Thursday, February 25, 2016

NỤ CƯỜI

thuở nhỏ,
dịp tết là niềm vui lớn,
quần áo mới
tiền mừng tuổi
và nhất là tha hồ tung tăng

thời gian cận tết,
tôi ôm chú gà đá của mình
đi kiếm đám gà trống của bà con chòm xóm
để thả nó xuống khiêu chiến,
đạp mổ lung tung,
cũng chẳng sao
vui tết mà

nhưng ít vui là tôi đã cho chú gà
chơi luôn những con gà trống
vốn dĩ là gà giống để làm phẩm vật cúng lễ đầu năm,
sau đó gia chủ sẽ mang cặp giò đi coi bói,
mong tìm biết gia vận của năm tới.

thế là tôi trở thành tên tội phạm,
có lúc mẹ đã phải đi đến nhiều nhà láng giềng
để xin lỗi và bồi thường,

vì phạm tội,
nên tôi phải bò lên bộ ngựa giữa nhà
nằm sấp xuống,
thấy tội nghiệp cho con trai,
mẹ năn nỉ cha,
thôi đi, để sau tết hãy tính,
cha lắc đầu,
qua tết sẽ quên,
hơn nữa tội của con không nhẹ,

thế là cha hạ roi xuống mông tôi
vừa quất vừa thị uy,
"đá này, gà này, gà này, đá này
ngày mai bảo mấy đứa giết gà nấu cháo"
tôi chỉ biết hu hu sau mỗi lằn roi....

có một năm,
hình như sáng mồng hai tết,
tôi đang chuẩn bị ôm gà đi quậy,
thì mẹ bảo
con theo mạ đi thăm bên ngoại,
tôi cụt hứng vùng vằng trả lời,
mạ, mình ở nhà đợi bà con bên ngoại qua thăm cũng được,
(tôi viện cớ thoái thác để được ở nhà ôm gà đi chơi)

mẹ nhìn tôi từ tốn,
con ơi, muốn bà con đến thăm mình
thì mình nên đi thăm người ta trước,
tôi chỉ biết vâng lời,
rồi lẳng lặng phụ giúp mẹ mang quà tết
bực bội bước theo,

rồi tôi lớn khôn
học tập xa nhà
tình cờ trong giờ anh văn,
có một bài về giao tế thư từ,
trong đoạn văn có nói
nếu mình muốn nhận được thư
thì trước tiên mình phải gửi thư đi.

khi đó tôi đã xao động,
thốt nhớ lời của mẹ từ cái tết năm nào.

ngẫu nhiên chăng
trùng hợp chăng
mẹ tôi xuất thân từ làng quê nghèo
và chẳng bao giờ đi học,

dần dần tôi nhận ra,
là con người bất cứ ở đâu,
nếu có tấm lòng bất chấp vô ngại
thì cách ứng xử hầu như giống nhau,
là luôn nở nụ cười,
và mở vòng tay của mình ra trước.

mẹ ơi,
con vẫn nhớ lời mẹ,
vẫn hành xử theo lời mẹ,
dù đôi khi
cũng chẳng dễ dàng gì

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN