Sunday, June 26, 2016

GIỮA TRIỀN HẠN REO (Thay Lời Bạt)

   
 
   Nắng lên, những ngày mới ra giêng Huế thơm như thần thoại. Nắng sáng ngời theo sắc lá non, phổ thành trăm nghìn phiến lụa nõn huyền ảo giăng mắc ngang trời. Màu xanh trùng trùng ngát ngát. Ngồi bên hiên nhà, tôi nhìn theo mấy đọt cau mà nghe lòng chan chan hạnh phúc. Trước tầm mắt, lá xuân phới dậy theo hồn tôi đang xanh. Những sáng sớm thức giấc bước ra khu vườn giăng đầy sương muối. Từng tàu lá chuối sương đọng thành giọt tụ dốc ngoằn ngoèo rơi rụng ngay đầu mũi lẫn hai bên mép lá. Tiếng gió nhẹ vỗ về lên tàu cau nghe âm hưởng cô tịch phủ kín thời gian... Tôi nín hơi sâu hơn trong lồng ngực. Từ đó là những cảm nghiệm bí mật không chia sẻ không tặng hiến. Ðất trời đang lên trong tôi, hay tôi đang hòa thân theo đất trời.

   Tôi chẳng hề biết lòng mình nặng nhẹ. Thơ hóa hiện theo trắc ẩn cùng hư hoại của đời sống chăng. Hay thơ cũng chỉ là mớ son phấn trang điểm cho nhan sắc em thêm hồng. Hay thơ là mây triệu kiếp lang thang mơ hồ lãng đãng. Tôi đã từng thắc mắc, cũng như đã từng buông thả. Tại sao tôi bỗng vô cớ run run theo giọt nước trên đầu ngọn cỏ trước sân nhà. Ân tứ của mặt đất vốn tự tại hay bởi lòng tôi thiết tha nên mới có. Hay bởi trực giác bén nhạy mẫn cảm của chính mình đã gây cho tôi khốn khổ đau thương.

   Thần hồn tôi trong thời đoạn này là đá tảng nặng chĩu. Như sản phụ thai nghén đợi giờ phút lâm bồn. Tôi biết sẽ đến lúc, sắp đến lúc đổ ào ra.

   Tôi bắt đầu trường ca lục bát Giữa Triền Hạn Reo bằng cơn đau bụng. Ðó là giấc chừng sau buổi trưa của một ngày cuối tuần. Tôi đang ngồi ở bàn mò mẫm với chữ nghĩa bỗng cơn đau bùng lên bất chợt. Tôi vội vùng chạy ra nhà cầu phía sau tận mút của khu vườn. Trên đầu tôi, bóng tre bóng ổi tạo thành vòm mái thiên nhiên. Nắng râm râm xuyên qua bóng lá với dăm đám mây trắng bay bay lơ lửng. Tôi nhìn đám đất lên đầy rêu xanh mủn, ngay trước chỗ mình ngồi. Màu rêu hòa với sắc trời đậu xuống nền đất như hoa âm tụ hội. Bụng tôi quằn quại quặn thắt từng đợt. Con người tôi phân hai trong một thống hợp đau điếng. Thân xác tôi bị thúc bách với nhu cầu sinh lý đang hiện hữu theo trời đất vô ngôn. Tôi ngước lên. Mây im tiếng trôi lặng lẽ. Tôi nhìn xuống, đám rêu xanh tự tại an bình. Thơ tự hồn tuôn theo nhịp đau nhức bóp của ruột. Tôi nín thở. cỏ yên tỉnh ngủ trên đồi. dưới hồn rêu mục đâm chồi kết hoa. không lời như bóng mây qua. đầy hoa bướm gọi chan hòa đỉnh cây... Thơ trào ra ngoài tầm thần trí. Tôi lẩm nhẩm đợi cho xong công việc đòi hỏi của thân xác rồi vội bước vào nhà, ngồi xuống bàn lật ra tập vở trắng.

   Tôi viết đuổi như mê, không chủ động được chính mình. Cảm xúc mênh mang, bàn tay tôi theo cây bút chạy trên mặt giấy trắng. khai dòng nương bóng hồn quê. em xanh xanh gợi trăm bề quạnh hiu. tơ vàng sợi nhỏ chắt chiu. dư hương em có như điều thủy chung... Mồ hôi rịn vã hai bên thái dương. Tôi muốn dừng, nhưng không điều khiển được bàn tay đang bị thơ lên cơn đè ép. Cảm xúc thần kỳ ma muội chen lẫn ôm theo đâu đó trong hồi ức hình ảnh tắt hiện loang loáng như tia chớp của cơn giông đã đẩy tôi thả xuống mặt giấy chừng một trăm câu lục bát.

   Khi nguồn hứng cạn, tôi nghe bàn tay cầm bút như không còn cảm giác. Nhưng bù lại, thần hồn tôi thư thái lâng lâng. Tôi đan hai bàn tay vặn vẹo cho bớt tê mỏi, rồi mồi điếu thuốc, ngả người ra thành ghế lim dim. Tôi nghĩ đến những dòng chữ vừa tuôn trải. Mai hậu sẽ là gì, tôi không biết. Nhưng đã từ tôi đi ra, thì nó chính là tôi. Là hồn là xác, là tinh hoa là cặn bã, là xương máu tôi.

