đấy thôi. Chịu đựng nhẫn nhịn đã trở thành thói quen khiến cho thiên hạ dễ dàng lên mặt khiêu khích. Nếu bà con tôi quả cảm thêm một chút trong lề lối hành xử thì chắc không ai dám coi thường. Tôi không ngoa đâu. Phát tích của nhà Trần mấy lần thắng giặc Mông Cổ, giữ nghiệp đế vương hơn trăm năm cũng khởi từ cơ nghiệp chài lưới như tổ tiên giòng họ tôi...
NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
Trích Tự Truyện Thầm Lặng Trời, Thầm Lặng Đất
1994