   Hút điếu thuốc, khói nồng khiến tôi cơ hồ tươi tỉnh. Tôi định tâm nhìn xuống những dòng lục bát vừa mới xong. Tôi ngờ ngợ. Câu thứ ba không giống như cảm xúc tiên khởi, khi tôi còn ngồi trên hầm cầu. ta buồn theo bóng mây qua. Tôi đã viết xuống như thế thay vì không lời như bóng mây qua. Tôi đang bị nỗi buồn đeo đẳng. Mây trời kia đâu có tội tình gì mà tôi bắt phải chuyên chở nỗi buồn mình. Nhưng mặc kệ. Cảm xúc ban đầu tuy tròn vẹn nhưng nó ở ngoài tôi. Tôi đọc một lượt nữa, không ngờ trong kích ngất, chữ nghĩa tôi ba động như thế. Là đất đá, là bão lửa đã trì đọng trong hồn tôi bấy lâu nay, giờ mới phôi dựng được hình hài. Tôi nghe lồng ngực nghèn nghẹn. Cảm giác nhẹ nhõm tan biến. Bồi hồi trở dâng lên. phong trần sân hạnh ban trưa. ngõ tre bóng động có vừa vó câu. rời ga hơi hướng lên tàu. chìm theo khói lặng ban đầu tuyết trinh. trần truồng hát giữa vô minh. ta ngồi chơi với thân mình vô ngôn... Mình là tri kỷ của mình, hay mình không bao giờ là mình. Trong thân xác này đang được ký thác bởi âm hưởng, thần tích từ phương trời phương đất nào. Tất cả như đã biến thành hơi may tan đi tan đi.

   Tôi xếp tập bản thảo mà lòng ái ngại. Mới đầu, cứ tưởng một trăm câu là nhiều, nhưng đọc rồi thì chẳng được bao nhiêu. Khái niệm phải hoàn tất một trường ca nổi lên. Tôi nhủ lòng hãy hàm dưỡng, đừng hối hả. Cảm xúc khi chín mọng thì sẽ bật lên thơ. Vội vàng chi, vô ích. Thế là tôi ở trong trạng thái tinh thần thường trực ứng phó. Tôi luôn mang theo bên mình tập bản thảo Giữa Triền Hạn Reo.

   Ma đưa lối quỷ dẫn đường, hay tận trong sâu thẳm vô thức tôi đã được điều động bởi truyền thống. Tôi ngốc nghếch đâm đầu vào sự trói buộc của thể sáu tám. Ðó là thể thơ biểu trưng việt-nam-tính. Một câu hò một điệu vè một nhịp chầu văn cũng khởi từ dạng thức lục bát. Bất cứ ai cũng có thể diễn tả cảm quan bằng thể thơ này, nhưng khó đạt đến tuyệt đỉnh thần tính của ngôn ngữ. Như lời tụi bạn văn nghệ tôi bình phẩm. Dễ làm mà khó hay. Nhìn vào nền văn học cổ điển, ta cũng thấy rõ chứng luận này. Ða số truyện thơ thời trước đều được tạo nên bởi mắc xích của thể lục bát. Vần cuối của câu lục hiệp với vần thứ sáu của câu bát, khởi thành điểm tựa rồi đẩy đưa âm điệu ra đi. Cái hay là nặng tình tự đất nước, dễ lắng sâu dễ chìm vào lòng người thưởng ngoạn. Cái không hay là nếu người viết dễ dãi, thì câu lục bát sẽ trở nên ngô nghê sa đà tràn lan âm hưởng của vần vè dân dã.

   Vì niêm luật chặt chẽ, nên thể lục bát đã trói buộc ngôn ngữ trong giới hạn nhất định. Nếu tác giả thiếu bản lĩnh thì thể thơ sẽ chậm ì, nặng nề theo tự sự của chuyện kể. Như Nguyễn Ðình Chiểu trong tác phẩm Lục Vân Tiên. Chuyện chàng thì hãy còn lâu. chuyện nàng xin lại từ đầu nói ra... 

   Bạn tôi, Dương Uyển Châu, sau khi chiêm nghiệm tìm tòi đã phát biểu. Người Việt Nam nào cũng làm được thơ lục bát. Nhưng không thể hồ đồ gọi tất cả âm điệu của thể này là thơ. Có những câu lục bát là thơ, nhưng có những câu lục bát chỉ có nhiệm vụ chứa đựng diễn tả sự kiện bằng văn vần. Châu đã trích dẫn từ Ðoạn Trường Tân Thanh, Hoa Tiên, Bích Câu Kỳ Ngộ... để chứng minh. Chẳng hạn như trong Truyện Kiều, bạn tôi cho đoạn mở đầu chỉ là âm điệu lục bát chứa đựng diễn tả sự kiện. Tôi đã chú tâm nghe, nhưng vẫn thấy bất ổn. Nói bạn tôi đúng cũng được, mà không đúng cũng được. Tôi dằng co trong suy nghĩ mình. Nhưng sau khi bình tâm, tôi thấy quan niệm của bạn nặng lý trí, hơn nữa đó mới chỉ là một mặt của vấn đề.


   Bằng chủ quan tôi, không chỉ là thể lục bát, mà bất cứ thể thơ nào cũng vậy, nó đều ẩn chứa hai mặt. Ðó là sự kiện và thần
hồn. Nếu ôm đồm nhiều sự kiện mà nhẹ thần hồn thì câu thơ mang nặng tính diễn tả. Ngược lại, thần hồn phủ chụp lên để điều động sự kiện rồi gây nên cảm xúc day dứt bất tuyệt cho người đọc, thì đó là thơ. Ðiều chính yếu chi phối một sáng tác thơ là bản sắc cá tính của tác giả, như một quyết định tối hậu để cho người đọc thấy đâu là hay, đâu là không hay. Nói vậy nhưng không cùng, tôi chẳng thể nương tựa vào mớ kiến thức hỗn độn của mình để hàm hồ thêm. Với tôi, tâm hồn năng khiếu cảm xúc kinh nghiệm tài hoa... là điều kiện bắt buộc cho thành công hay thất bại của tác phẩm. Còn kỷ thuật hình thức thể loại chỉ là phương tiện chuyên chở.

   Nên chi, tôi an nhiên tiếp tục Giữa Triền Hạn Reo. Tôi tin chắc rằng nếu tâm hồn mình khác, hẳn nhiên sẽ đẩy thơ tôi bắt theo con đường khác với người đi trước. Tôi không ngại về sự trùng lặp, xào đi xào lại mớ ngôn ngữ đã cũ. Tôi chỉ lo nội tại tâm hồn mình là kẻ nhai lại. Ðiều này cũng như trò chơi. Không chơi thì thôi. Nếu nhập cuộc thì phải chơi tận chơi cùng bằng trò chơi mới. Khó chỗ đó mà thú vị cũng ở chỗ đó.

   Trên bất cứ lãnh vực hoạt động nào cũng vậy, tiền nhân bao giờ cũng rộng bước hơn hậu sinh. Trong văn chương, tôi là kẻ đi sau. Nhìn quá vãng đã thấy đông đặc hàng hàng cổ thụ che khuất cả một vùng trời, tàng lá trùm lấp luôn thảo mộc phụ thuộc ở bên dưới gốc. Tiềm năng tôi tự thời nao bừng dậy. Kính trọng nhưng bất phục. Tôi trân quí đóng góp của những tác giả đi trước nhưng không coi đó là tuyệt phẩm là lớn là tiêu điểm là cùng đường. Sáng tác của tôi phải vượt qua, vươn cao hơn sáng tác của họ. Tôi vạch cho mình một lối đi riêng. Cuộc sống bao la. Tôi phải tìm đến nơi chốn chưa có ai. Bất chấp chỗ đó khô cằn hoặc màu mỡ. Phải độc lập, gan dạ trên bước đường của mình. Rồi được hoặc không, thành hoặc bại, về sau sẽ hay.

   Trong tôi như khoảng trống. Khoảng trống loạn lạc. Tôi chẳng có giây phút nào chịu yên vị dù ngay cả hơi thở mọn. Tôi buồn tôi vui bất chợt bất thường. Bạn bè có đứa nhận xét tôi là tay gà tàng mát mát. Tính khí tôi như hai múi điện âm dương va chạm chớp lửa bất kỳ lúc nào, bất cứ ở đâu. Có đứa tỏ vẻ cảm thông hơn thì bảo. Thi sĩ là phải như thế. Nhịp điệu thi sĩ là nhịp điệu của trời đất.

   Tôi không đồng tình với một phía nào. Bạn theo đời thường thì làm sao dung chấp được tôi. Lắm lúc tôi đùa. Có chi mô, tau chẳng giống tụi bây. Vì tau được nuôi dưỡng bởi một thứ máu khác. Bởi lẽ tôi cảm nhận được những gì mà thiên hạ hoặc bằng hữu không thể với tới. Thảng hoặc những điều mà tôi coi là nhẹ thì thói đời cho là mục đích. Điều mà tôi không quan tâm thì chung quanh đang hì hục để mong đạt đến. Những tương tranh thấp hèn mà cuộc sống bày ra như một ràng buộc phải có cho nhân giới, tôi vô cảm bất chấp. Nói thật nhiêu khê, nhưng tựu trung, qua những nổi trôi như thế tôi mới nhận chân được chính mình. Dù rằng cuộc sống này có-tôi-đang-tới, nhưng lắm lúc tôi-thấy-mình-đã-ra-đi từ bao giờ. Trần gian mông mênh, tại sao phải hướng tâm vào những giới hạn chật hẹp. Tôi chưa vững bước, nhưng đã như trời đất, tôi muốn bay, muốn trôi dạt. Tâm thế tôi như lửa như nước. Dù ở hình thái nào. Tôi vẫn là Tôi.

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
(Trích Tự Truyện THẦM LẶNG TRỜI, THẦM LẶNG ĐẤT, 1994)